Thứ 6, 15/11/2024, 22:40[GMT+7]

Hồng Phong Những khó khăn trong nghề trồng dâu, nuôi tằm

Thứ 5, 16/05/2013 | 07:54:32
8,340 lượt xem
Nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Hồng Phong (Vũ Thư) đã có từ lâu đời. Toàn xã hiện có 345 ha đất nông nghiệp, trong đó diện tích trồng dâu chiếm khoảng 2/3. Vì thế trồng dâu nuôi tằm đã trở thành nghề cho thu nhập chính của nhiều hộ dân nơi đây. Tuy nhiên, người trồng dâu nuôi tằm ở Hồng Phong đang phải đối mặt với tình trạng sâu bệnh hại ngày một gia tăng.

Thu hái lá dâu chăn nuôi tằm. Ảnh: Thành Tâm

Xã Hồng Phong có hơn 4.100 hộ dân, hầu như tất cả các hộ đều làm nghề trồng dâu, nuôi tằm. Đặc biệt, từ năm 1965 trở lại đây, nghề ngày càng phát triển rộng khắp. Giống tằm trước đây chủ yếu là giống ré vàng, năng suất thấp, đến năm 1986 xuất hiện giống lai cho năng suất vượt trội, khoảng 37 kg - 40 kg kén/sào (1 kg kén cần khoảng 12 kg – 13 kg lá dâu).

 

“Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”, sự so sánh này cho thấy khó khăn, vất vả của người nuôi tằm. Chị Nga, thôn Phan Xá cho biết: “Nuôi tằm vất vả lắm, cứ sau 3 tiếng phải cho tằm ăn một lần. Nhiều khi đang ngủ trưa hay đêm đến cũng phải dậy cho tằm ăn đủ bữa. Có như thế tằm mới chín sớm và cho năng suất cao”. Tằm cũng giống như nhiều loại sâu khác mẫn cảm với các loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, với ánh sáng mặt trời, gió. Vì thế, khi nuôi tằm mỗi nhà dân cần có  buồng riêng bảo đảm yêu cầu ấm về mùa đông và mát về mùa hè. Ngoài ra, sau mỗi lứa tằm các vật dụng như nong, nia, áo mưa đều phải khử trùng để bảo đảm an toàn cho nuôi lứa tằm tiếp theo.

 

Tuy nhiên, những năm gần đây việc trồng dâu nuôi tằm trở nên khó khăn hơn do sâu bệnh ngày một gia tăng. Trước đây, sâu chỉ khoảng 2% số lá nên người dân có thể bắt bằng phương pháp thủ công. Nhưng mấy năm trở lại đây sâu bệnh đã phát sinh gây hại gần hết số lá. Lượng sâu quá nhiều dân không thể dùng phương pháp thủ công mà phải dùng thuốc hóa học. Nhiều hộ gia đình do không sử dụng đúng loại thuốc, liều lượng, không đọc kỹ hạn sử dụng và hướng dẫn sử dụng trên bao bì đã gây ra nhiều tổn thất cho lứa tằm của gia đình. Ngoài ra, nhiều hộ phun thuốc trừ sâu trên ruộng nhà mình nhưng không thông báo cho hộ bên cạnh biết nên các hộ vẫn hái dâu về cho tằm ăn dẫn đến tình trạng sau khi ăn xong tằm chết hàng loạt.

 

Ông Nguyễn Xuân Nụ, thôn Phan Xá cho biết: Nhà ông có 7 nong tằm chỉ còn 2 ngày nữa là tằm chín nhưng vì cho tằm ăn phải dâu nhiễm thuốc hóa học nên số tằm đó nhà ông đã phải đổ đi. Hay như ông Lưu Văn Mân bán 1 bao dâu phải đền 1 triệu đồng vì dâu đã phun thuốc làm chết tằm của người mua. Trong hoàn cảnh đó, nhiều hộ gia đình nuôi được tằm lại không có dâu cho tằm ăn nhưng không dám mua sợ dâu có thuốc sâu. Tìm được chỗ tin cậy để mua thì giá lại quá đắt. Vì thế đã có nhiều hộ gia đình phá bỏ cây dâu để trồng những loại cây ngắn ngày khác vì trồng dâu nuôi tằm không đủ thu nhập đáp ứng cuộc sống.

 

Trước tình trạng trên, ông Lại Đức Tiệm - Chủ nhiệm HTX cho biết:  Khi phát động phong trào phun thuốc sâu cho dâu, xã đã mở lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân. HTX chủ trương tổ chức phun đồng loạt cùng thời điểm, dùng thuốc đặc hiệu, làm đúng theo chỉ dẫn của nhà sản xuất để hạn chế rủi ro. Tập trung khoanh vùng, nơi nào sâu phát triển ít chỉ đạo nhân dân bắt bằng tay, vùng nào sâu phát tán rộng sẽ tập trung phun thuốc trong 1 ngày để sau đó bà con có thể thu hái dâu mà không lo tằm ăn phải dâu có thuốc trừ sâu.

Diệu Huyền

 

  • Từ khóa