Thứ 6, 15/11/2024, 22:34[GMT+7]

Ðôi điều rút ra qua sản xuất vụ xuân năm 2013 ở Vũ Thư

Thứ 4, 12/06/2013 | 10:26:34
1,135 lượt xem
Vụ xuân năm 2013 ở Vũ Thư diễn ra trong điều kiện thời tiết bất thuận, nền nhiệt độ cao, lượng mưa bình quân thấp, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng. Song được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp, ngành, đặc biệt là sự nỗ lực của bà con nông dân vượt qua khó khăn thử thách nên kết quả vụ xuân giành thắng lợi cả về diện tích, năng suất và sản lượng.

Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở Nguyên Xá (Vũ Thư).

Bước vào vụ xuân 2013, với quan điểm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện là sản xuất vụ xuân phải gắn liền với vụ mùa, vụ đông, thực hiện gieo cấy 100% giống ngắn ngày, chủ yếu là giống lúa lai, lúa thuần, lúa chất lượng cao, nhân rộng mô hình quy vùng sản xuất hàng hóa tập trung, cấy một giống lúa cho năng suất chất lượng cao; mạnh dạn chuyển đổi diện tích cấy lúa trên chân vàn cao sang phát triển cây màu có giá trị kinh tế. Toàn huyện đã gieo cấy 8.300 ha lúa xuân; cơ cấu giống lúa năng suất cao 50-55% diện tích, giống lúa chất lượng cao từ 45%-50% diện tích; gieo thẳng đạt trên 60% diện tích.

Phòng NN&PTNT huyện khuyến cáo nông dân mua giống tại các đại lý, cửa hàng có đủ tư cách pháp nhân, không sử dụng những giống lúa dài ngày, lúa đã qua nhiều vụ sản xuất do gia đình tự chọn lọc, giống lúa bán trôi nổi trên thị trường không rõ nơi sản xuất. Nguồn phân bón cũng được chủ động tốt. Bà con nông dân đã mua phân bón ở các cửa hàng có uy tín hoặc do HTX cung ứng bảo đảm chất lượng, với phương châm bón đủ, bón cân đối, bón đúng kỹ thuật. Chú trọng dùng phân bón lót chuyên dùng, vôi bột cho tất cả các chân ruộng, bón trước khi bừa ngả. Ngay sau khi thu hoạch lúa mùa năm 2012, Vũ Thư đã triển khai chiến dịch làm thủy lợi đông xuân, 100% số xã trong huyện đồng loạt ra quân làm thủy lợi nội đồng, nạo vét các sông trục, sông dẫn, hệ thống kênh mương nội đồng, bờ vùng, bờ thửa, khơi thông dòng chảy. Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện điều tiết nguồn nước hợp lý, bố trí đúng lịch đổ nước, ưu tiên cho vùng xa nguồn nước và phải căn cứ vào yêu cầu thời vụ.

Công tác bảo vệ thực vật cũng được triển khai thực hiện ngay từ khâu làm đất, ruộng được thu dọn vệ sinh sạch sẽ, vạc bờ, rắc vôi bột, diệt tận gốc nguồn bệnh của  vụ trước. Các HTX cũng đã sử dụng thuốc sinh học Rat k2, các biện pháp thủ công để diệt chuột, nhất là trong mùa đổ ải. Lực lượng bảo vệ thực vật ở các xã được tập huấn kiến thức về phòng trừ sâu bệnh, công tác dự tính, dự báo sâu bệnh trên đồng ruộng bảo đảm chính xác, kịp thời. Hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng lúc, đúng cách, đúng đối tượng sâu bệnh, tránh sử dụng thuốc tràn lan gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.

Đánh giá về những yếu tố tích cực trong sản xuất vụ xuân, cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho rằng: Việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa và thời vụ đã tạo tiền đề cho thắng lợi vụ lúa xuân. Các chính sách hỗ trợ nông dân của tỉnh, huyện đã tác động tích cực, cổ vũ bà con nông dân. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền ở các xã sát sao, chặt chẽ. Nhiều xã đã áp dụng việc gieo thẳng, quy vùng sản xuất lúa hàng hóa; một số xã gieo thẳng lên đến 90% diện tích. Thực tế cho thấy, ưu điểm của gieo thẳng so với phương pháp cấy truyền thống là giảm chi phí sản xuất do giảm lượng giống gieo, không mất công làm mạ, cấy, rút ngắn thời gian sinh trưởng, năng suất tăng 8 - 10% so với lúa cấy. Đồng thời giải quyết được việc thiếu hụt lao động thời vụ, tạo sự liên kết giữa các hộ để đưa máy gặt đập liên hợp vào sản xuất thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp.

Từ những kinh nghiệm chỉ đạo và thắng lợi vụ xuân ở Vũ Thư góp phần tạo động lực cho bà con nông dân ở các địa phương khẩn trương thu hoạch lúa xuân, triển khai làm đất gieo cấy vụ mùa theo đúng kế hoạch đề ra.

Bài, ảnh: Mạnh Thắng

  • Từ khóa