Thứ 7, 16/11/2024, 01:55[GMT+7]

Dịch bệnh tai xanh ở lợn đã được khống chế

Thứ 4, 08/05/2013 | 19:31:52
1,636 lượt xem
Đến ngày 6/5, xã Vũ Vân đã qua 20 ngày, Vũ Hòa là ngày thứ 15, Phú Xuân và Vũ Đoài qua 7 ngày không còn lợn ốm. Như vậy, tình hình dịch bệnh tai xanh ở lợn trong tỉnh đã được khống chế, trong đó Vũ Vân và Vũ Hòa đã cơ bản đủ điều kiện để công bố hết dịch bệnh trên đàn lợn. Mặc dù hiện nay dịch tai xanh ở lợn không phát sinh thêm nhưng Chi cục Thú y cùng với các địa phương vẫn tiếp tục thực hiện giám sát chặt chẽ dịch bệnh trên đàn lợn và các xã vùng khống chế đệm, xã có nguy cơ cao.

Ảnh minh họa

Từ đầu tháng 4 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra dịch bệnh tai xanh trên đàn lợn, với số lượng 528 con ở 117 hộ chăn nuôi của 13 thôn thuộc 4 xã, gồm: Vũ Hòa (Kiến Xương) Vũ Đoài, Vũ Vân (Vũ Thư), Phú Xuân (Thành phố Thái Bình). Ngay khi bệnh tai xanh phát sinh ở lợn, các ngành chức năng đã phối hợp với địa phương và các hộ chăn nuôi triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, do đó dịch bệnh ở lợn nhanh chóng được khống chế. Đến ngày 6/5, xã Vũ Vân đã qua 20 ngày, Vũ Hòa là ngày thứ 15, Phú Xuân và Vũ Đoài qua 7 ngày không còn lợn ốm. Như vậy, tình hình dịch bệnh tai xanh ở lợn trong tỉnh đã được khống chế, trong đó Vũ Vân và Vũ Hòa đã cơ bản đủ điều kiện để công bố hết dịch bệnh trên đàn lợn.

Ông Nguyễn Văn Đức, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: Sở dĩ dịch bệnh tai xanh ở lợn nhanh chóng được khống chế, không để lây lan ra diện rộng là do công tác quản lý lợn bệnh và điều trị lợn ốm, cùng với các biện pháp khác được thực hiện tốt; nếu cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhất là người đứng đầu địa phương có lợn bệnh chỉ đạo sâu sát, quyết liệt thì việc phòng chống bệnh tai xanh ở lợn không khó. Theo đánh giá của các đoàn kiểm tra của Bộ Nông nghiệp & PTNT, Thái Bình là một trong những tỉnh có nhiều giải pháp và thực hiện phòng chống dịch bệnh tai xanh ở lợn có hiệu quả nhất so với những tỉnh, thành phố có lợn bệnh.

Thực tế cho thấy, ngay khi bệnh tai xanh ở lợn phát sinh tại Vũ Hòa, Chi cục Thú y đã phối hợp với huyện, xã trực tiếp chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Đặc biệt, Chi cục đã phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ kỹ thuật "ăn nằm" tại cơ sở để đôn đốc, hướng dẫn kỹ thuật và theo dõi tình hình dịch bệnh để báo cáo cấp trên có biện pháp xử lý kịp thời. Ngoài ra, lực lượng công an các huyện trên đã được tăng cường xuống cơ sở để kiểm tra, rà soát các tổ chức, cá nhân thu mua, vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật… Cùng với đó, Chi cục Thú y đã cung ứng vắc xin phòng bệnh tai xanh và hóa chất, vôi bột để các xã tiêm phòng cho lợn, phun hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại, cống rãnh. Tính đến hết tháng 4, các xã có lợn bệnh đã  tiêm gần 12 nghìn liều vắc xin phòng bệnh tai xanh và sử dụng hàng nghìn lít hóa chất, vôi bột (xã Vũ Hòa đã sử dụng hết 332 lít Benkocid, 2.400 kg vôi bột; Vũ Vân sử dụng 126 lít Benkocid, 2.900 kg vôi bột…).

