Thứ 6, 15/11/2024, 22:57[GMT+7]

Thành phố Thái Bình Tích cực, khẩn trương thu hoạch lúa xuân

Thứ 3, 11/06/2013 | 14:31:45
1,668 lượt xem
Trong cái nắng nóng như thiêu, như đốt của những ngày đầu tháng 6, nông dân Thành phố Thái Bình vẫn tích cực, khẩn trương ra đồng thu hoạch lúa xuân. Theo đánh giá ban đầu, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng đây sẽ là vụ đạt thắng lợi lớn cả về năng suất và sản lượng.

Máy gặt đập liên hợp được nông dân Vũ Lạc (Thành phố Thái Bình) sử dụng hết công suất nhằm đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa xuân.

Ngay từ sáng sớm, nhiều hộ dân ở xã Vũ Lạc đã tranh thủ ra đồng thu hoạch lúa chín của gia đình mình. Những bàn tay thoăn thoắt gặt lúa, tiếng máy gặt đập liên hợp vang khắp cả cánh đồng như chạy đua cùng thời gian để thu hoạch nhanh gọn lúa xuân, kịp thời triển khai sản xuất vụ mùa. Trong lúc đứng chờ thu thóc từ máy gặt đập liên hợp, chị Nguyễn Thị Thắm (thôn Thượng Cầm) tranh thủ trò chuyện cùng chúng tôi: Vụ xuân năm 2013, gia đình chị gieo cấy 7 sào giống lúa CNR36.

Ngay từ đầu vụ, do thực hiện đúng lịch gieo cấy và kỹ thuật chăm sóc nên cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, cây tuy thấp nhưng hạt lại chắc và mẩy hơn hẳn so với mọi năm. Đến nay, toàn bộ diện tích này đã cho thu hoạch với năng suất ước đạt 2,5 tạ/sào. Do gia đình ít người, diện tích lớn nên chị đã thuê máy gặt đập liên hợp, vừa rẻ hơn gần một nửa so với thuê gặt tay (giá thuê gặt tay lên đến 250.000 đồng/sào), vừa nhanh, lại không mất công tuốt. Khác với gia đình chị Thắm, gia đình anh Vũ Tiến Thịnh (thôn Gia Lễ, xã Đông Mỹ) lại cùng người dân trong thôn đổi công cho nhau để thu hoạch nhanh gọn lúa xuân.

Vụ xuân năm 2013, được sự giới thiệu và hướng dẫn tận tình của cán bộ HTX dịch vụ nông nghiệp, gia đình anh đã cấy thử nghiệm 4 sào lúa Nếp 97. Với giống lúa này, gia đình anh Thịnh được hỗ trợ 20% giống và thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột cho cả vụ. Mặc dù đang mải chuyển những bó lúa lên xe, mồ hôi ướt đẫm vai áo nhưng anh Thịnh vẫn vui vẻ cho biết: “Tuy có vất vả chút ít do đầu vụ thời tiết ấm, ẩm kéo dài đã làm phát sinh nhiều đối tượng sâu bệnh gây hại nhưng do kịp thời phòng trừ hiệu quả nên lúa xuân của gia đình phát triển tốt, năng suất ước đạt 2,8-3 tạ/sào”. So với những giống lúa anh Thịnh đã cấy ở các vụ trước, vụ này lúa Nếp 97 năng suất cao hơn hẳn, đặc biệt lúc thu hoạch không bị rụng.

Không chỉ có gia đình chị Thắm, anh Thịnh mà nhiều hộ gia đình khác ở Thành phố Thái Bình cùng chung niềm vui được mùa. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Ngọc Lanh, Phó Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp cho biết: Vụ xuân năm 2013, Vũ Lạc gieo cấy 450 ha, trong đó lúa lai chiếm 37%, lúa thuần chiếm 30% và lúa chất lượng cao chiếm 33%. Nhờ làm tốt khâu chỉ đạo, dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh để phòng trừ kịp thời, đồng thời bảo đảm đủ nguồn giống, vật tư và phân bón nên năng suất lúa xuân năm nay cao hơn so với mọi năm, ước đạt trên 70 tạ/ha; riêng các giống lúa BC15, TBR-1 và Nếp 97 năng suất ước đạt 73 tạ/ha. Những ngày này, HTX tăng cường vận động nông dân tranh thủ thời tiết thuận lợi nhanh chóng thu hoạch lúa xuân với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” nhằm tạo quỹ đất gieo cấy lúa mùa trà sớm, trồng cây vụ đông ưa ấm; đồng thời huy động 9 máy gặt đập liên hợp hoạt động hết công suất vừa giúp nông dân thu hoạch nhanh gọn, vừa khắc phục tình trạng thiếu lao động lúc thời vụ. Đến nay, toàn xã đã thu hoạch gần 50% diện tích, phấn đấu hoàn thành trước ngày 15/6.

Cùng với xã Vũ Lạc và Đông Mỹ, nông dân các địa phương toàn Thành phố cũng đang tranh thủ thời tiết nắng ráo khẩn trương thu hoạch lúa xuân. Đến ngày 5/6, toàn Thành phố đã thu hoạch được gần 20% diện tích lúa xuân, tập trung ở các xã Vũ Phúc, Vũ Lạc, Đông Thọ, Đông Mỹ... với năng suất trung bình ước đạt 69 tạ/ha. Bên cạnh việc chỉ đạo nông dân các địa phương nhanh chóng thu hoạch lúa xuân, Thành phố còn chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết cho sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2013. Với mục tiêu gieo cấy 40% diện tích lúa mùa trà sớm tạo quỹ đất trồng cây vụ đông ưa ấm, sau khi thu hoạch xong lúa xuân, Thành phố tiếp tục chỉ đạo nông dân các địa phương khẩn trương làm đất với phương châm gặt đến đâu làm đất ngay đến đó, không để mất lấm, đồng thời sử dụng các chất xúc tác phân hủy nhanh như Azotobacterin, Emic YTB để hạn chế ngộ độc hữu cơ gây nghẹn rễ ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của lúa mùa.

Bài, ảnh: Minh Hương 

  • Từ khóa