Thứ 7, 16/11/2024, 01:26[GMT+7]

Ngành Công Thương Nhận diện khó khăn, vượt qua thách thức

Thứ 6, 10/05/2013 | 08:11:38
1,118 lượt xem
Trải qua 62 năm xây dựng, ngành Công Thương Thái Bình đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, trưởng thành về mọi mặt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là thời kỳ tỉnh ta đẩy mạnh thực hiện CNH, HĐH.

Dệt khăn xuất khẩu tại làng nghề Thái Phương (Hưng Hà).

Cách đây vừa đúng 62 năm, ngày 14/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 21 đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương. Ngày 2/10/2008, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định lấy ngày 14/5 hàng năm là ngày truyền thống của ngành Công Thương Việt Namon>. Trải qua 62 năm xây dựng, ngành Công Thương Thái Bình đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, trưởng thành về mọi mặt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là thời kỳ tỉnh ta đẩy mạnh thực hiện CNH, HĐH.

 

Thời kỳ đầu thành lập, quy mô ngành Công Thương tỉnh nhà rất nhỏ bé, chủ yếu sản xuất nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và tổ chức kinh doanh lấy tiền lãi phục vụ cho phong trào đấu tranh cách mạng. Giai đoạn 1957 - 1959, Thái Bình thành lập 82 HTX thủ công nghiệp, 35 tổ hợp tác, 404 tổ gia công với trên 26.000 thợ thủ công. Đến năm 1965, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 6 cơ sở công nghiệp quốc doanh và 20 xí nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến gỗ, thực phẩm, cơ khí, may mặc... Mậu dịch quốc doanh giữ vai trò chủ đạo trong lưu thông hàng hóa, chiếm 90% thị phần bán buôn và 75% thị phần bán lẻ.

 

Hòa bình lập lại, các HTX thủ công được củng cố, phát triển quy mô lớn, nhiều làng nghề truyền thống được khôi phục. Ngoài Nhà máy đay Trung ương, trên địa bàn tỉnh có 109 HTX thủ công và hàng chục xí nghiệp công nghiệp quốc doanh ra đời như xe đạp, xi măng, chiếu, dụng cụ thể thao... Đặc biệt, từ khi thực hiện công cuộc đổi mới năm 1986 đến nay, ngành Công Thương cả nước nói chung, Thái Bình nói riêng có bước phát triển toàn diện mang tính đột phá. Cơ sở hạ tầng công nghiệp và thương mại không ngừng được củng cố, mở rộng cả về số lượng và quy mô.

 

Toàn tỉnh hiện đã quy hoạch 15 khu công nghiệp (KCN) và 43 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích gần 4.400 ha, trong đó đã hoàn thành quy hoạch chi tiết 6 KCN và 31 CCN với diện tích gần 2.000 ha. Trước năm 2001, rất nhiều địa phương trong tỉnh thuộc diện “trắng” nghề thì đến nay tất cả các xã, phường, thị trấn đều đã có nghề với 241 làng nghề được cấp bằng công nhận. Sự hình thành các khu - cụm công nghiệp kết hợp với hàng loạt cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư đã thu hút khá đông các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến hợp tác.

 

Tại các KCN đã thu hút 132 dự án với tổng vốn đăng ký đạt gần 11.550 tỷ đồng, quy mô trung bình 87,4 tỷ đồng/dự án; trong đó có 31 dự án đầu tư nước ngoài và 101 dự án đầu tư trong nước. Đến nay đã có 116 dự án đi vào hoạt động với số vốn thực hiện đạt gần 11.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho 43.000 lao động. Tại các CCN đã thu hút 205 dự án với số vốn đăng ký trên 3.400 tỷ đồng, có 139 dự án đi vào sản xuất với số vốn thực hiện 2.140 tỷ đồng, tạo việc làm cho 15.300 lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 1996 - 2005 tăng trung bình 11,45%/năm, giai đoạn 2006 - 2010 tăng trung bình 25,4%/năm. Năm 2012, giá trị sản xuất CN - TTCN toàn tỉnh đạt 12.639 tỷ đồng; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ đạt 21.254 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất- nhập khẩu đạt gần 1,5 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 753 triệu USD...

 

Tuy nhiên, từ cuối năm 2011 đến nay tình hình sản xuất CN - TTCN cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, chi phí đầu vào tăng, lãi suất tín dụng ở mức cao, hậu quả bão số 8... Tốc độ tăng trưởng CN - TTCN năm 2012 lùi về mức 1 con số (8,24%). Ngoại trừ khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng hai con số (10,99%), các thành phần kinh tế còn lại đều không vượt quá 7,6%. Rất nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, một số sản xuất cầm chừng.

 

Trước những khó khăn trên, ngành Công Thương đã chủ động vào cuộc tham mưu cho UBND tỉnh triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo hai hướng: Hỗ trợ thúc đẩy sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh phát động lễ ra quân thực hiện phong trào thi đua ngay từ ngày đầu của năm; tổ chức hội nghị đối thoại lắng nghe kiến nghị của doanh nghiệp từ đó giao cho các ngành chuyên môn tham mưu giải pháp tháo gỡ khó khăn trong từng lĩnh vực, nhất là khó khăn về vay vốn tín dụng, thuê đất, thủ tục hành chính về đầu tư, gia hạn nộp thuế...

 

Để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, ngành đã chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường mới, bước đầu đã giúp một số doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây dựng, thủy sản tại thị trường Lào; đưa hàng thêu Minh Lãng đến thị trường Nhật; đề xuất giải pháp giúp tháo gỡ khó khăn về vốn cho Công ty cổ phần Nghêu Thái Bình để doanh nghiệp đứng ra thu mua ngao thương phẩm cho các chủ đầm tại Tiền Hải và Thái Thụy; tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư và thương mại với các doanh nghiệp Nigeria. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tham dự các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước; chủ trì tổ chức một số hội chợ triển lãm tại tỉnh, trong đó có hội chợ nông nghiệp quốc tế đồng bằng sông Hồng diễn ra vào tháng 11 hàng năm đã được Bộ Công Thương đưa vào danh mục các hoạt động xúc tiến thương mại cấp quốc gia.

 

Ngoài ra, thời gian qua ngành Công Thương đã chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh ký thỏa thuận hợp tác đầu tư với các tập đoàn, tổng công ty triển khai các dự án quy mô lớn tại tỉnh ta như: Trung tâm Điện lực Thái Bình, Nhà máy sản xuất Amon Nitrat, Dự án phát triển bể than đồng bằng sông Hồng, kéo khí từ thềm lục địa cung cấp cho KCN Tiền Hải... Mặc dù các tập đoàn cũng đang trong giai đoạn khó khăn về vốn, song các dự án nói trên vẫn đang tích cực triển khai. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản kết luận đồng ý thử nghiệm khai thác bể than đồng bằng sông Hồng tại Thái Bình, đây là căn cứ và cơ sở quan trọng để Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam đẩy nhanh các bước trong quy trình thai thác thử nghiệm bể than nâu.

 

Đặc biệt, Dự án Nhà máy sản xuất Amon Nitrat công suất 200.000 tấn/năm có tiến độ nhanh nhất từ trước tới nay. Hiện Dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, đang triển khai các gói thầu lắp đặt thiết bị cho nhà máy chính và xây dựng các công trình phụ trợ; phấn đấu cuối năm 2014 sẽ vận hành thử nghiệm xưởng sản xuất A xit Nitric và Amon Nitrat...

 

Với các giải pháp thiết thực và cụ thể nói trên, phát huy truyền thống 62 năm của ngành kết hợp với sự nỗ lực của các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, tin rằng ngành Công Thương sẽ sớm vượt qua khó khăn, lấy lại đà tăng trưởng cao và bền vững, tiếp tục đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bài, ảnh: Vũ Mạnh

 

 

 

  • Từ khóa