Ông Đức cho biết thêm, trước đây mỗi khi dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, ngành chuyên môn và các địa phương chủ yếu thực hiện tiêu độc khử trùng, kiểm soát giết mổ, nhưng không tiêm vắc xin phòng chống bệnh cho lợn ốm. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhất là năm nay công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc đã có nhiều đổi mới cả về cách điều trị, cũng như biện pháp thực hiện. Mặc dù vắc xin phòng chống bệnh tai xanh rất đắt (35-37 nghìn đồng/liều), nhưng khi có dịch xảy ra toàn bộ số lợn ở địa phương đó đều được tiêm phòng, đây là một trong những biện pháp khá hiệu quả để hạn chế sự lây lan. Đồng thời, các chốt kiểm dịch ở các đầu mối giao thông ra vào xã cũng thay đổi hình thức hoạt động, như chắn barie, trực 24/24 giờ và kiểm soát chặt chẽ các phương tiện ra vào địa bàn. Bên cạnh đó, chính quyền các xã đều tổ chức ký cam kết đến từng hộ dân về thực hiện không buôn bán, giết mổ, giấu lợn bệnh.

Ông Bùi Quang Minh, Chủ tịch UBND xã Vũ Vân cho biết: Khi xuất hiện bệnh tai xanh ở lợn trên địa bàn, trước hết xã đã lập ngay các chốt kiểm dịch, phân công cán bộ túc trực, tiếp đó là thông báo công khai trên hệ thống truyền thanh về những hộ có lợn bệnh; đồng thời hướng dẫn hộ dân các biện pháp phòng chống dịch, tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh, quy định bắt buộc tiêu hủy lợn ốm chết và lợn điều trị dài ngày không khỏi. Những hộ nào cố tình buôn, bán, giết mổ trong thời gian có dịch đều bị xử lý nghiêm theo quy định, như tịch thu phương tiện, phạt tiền… Chính vì vậy, Vũ Vân đã hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh tai xanh, toàn xã có 66 lợn ốm, trong đó điều trị khỏi 36 con.

Cũng theo ông Đức, thành công lớn nhất trong đợt khống chế dịch bệnh vừa qua là do công tác quản lý lợn bệnh được tốt. Toàn tỉnh đã thành lập 4 chốt kiểm dịch tại các đầu mối giao thông quan trọng ra, vào tỉnh. Các lực lượng tại 4 chốt kiểm dịch này đã phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc kiểm soát các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm; đồng thời thực hiện nghiêm chế độ trực 24/24 giờ. Từ đầu tháng 4 đến ngày 2/5, các chốt kiểm dịch của tỉnh đã kiểm soát được 526 phương tiện vận chuyển 345.297 con gia súc, gia cầm ra, vào tỉnh; trong đó xử lý 18 trường hợp vi phạm về kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật, tiêu hủy 23 con lợn, 16.400 con gà, xử phạt gần 20 triệu đồng. Điển hình, tại chốt kiểm dịch cầu Tân Đệ, lực lượng liên ngành đã kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 15C-04262, do ông Trần Vũ Tiến làm chủ, vận chuyển 40 con lợn thịt (70kg/con) từ Bình Lục (Hà Nam) vào địa bàn tỉnh, không có giấy chứng nhận kiểm dịch; lực lượng liên ngành đã xử phạt 1,5 triệu đồng và yêu cầu ông Tiến thực hiện kiểm dịch theo quy định…

Mặc dù hiện nay dịch tai xanh ở lợn không phát sinh thêm nhưng Chi cục Thú y cùng với các địa phương vẫn tiếp tục thực hiện giám sát chặt chẽ dịch bệnh trên đàn lợn và các xã vùng khống chế đệm, xã có nguy cơ cao. Tại các chốt kiểm dịch ở các xã có lợn bệnh vẫn duy trì hoạt động thường xuyên; việc giết mổ, buôn bán cũng được các hộ kinh doanh thực hiện nghiêm theo quy định… Tuy nhiên, theo phản ánh của một số hộ dân, hiện nay một số địa phương chưa công bố có dịch bệnh nhưng đã xuất hiện lợn ốm chết mà không khai báo với các cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý. Hơn lúc nào hết, vì lợi ích của chính mình, những hộ có lợn bệnh, lợn chết cần phải khai báo với lực lượng thú y xã để tránh những thiệt hại không đáng có xảy ra, góp phần cho lĩnh vực chăn nuôi phát triển bền vững.

 Bài, ảnh: Nguyên Bình

  • Từ khóa