Thứ 6, 15/11/2024, 22:57[GMT+7]

Thái Thụy Tàu thuyền chưa có khu neo đậu tránh trú bão an toàn

Thứ 5, 06/06/2013 | 09:11:32
1,519 lượt xem
Thời điểm này, huyện Thái Thụy tích cực triển khai công tác phòng chống lụt bão (PCLB), trong đó chú trọng nhiệm vụ tuyên truyền, vận động ngư dân vào nơi trú ẩn an toàn khi bão lũ xảy ra. Tuy nhiên, các khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu thuyền của huyện hiện đã xuống cấp không bảo đảm an toàn, 2 khu neo đậu mới đang đầu tư xây dựng nhưng chưa hoàn thành.

Ngư dân Thái Thụy mong muốn có nơi neo đậu tàu thuyền an toàn sau mỗi chuyến ra khơi.

Sau mấy ngày đi biển, ngư dân Tạ Đình Hùng (khu 9, Thị trấn Diêm Điền) đưa tàu về bến cá Vĩnh Trà neo đậu. Tàu công suất 360CV của anh được trang bị đầy đủ các thiết bị bảo đảm an toàn để ra khơi mùa biển động như: phao cứu sinh, bộ đàm, thiết bị định vị… Anh cho biết: “Tàu cá hoạt động trên biển quanh năm phải đối mặt với rất nhiều  khó khăn, nguy hiểm, đặc biệt vào mùa mưa bão.

Vì vậy, khi có tin báo bão, chúng tôi chấp hành nghiêm sự chỉ đạo của các cấp, các ngành đưa tàu vào bờ trú ẩn. Nhưng khó khăn nhất hiện nay là luồng lạch khu neo đậu Tân Sơn và Vĩnh Trà quá nông. Nhiều lần gặp bão, đưa tàu vào bến nhưng đúng lúc triều xuống đành phải đợi ở ngoài, đến khi thủy triều lên thì bão to, gió lớn di chuyển rất nguy hiểm. Ngư dân mong muốn Nhà nước sớm đầu tư kinh phí nạo vét khơi thông luồng lạch, hoàn thành xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho ngư dân nếu thiên tai xảy ra”. Được biết, Thị trấn Diêm Điền có số lượng tàu thuyền khai thác hải sản lớn với 105 chiếc, hàng trăm ngư dân mưu sinh trên biển.

Tuy nhiên nhiều năm nay, Thị trấn vẫn chưa có khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền bảo đảm đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Bến cá Vĩnh Trà kết hợp làm nơi neo đậu tàu thuyền nhưng chật hẹp, luồng lạch nông chưa bảo đảm an toàn. Khi có tin bão đổ bộ vào khu vực, lượng tàu thuyền dồn về nhiều, trong khi nơi neo đậu chật chội rất khó khăn cho việc sắp xếp vị trí neo tàu. Ông Nguyễn Đức Namon>, Chủ tịch UBND Thị trấn cho biết: “Khi bến cá Vĩnh Trà không còn chỗ neo đậu, ngư dân phải vào sâu cửa sông Sinh (khu vực gần cống Diêm Điền) tránh trú bão.

Tuy nhiên, 2 bên sông là đê PAM đã được cứng hóa, nếu đóng cọc neo tàu sẽ vi phạm Luật Đê điều. Chủ tàu đành chằng dây qua đê neo đậu nên không bảo đảm an toàn. Theo quy định, khi bão đổ bộ, nước dâng, tất cả ngư dân phải vào nơi trú ẩn nhưng do tàu thuyền neo đậu ở nơi chưa an toàn nên một số chủ tàu vẫn cố tình ở lại tàu để bảo vệ tài sản của mình, rất nguy hiểm. Địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động và ép buộc họ dời tàu”.

Ông Đào Đức Viện, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: Thái Thụy hiện có 458 phương tiện khai thác hải sản, chưa kể một lượng lớn tàu vận tải biển. Trước đây, huyện có 5 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền gồm: cảng cá Tân Sơn (Thụy Hải), bến cá Vĩnh Trà (Thị trấn Diêm Điền), bến cá Đông Hải (Thái Thượng), bến Gảnh (Thụy Trường), bến cá xã Thái Đô. Trong đó, chỉ có khu neo đậu cảng cá Tân Sơn được Nhà nước đầu tư xây dựng. Các khu neo đậu còn lại đều hình thành tự phát, được xây dựng từ những năm 1988 - 1990, nay xuống cấp nghiêm trọng, cột giữ tàu, hệ thống tránh va đập gần như đã hư hỏng không bảo đảm an toàn, tuy nhiên do thiếu kinh phí nên việc duy tu, bảo dưỡng không được làm thường xuyên. Độ sâu luồng tại các khu neo đậu bị bồi lắng song chưa được nạo vét nên các tàu công suất lớn, tàu chở hàng không cập bến được, nhất là khi gặp thiên tai.

Ngoài ra, khu neo đậu ở xã Thái Đô và khu neo đậu bến cá Đông Hải hiện không còn sử dụng được do việc xây dựng cảng của Nhà máy Nhiệt điện 2 và cầu Diêm Điền. Thiếu chỗ khiến ngư dân phải tự tìm chỗ neo buộc tàu thuyền tất yếu sẽ hình thành nên các bến đỗ tự phát, không theo quy hoạch. Khi bão to, lũ lớn xảy ra sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các địa phương trong việc thống kê, kiểm soát số lượng tàu thuyền và ngư dân đã vào bờ. Minh chứng rõ nhất là trong cơn bão số 8 năm ngoái, 2 tàu vận tải lớn của Thái Thụy do neo buộc không an toàn đã bị đứt dây neo, bị gió đẩy trôi và đâm sập cầu Diêm Điền, ngoài ra nhiều tàu thuyền khác bị đánh dạt lên đê và đầm nuôi trồng thủy sản không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà khắc phục hậu quả cũng gặp nhiều khó khăn .

Cũng theo lời ông Viện: Trong lúc các khu neo đậu tàu thuyền trên địa bàn huyện đang đầu tư xây dựng chưa hoàn thành, Thái Thụy gấp rút triển khai biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền nếu bão to, lũ lớn xảy ra. Trước hết, huyện yêu cầu tất cả các phương tiện tàu thuyền  khi ra khơi phải có đủ trang thiết bị bảo đảm an toàn theo quy định, đăng ký quy ước thông tin liên lạc với các cơ quan chức năng. Trước khi có áp thấp nhiệt đới, bão lụt ảnh hưởng vào địa bàn, lực lượng chức năng, địa phương ven biển kiểm tra, nắm chắc vị trí, số lượng người và phương tiện đang hoạt động trên biển thông báo cho ngư dân khẩn trương vào nơi trú ẩn và hướng dẫn, sắp xếp  neo đậu tàu thuyền an toàn. Huyện cũng quy định rõ: khi có bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào, các tàu hoạt động trên biển đã nhận được liên lạc của cơ quan chức năng yêu cầu vào nơi tránh trú nhưng cố tình không vào, khi xảy ra sự cố sẽ không nhận được cơ chế hỗ trợ.

Ngoài những biện pháp trên, Thái Thụy đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ máy ICOM tầm xa cho tàu khai thác có công suất từ 40CV trở lên bảo đảm thông tin liên lạc trên biển với đất liền được thông suốt; đề nghị tỉnh đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, khẩn trương hoàn thành xây dựng 2 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền ở Thái Thượng và Mỹ Lộc góp phần bảo đảm an toàn tài sản và tính mạng cho ngư dân trước thiên tai.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa