Thứ 7, 16/11/2024, 01:45[GMT+7]

Tiền Hải Nỗ lực tạo "lá chắn" ứng phó với bão lụt

Thứ 4, 15/05/2013 | 08:20:03
1,068 lượt xem
Để hạn chế thấp nhất hậu quả, hàng năm Tiền Hải đều chuẩn bị tốt công tác phòng chống bão lụt. Một trong những giải pháp được huyện coi trọng là xây dựng, tu bổ và bảo vệ hệ thống đê dài tới 54 km, coi đó là "lá chắn" để ứng phó với bão lụt.

Công ty CP xây dựng thủy lợi Thái Bình thi công cống Lò Vôi (Đông Minh) thuộc tuyến đê biển số 6

Nhiều năm qua, nhờ có biển mà kinh tế - xã hội của Tiền Hải có bước phát triển vượt bậc. Nhưng cũng chính lợi thế tiếp giáp với gần 23 km bờ biển mà mỗi khi đến mùa mưa bão, Tiền Hải là huyện luôn đứng trước nguy cơ thiên tai đe dọa đến đời sống, sản xuất của hơn 20 vạn dân. Để hạn chế thấp nhất hậu quả, hàng năm Tiền Hải đều chuẩn bị tốt công tác phòng chống bão lụt. Một trong những giải pháp được huyện coi trọng là xây dựng, tu bổ và bảo vệ hệ thống đê dài tới 54 km, coi đó là "lá chắn" để ứng phó với bão lụt.

Hơn nửa năm sau khi bão số 8 (năm 2012) đổ bộ trực diện vào Tiền Hải, người dân nơi đây vẫn chưa hết kinh hoàng bởi hậu quả bão gây ra và đến nay nhiều ngành nghề, nhiều đơn vị sản xuất - kinh doanh vẫn chưa phục hồi được. Ngay các công trình phòng, chống bão cũng chịu thiệt hại như đê xã Nam Phú bị sạt lở phía đồng, 80m đê bối Đông Long bị vỡ, tường chắn cống Tam Đồng (Vũ Lăng) bị đổ, 669 ha rừng bị thiệt hại... Bài học từ những cơn siêu bão, trong đó có bão số 8 khiến người dân và một bộ phận cán bộ, đảng viên ở cơ sở của huyện không thể tiếp tục chủ quan, lơ là.

Những ngày tháng 5, cùng với triển khai đề án phòng chống lụt bão năm 2013, trên toàn tuyến đê biển số 6 của Tiền Hải như một đại công trường. Đồng loạt khởi công từ ngày 17/1, 18 nhà thầu  thi công đang chạy đua với thời gian, phấn đấu hoàn thành 26 km đê vào ngày 30/5, trước thời hạn được giao 1 tháng. Tại khu vực giữa cống Định Cư và cống Cá, kỹ sư Dương Văn Quyền, Phó Trưởng phòng NN & PTNT huyện chỉ cho tôi vị trí mà cơn bão số 8 đã gây sạt lở sâu vào thân đê đến 2 m, khiến người dân nơi đây đã từng "hồn kinh, phách lạc". Giờ đây, người dân các xã khu Đông đã vui mừng, phấn khởi khi con đê vững chãi, sừng sững đang dần hoàn thành che chở, bao bọc cho họ.

Ông Bùi Phú Phát, đại diện Công ty CP Đầu tư XNK Thăng Long cho biết, 1 km tường chắn sóng và mái đê phía biển được hoàn thành từ ngày 30/4, hiện công ty đang tập trung thi công phần mái phía đồng và phần mặt đê. Theo ông Phạm Ngọc Tấn, cán bộ  Ban quản lý dự án (Sở NN&PTNT), toàn bộ các nhà thầu thi công đều bảo đảm tiến độ, chất lượng, ngoài Công ty Thăng Long, một số đơn vị làm tốt như Công ty Nhân Bình, Công ty Giao thông 2 Thanh Hóa... Nếu thời tiết thuận lợi, tuyến đê biển số 6 sẽ đưa vào sử dụng trước thời hạn. Cùng với đại diện Hạt quản lý đê điều, giám sát thi công, chúng tôi đã có buổi làm việc với Công ty Nhân Bình, đơn vị đang đảm nhiệm thi công đoạn từ K16,5 đến K18,0 của đê biển số 6 (xã Đông Trà). Đến ngày 7/5, Công ty Nhân Bình đã đạt được 72% giá trị gói thầu, trong đó nhiều hạng mục đã hoàn thành 100% như xây 790/790 m3 đá mái đê phía đồng, 320/320 m3 đá phía biển, 1.514,6/1.514,6 m tường chắn sóng.... Công ty đang thực hiện phần rải đá bây (đá lẫn 20% đất), theo kế hoạch hai ngày sau sẽ tiến hành đổ bê tông mặt đê.

