Thứ 6, 15/11/2024, 22:44[GMT+7]

Nông dân Quỳnh Phụ phấn khởi được mùa lúa xuân

Thứ 5, 30/05/2013 | 08:20:33
1,480 lượt xem
Với phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”, những ngày này tranh thủ thời tiết nắng ráo các hộ nông dân trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ tích cực đổi công, giúp nhau gặt lúa nhanh gọn. Tất cả đang dồn sức chạy đua với thời gian khi mà khoảng cách giữa hai vụ: lúa xuân - lúa mùa cực sớm còn rất ngắn. Đi đến đâu chúng tôi cũng thấy niềm vui của bà con như được nhân lên, bởi mặc dù đầu vụ thời tiết không mấy thuận lợi, sâu bệnh nhiều nhưng năng suất lúa vẫn đạt khá cao. Thêm một vụ lúa được mùa là th

Nông dân xã An Ninh (Quỳnh Phụ) thu hoạch lúa xuân.

Chị Hoàng Thị Hoa, thôn Phố Lầy, xã An Ninh chia sẻ: Sau những tháng ngày vất vả, đổ biết bao công sức và tiền của, đất cũng không phụ công người, với thành quả là những cánh đồng lúa vàng óng, trĩu bông, nông dân chúng tôi vui lắm, lại thêm một vụ được mùa. Năm nay, gia đình tôi cấy 9 sào, trong đó giống BC15 chiếm trên 50% diện tích, còn lại là N87.

Tranh thủ trời còn mát, tôi cùng mấy người trong thôn đổi công cho nhau để thu hoạch nhanh 6 sào ruộng, sớm giải phóng quỹ đất, chuẩn bị cho vụ mùa trà cực sớm. Năng suất lúa dự kiến đạt 2,6 tạ/sào cũng ngang với vụ xuân năm ngoái. Cách đó không xa, gia đình bác Nguyễn Văn The cũng đang chạy đua cùng thời gian. Bởi, một ngày nắng bằng chín, mười ngày mưa. Với người nông dân, việc đồng áng được bắt đầu từ khi trời chưa tảng sáng. Mỗi người một việc, người cắt lúa, người vác lúa lên bờ. Mồ hôi nhễ nhại trên gương mặt khắc khổ, sạm đen nhưng bác vẫn nở nụ cười, bởi năm nay lúa xuân tiếp tục được mùa. Bác The cho biết, trước kia gia đình cấy các giống lúa cũ cho năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Vài năm trở lại đây, được xã, thôn tuyên truyền, cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật canh tác; gia đình mạnh dạn đưa các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn vào cấy ở 2 vụ lúa nhằm tạo quỹ đất trồng cây vụ đông ưa ấm.

Vụ xuân này, gia đình bác cấy hơn một mẫu ruộng hoàn toàn là giống BC 15 và TBR 45. Các giống lúa này thời gian sinh trưởng trung bình mà năng suất lại cao hơn hẳn các giống lúa cũ. Năng suất dự kiến đạt 2,5 tạ/sào. Sau khi  thu hoạch lúa xuân, gia đình tôi sẽ tiến hành làm đất ngay, tạo điều kiện cho gốc rạ chóng hoai mục và hạn chế nguồn sâu bệnh di chuyển từ lúa xuân sang lúa mùa qua lúa chét, sớm tạo quỹ đất trồng các loại cây vụ đông ưa ấm.

Chẳng thể tả hết sự phấn khởi của bà con nông dân, dù cái nắng hè như thiêu như đốt với nền nhiệt 38 - 400C mà gương mặt họ vẫn ánh lên nụ cười mãn nguyện. Không khí thu hoạch sôi nổi, khẩn trương lan tỏa khắp mọi nơi, nơi hối hả gặt chạy nắng, hối hả gánh lúa lên bờ, nơi lại ầm ầm tiếng máy gặt, máy tuốt cuồn cuộn phun rơm. Mùi thơm ngai ngái của những chồng rơm mới phảng phất trong gió.

Rời An Ninh, chúng tôi đến xã An Ấp, một trong những địa phương có truyền thống thâm canh của huyện Quỳnh Phụ. Khoảng một tuần nay, nông dân An Ấp bắt đầu thu hoạch lúa xuân, đồng thời gieo mạ chuẩn bị cho vụ mùa trà cực sớm. Cầm nắm lúa nặng trĩu trên tay, chị Đinh Thị Hạnh, thôn Đông Thành kể cho chúng tôi nghe bao nỗi nhọc nhằn của cây lúa trên đất này. Vất vả là vậy nhưng bao đời nay, người nông dân quê chị vẫn gắn bó với đồng ruộng và làm giàu từ cây lúa, cây màu vụ đông. Sau khi gặt xong, gia đình chị cũng như nhiều gia đình khác không cấy mà để lúa chét, thu hoạch sớm tạo quỹ thời gian trồng cây vụ đông ưa ấm. Chủ nhiệm Hợp tác xã An Ấp - Nguyễn Văn Phông cho biết: Vụ mùa năm nay, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo các thôn tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân áp dụng việc để lúa chét với diện tích 100 ha, chiếm trên 30% tổng diện tích đất lúa, nhằm rút ngắn thời gian chiếm đất của vụ mùa, giảm chi phí, tạo quỹ đất trồng cây vụ đông ưa ấm.

Theo đó, ngay sau khi thu hoạch lúa xuân khoảng 7 ngày, bà con nông dân tập trung bón kali giúp lúa phát triển, đồng thời phun thuốc phòng trừ sâu bệnh như: khô vằn, rầy nâu, đục thân. Vụ mùa năm 2012, xã An Ấp đã để lúa chét với diện tích trên 60 ha, chỉ sau 45 ngày lúa chét đã cho thu hoạch. Năng suất đạt từ 90 - 120 kg/sào. Nếu so với năng suất lúa cấy thì lợi nhuận để lúa chét cao hơn. Bởi chi phí một sào lúa chét chỉ cần khoảng 100 nghìn đồng tiền kali, thuốc sâu, hơn nữa lại không phải chi phí công làm mạ, cấy lúa, cày bừa, đặc biệt sớm tạo quỹ đất để trồng cây vụ đông ưa ấm, với cây chủ lực là ớt. Cùng với đó, những ngày này bà con nông dân trong xã bắt đầu gieo mạ mùa trà cực sớm bằng phương thức gieo mạ trên nền đất cứng ngay tại sân, vườn nhà hoặc tận dụng quỹ đất sau thu hoạch cây màu xuân, với diện tích trên 100 ha. Dự kiến sẽ cấy vào trung tuần tháng 6.

Vụ mùa năm nay, huyện Quỳnh Phụ có kế hoạch gieo cấy 7.000 ha trà mùa cực sớm. Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện - Nguyễn Văn Chu thì từ nhiều năm nay diện tích trà mùa sớm và cực sớm ngày càng được mở rộng, năm sau cao hơn năm trước. Bởi, năng suất vẫn khá cao, tương đương với trà đại trà và điều người nông dân quan tâm chính là tận dụng thời gian thu hoạch “cực sớm” lúa mùa để làm đất gieo trồng các cây vụ đông ưa ấm, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.                    

Bài, ảnh: Minh Nguyệt

  • Từ khóa