Thứ 6, 15/11/2024, 22:29[GMT+7]

UBND tỉnh nghe và cho ý kiến về một số đề án, kế hoạch

Thứ 4, 22/05/2013 | 19:31:33
1,657 lượt xem
Chiều ngày 21/5 và sáng ngày 22/5, UBND tỉnh đã tổ chức họp nghe và cho ý kiến về Đề án tăng cường đầu tư vốn tín dụng và phát triển dịch vụ ngân hàng góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Thái Bình giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020; Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013 - 2015; Đề án sáp nhập Trường Trung cấp Sư phạm Mầm non vào Trường Cao đẳng sư phạm Thái Bình.

Đồng chí Phạm Văn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Ảnh: Thành Tâm

Đồng chí Phạm Văn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Cùng dự có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

* Giai đoạn 2010 - 2012, ngành Ngân hàng đã giải ngân 27.966 tỷ đồng cho 439.200 doanh nghiệp và hộ nông dân vay vốn góp phần xây dựng NTM, chiếm 26% tổng doanh số giải ngân vốn tín dụng toàn ngành. Đối với dịch vụ ngân hàng, toàn ngành đã phát triển tại khu vực nông thôn 116 điểm thực hiện dịch vụ thanh toán chuyển tiền trong nước, 3 điểm triển khai dịch vụ thanh toán chuyển tiền quốc tế, 64 điểm chi trả kiều hối. Mục tiêu đến năm 2015, dư nợ cho vay xây dựng NTM đạt 12.500 tỷ đồng, phát triển thêm 40 điểm giao dịch ngân hàng tại các địa phương trong tỉnh.

Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu về dự thảo Đề án, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành Ngân hàng nghiên cứu, xem xét có nên để UBND tỉnh phê duyệt hay Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thái Bình ban hành Đề án, sau đó tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các ngành và các địa phương cùng phối hợp thực hiện. Đối với nội dung Đề án, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành Ngân hàng chỉnh sửa lại số liệu và một số nội dung cho phù hợp; Tiếp thu những kiến nghị của ngành liên quan đến các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định sẽ sớm có văn bản chỉ đạo, đôn đốc các ngành, các địa phương giải quyết ngay những vấn đề cấp bách, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư tín dụng giai đoạn 2013 - 2015 và những năm tiếp theo.

* Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có khoảng 3.400 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa (DN NVV) chiếm 97,9%. Hầu hết các DN NVV hoạt động ở lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và thương mại - dịch vụ; lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp chỉ có hơn 100 doanh nghiệp. Năm 2012, các DN NVV đã đóng góp cho GDP của tỉnh khoảng 12,83%; đóng góp cho ngân sách Nhà nước hơn 500 tỷ đồng và tạo việc làm cho khoảng 72.000 lao động. Giai đoạn 2010- 2012, các DN NVV đã đầu tư cho phát triển sản xuất 6.810 tỷ đồng, chiếm 13,5% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong kế hoạch đến năm 2015, toàn tỉnh phấn đấu thành lập mới khoảng 1.600 DN NVV, đưa tổng số DN NVV hết năm 2015 lên 4.400 doanh nghiệp. Năm 2015, khối DN NVV dự kiến đóng góp khoảng 13,5% vào GDP của tỉnh, 19% tổng thu ngân sách trên địa bàn và tạo thêm việc làm cho gần 21.000 lao động...

Sau khi nghe đại diện các sở, ngành đóng góp ý kiến, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư cần tham khảo thêm số liệu từ các ngành liên quan để đánh giá chính xác hơn về số lượng và hiệu quả hoạt động của các DN NVV. Đồng thời, nghiên cứu sâu hơn, đánh giá thực chất hơn về từng lĩnh vực hoạt động, hiện trạng sử dụng đất, xử lý môi trường, vận dụng cơ chế chính sách và công tác quản lý Nhà nước. Trong định hướng thời gian tới, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cần bổ sung thêm phần quan điểm phát triển; cụ thể hóa hơn nữa từng giải pháp, nhất là đề xuất về cơ chế chính sách và đổi mới công tác quản lý Nhà nước để DN NVV phát triển bền vững.     

* Những năm qua, với tư cách là một trường độc lập, Trường Trung cấp Sư phạm Mầm non đã khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do tỉnh và ngành giao. Hiện nay, Trường Trung cấp Sư phạm Mầm non và Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình đang cùng thực hiện nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng giáo viên mầm non. Nếu Trường Trung cấp Sư phạm Mầm non sáp nhập vào Trường Cao đẳng Sư phạm  Thái Bình thì những bất cập được khắc phục. Như vậy, chủ trương của UBND tỉnh chỉ đạo việc sáp nhập Trường Trung cấp Sư phạm Mầm non và Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình là phù hợp và cần thiết.

Kết luận cuộc họp, đồng chí Phạm Văn Sinh khẳng định việc sáp nhập Trường Trung cấp Sư phạm Mầm non vào Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình có đủ cơ sở pháp lý, đúng chủ trương và phù hợp với quy hoạch; thống nhất thời điểm sáp nhập từ ngày 1/7/2013. Đồng chí giao Sở Nội vụ tham mưu, xây dựng kế hoạch sáp nhập trình UBND tỉnh. Đồng thời xây dựng đề án về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất  của trường sau khi sáp nhập.

Minh Hương - Vũ Mạnh - Đặng Anh

  • Từ khóa