Theo ông Bùi Hữu Nam, cán bộ quản lý đê điều huyện, để bảo đảm tiến độ thi công 1,5 km đê, Công ty Nhân Bình đã huy động 3 đội, mỗi đội gần 40 kỹ sư và công nhân, nếu làm phép tính số học thì cứ 12 m đê có 1 người đảm nhiệm. Đoạn cuối cùng thuộc đê biển số 6, từ K37+ 23,8 đến K37+ 938 (xã Đông Minh) do Công ty CP XD Thủy lợi Thái Bình đảm nhiệm.

Theo kỹ sư Long - đại diện đơn vị thi công tuy đoạn đê ngắn chỉ 680 m nhưng đơn vị phải lấp cống Muối và thi công cống Lò Vôi. Mặc dù do nguyên nhân khách quan, đơn vị khởi công muộn hơn so với các đơn vị khác nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của CBCNV Công ty, giá trị gói thầu phần đê đạt 70%, phần cống đạt 93% (đang hoàn thiện nốt hệ thống dàn van). Cũng theo ông Long, tuyến đê biển được tỉnh và huyện hết sức quan tâm, ngoài lãnh đạo tỉnh kiểm tra đột xuất, hàng tuần đều có cán bộ của huyện và các sở, ngành liên quan như Sở NN & PTNT, Sở Xây dựng... xuống kiểm tra, đôn đốc. Không có điều kiện đi tuyến đê biển số 5, nhưng theo kết quả giám sát của đoàn kiểm tra huyện Tiền Hải, hai đơn vị thi công tuyến đê biển này là Công ty CP tư vấn thiết kế xây dựng thủy lợi Ninh Bình và Công ty Xây dựng Thống Nhất đều bảo đảm tiến độ (tổng gần 10 km), trong đó có đoạn đạt 97 - 100% khối lượng theo tiến độ.

Cùng với đẩy nhanh tiến độ thi công hai tuyến đê biển, nhiều năm qua Tiền Hải đặc biệt quan tâm tới trồng mới, chăm sóc, bảo vệ rừng ngập mặn, coi đây là "tuyến đê mềm", là "lá chắn" bảo vệ an toàn cho tuyến đê biển, giải pháp chống xói lở đê biển. Tuy chưa được phủ kín, một số diện tích trồng mới tỷ lệ sống chưa cao nhưng dọc tuyến đê biển Tiền Hải đều có những rừng bần, sú, vẹt, phi lao...Tại xã Đông Long, Chủ nhiệm HTX Phạm Tiến Chút chỉ cho tôi xem con đê "mềm" có vành đai sú, bần tới 800 m và cho biết, tính năng bảo vệ  của rừng ngập mặn trước bão, lụt cao, chi phí trồng lại thấp, ngoài ra còn có thể khai thác thủy sản tự nhiên ở vùng rừng này.

Song song với xây dựng hai tuyến đê biển số 5 và số 6, Tiền Hải đang tích cực rà soát, kiểm tra 31 cống, 13 kè và 2 hệ thống kè mỏ, có 21 cửa. Từ đó có kế hoạch tu bổ, sửa chữa đối với các cống quá cũ, thân cống ngắn, các cửa cống đã xuống cấp; mái kè bị xô tụt, chân kè không ổn định, bãi đầu kè bị sạt lở. Cũng qua công tác kiểm tra, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm như đào xẻ đê, đào đất trong hành lang bảo vệ đê (Nam Hưng, Nam Cường, Đông Hải...); xe cơ giới làm hư hỏng mặt đê (Tây Lương, Đông Hải, Đông Quý, Đông Trà...). Nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất nếu bão, lũ, lụt xảy ra, Tiền Hải đã thành lập ban chỉ huy và xây dựng đề án PCLB. Cùng với công tác tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng đến nhân dân, huyện cũng gấp rút, khẩn trương chuẩn bị PCBL theo tinh thần "4 tại chỗ”. 

Bài, ảnh: Phan Anh

  • Từ khóa