Thứ 6, 15/11/2024, 22:35[GMT+7]

Thái Thụy Không chủ quan lơ là với bão lũ

Thứ 3, 28/05/2013 | 09:24:25
984 lượt xem
Những năm qua, người dân Thái Thụy đã hứng chịu không ít những trận bão lớn đổ bộ vào, gần đây nhất là cơn bão số 8 năm 2012 gây thiệt hại khoảng 800 tỷ đồng. Không chủ quan, lơ là với bão lũ, năm nay Thái Thụy đã xây dựng phương án, chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện cần thiết cho công tác phòng chống lụt bão (PCLB) nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.

Thái Thụy khẩn trương thi công hoàn thành tu bổ, nâng cấp các công trình PCLB

Mùa mưa bão năm nay, Thái Thụy gặp nhiều khó khăn trong PCLB như: hệ thống các công trình đê, kè, cống, công trình chống úng đã xuống cấp, chưa bảo đảm yêu cầu. Tình trạng vi phạm Luật Đê điều diễn ra ở nhiều nơi. Trên địa bàn huyện có nhiều phương tiện khai thác hải sản, ngư dân sản xuất cũng như nhân dân sinh sống ở ngoài đê  song phương tiện, vật tư, lực lượng cứu hộ, cứu nạn, di dân và PCLB còn hạn chế. Một số công trình tu bổ, khắc phục sự cố do bão số 8 gây ra tiến độ thi công rất chậm, đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Đặc biệt, nhiều người dân vẫn còn chủ quan, lơ là với bão lũ. Một số địa phương xây dựng phương án PCLB mang tính hình thức, chưa sát với điều kiện thực tế. Ông Nguyễn Thành Đồng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Để khắc phục những hạn chế trên, Thái Thụy đã xây dựng kế hoạch, phương án PCLB và tìm kiếm cứu nạn cụ thể, phù hợp với điều kiện và những tình huống xảy ra trên địa bàn. Phương châm “bốn tại chỗ” vẫn được chọn là quan điểm xuyên suốt, coi công tác phòng là chính, chống phải tích cực ngay từ giờ đầu, ngày đầu.

Trước tiên, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng về sự nguy hiểm và những thiệt hại mà bão lũ có thể gây ra, các biện pháp phòng tránh; bổ túc kiến thức, phổ biến kinh nghiệm, tập huấn kỹ thuật chuyên môn cho các lực lượng tham gia trong công tác PCLB. Tổ chức các đoàn đi kiểm tra, rà soát, đánh giá lại chất lượng đê, kè, cống và các công trình phục vụ PCLB, xác định rõ các khu vực trọng điểm, xung yếu cần bảo vệ, các công trình có nguy cơ gây mất an toàn, bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra sự cố. Tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các công trình đê biển, đồng thời huy động nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, xây mới các công trình đưa vào sử dụng đáp ứng yêu cầu của công tác PCLB.

Đến thời điểm này, huyện đã chuẩn bị cơ bản các vật tư, phương tiện, thiết bị phục vụ cho công tác PCLB gồm: 2 bộ nhà bạt, 2 búa tạ, 364 áo phao cứu sinh và phao tròn, 500 m2 vải lọc, 56.600 bao các loại, 4.600 m2 bạt chống tràn, 2.500 ghim sắt, 5 tàu thuyền, 21 xe ô tô, tại các vị trí xung yếu dự trữ 4.358 m3 đá hộc. Các xã, thị trấn đã huy động 490 người tham gia lực lượng canh coi đê, 6.890 người ở lực lượng xung kích, 1.940 người đội cừ sách, 174 người tham gia đội giao thông, chuẩn bị 282.500 bao, 6.100 đèn pin và lấy 1.000 m3 đất dự trữ cho 6 cống xung yếu.

Một số xã, thị trấn ven biển đã được trang bị 90 máy trực canh sẵn sàng kết nối thông tin giữa đất liền và biển cả khi thời tiết bất thường xảy ra. Căn cứ vào đặc thù của từng địa phương, huyện cũng chỉ đạo xây dựng phương án PCLB, cứu hộ cứu nạn, di dân phù hợp. Riêng với các xã ven biển, phương án PCLB, cứu hộ cứu nạn và di dân được Thái Thụy đặc biệt coi trọng. Khu vực này hiện có 451 tàu khai thác hải sản với 1.612 lao động; 3.925 ha nuôi trồng thủy sản ngoài đê với 1.903 lao động; từ khu 1 đến khu 5 của Thị trấn Diêm Điền và xã Thái Thượng có 172 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu sinh sống ở ngoài đê có nguy cơ đối mặt với những nguy hiểm nếu bão to xảy ra.

Huyện đã xác định những vùng trọng điểm, vùng có nguy cơ ngập lụt khi bão vào, nước dâng, giao cho các đơn vị: công an, quân sự, đồn biên phòng chịu trách nhiệm trực tiếp làm công tác di dân ở từng địa phương. Tiểu ban cứu hộ, cứu nạn và di dân rà soát nắm chắc số dân phải di dời, xây dựng phương án di dân đến từng gia đình, từng người, thông báo thường xuyên trên hệ thống loa truyền thanh để mọi người chủ động sơ tán đến nơi an toàn trước khi bão vào, nước dâng.

Tuyên truyền, vận động những ngư dân trên tàu đánh bắt hải sản, người làm nghề vận tải biển mua sắm đủ các phương tiện theo dõi, nắm bắt tình hình khí tượng thủy văn, có đủ phao cứu  sinh khi ra khơi. Tập huấn cho ngư dân biết cách sử dụng phao cứu sinh, phòng hộ trên biển, chủ động tìm nơi trú ẩn khi gặp bão lốc và cách neo đậu tàu thuyền để tránh bị va đập, phát tín hiệu cấp cứu khi gặp nạn.

Cũng từ tháng 5/2013, lực lượng biên phòng phối hợp với các địa phương ven biển tăng cường kiểm tra các điều kiện kỹ thuật, trang thiết bị bảo đảm an toàn trên các tàu thuyền, không để tàu thuyền và ngư dân nào ra khơi khi không có đủ các phương tiện bảo đảm an toàn.

Như vậy, các phương án PCLB của Thái Thụy đang được gấp rút triển khai thực hiện và tính đến khả năng, tình huống xấu nhất. Tuy nhiên, bão lũ thường xảy ra bất ngờ, khó lường, nếu chỉ có sự nỗ lực của các cơ quan chuyên môn vẫn chưa đủ mà quan trọng nhất là sự vào cuộc của mọi người dân cùng chung tay đối phó với thiên tai, có như vậy mới bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng của cả cộng đồng.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa