Thứ 6, 15/11/2024, 22:36[GMT+7]

Sản xuất vụ mùa năm 2013 Giải pháp để đạt năng suất 62 tạ/ha trở lên

Thứ 5, 13/06/2013 | 09:44:42
873 lượt xem
Vụ mùa năm 2013, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 81.500 ha, năng suất bình quân 62 tạ/ha trở lên, tổng sản lượng 505.000 tấn trở lên.

Nông dân xã Mĩnh Lãng (Vũ Thư) gieo mạ trà sớm.

Tuy nhiên, theo kế hoạch của các huyện, thành phố xây dựng thì diện tích và năng suất, sản lượng cộng lại đều thấp hơn so với mục tiêu của tỉnh; trong đó diện tích bằng 99,19%, năng suất 99,36%, sản lượng bằng 98,61%. Trước thực trạng này, tại cuộc họp triển khai Đề án sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2013, đồng chí Phạm Văn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các huyện, thành phố xây dựng năng suất thấp hơn 62 tạ/ha phải tìm giải pháp để bảo đảm lúa mùa đạt năng suất như mục tiêu của tỉnh đã đề ra.

Những bài học từ thực tế

Sản xuất vụ mùa rất dễ gặp rủi ro về thiên tai, sâu bệnh, như ngập úng ở đầu vụ, lũ, bão bất thường trong giai đoạn lúa ôm đòng, trỗ, chín. Đây chính là những thách thức lớn cho các địa phương, do đó cần phải có những giải pháp chỉ đạo, điều hành hiệu quả để khắc phục. Thực tế cho thấy, vụ mùa năm 2012 một số địa phương gieo cấy muộn nên khi gặp mưa lớn kéo dài đã làm gần 6.000 ha lúa mới cấy bị ngập úng phải cấy lại; gần 5.000 ha lúa trỗ đầu tháng 9 gặp mưa lớn dẫn đến đen hạt, bạc lá, tỷ lệ lép hạt cao.

Đặc biệt, một số xã khu Nam Tiền Hải cấy muộn ở cuối tháng 7, đầu tháng 8 với diện tích 3.000 ha, khi lúa chín nông dân không thu hoạch ngay, do đó cơn bão số 8 đã làm cho toàn bộ diện tích này gần như mất trắng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến bình quân năng suất lúa mùa toàn tỉnh năm 2012 giảm 0,63 tạ/ha so với vụ mùa năm 2011. Bên cạnh đó, một số địa phương thực hiện điều tiết nước chưa nghiêm, có nơi tự ý chặn dòng chảy, giữ nước đã gây ngập úng khi gặp mưa lớn.

Đồng thời, nhiều diện tích lúa xuân khi thu hoạch không thực hiện giữ lấm mặt ruộng nên khi làm đất vụ mùa rất khó khăn, rơm rạ không kịp phân hủy ảnh hưởng đến sinh trưởng của lúa sau cấy. Như vậy, việc giảm năng suất lúa mùa một phần nguyên nhân do cán bộ cơ sở và nông dân thực hiện không nghiêm lịch thời vụ, cơ cấu giống, giải phóng dòng chảy, xử lý không triệt để các trường hợp vi phạm lấn chiếm lòng sông... Từ thực tế này, các địa phương cần chủ động khắc phục những tồn tại, đề ra những giải pháp hiệu quả để nâng cao năng suất, đạt bằng hoặc vượt so với mục tiêu của tỉnh đã đề ra.

Thách thức và giải pháp

Vụ mùa 2013 được dự báo lượng mưa toàn vụ cao hơn so với trung bình nhiều năm, tập trung vào các tháng đầu mùa mưa; khả năng tỉnh ta chịu ảnh hưởng trực tiếp từ 1-2 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Các loại giống đã gieo cấy trong những năm qua hầu hết mẫn cảm với sâu bệnh, nhất là nhóm giống lúa chất lượng mẫn cảm với rầy các loại và bệnh bạc lá.

Đồng thời, nền nhiệt ở cuối vụ dự báo sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, đây là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh gây hại nặng trên lúa mùa. Nhiều công trình thủy nông xuống cấp, chưa đáp ứng được việc chủ động tưới, tiêu và đưa cơ giới hóa vào sản xuất… Từ những bài học ở vụ mùa năm trước và những khó khăn ở vụ mùa năm nay, các địa phương cần chỉ đạo các hộ nông dân khi thu hoạch lúa xuân phải nhanh, gọn, giữ lấm mặt ruộng; vệ sinh đồng ruộng, xử lý triệt để nguồn sâu bệnh gây hại còn tồn dư.

Thu hoạch lúa xuân đến đâu làm đất ngay đến đó; gieo cấy lúa mùa đúng lịch thời vụ, bảo đảm toàn bộ diện tích được cấy xong trước ngày 25/7. Cần xác định rõ 2 trà lúa chính là trà sớm và trà trung để bố trí cơ cấu hợp lý với điều kiện thực tế của địa phương. Toàn tỉnh phấn đấu trà lúa mùa sớm đạt 40 - 45% diện tích (30.000-35.000 ha), gieo cấy bằng các giống ngắn ngày như N87, RVT, TBR1, VS1; trà trung gieo cấy từ 50-55% diện tích, gồm các giống năng suất cao, như BC15, ĐS1, N97, TBR1, Nam Dương 99…

Để bảo đảm diện tích trà lúa mùa sớm như mục tiêu đề ra, các địa phương cần chỉ đạo cấy xong trước ngày 5/7, thu hoạch trước 5/10 tạo quỹ đất trồng cây vụ đông ưa ấm. Các hộ nông dân cần tận dụng nền sân, vườn để gieo mạ từ ngày 15-20/6; cấy khi mạ được 7-10 ngày tuổi. Đối với trà trung, các giống BC15, ĐS1 và các giống có thời gian sinh trưởng tương đương gieo mạ từ 10-15/6; các giống Nam Dương 99, N.ưu gieo mạ từ 15-20/6; giống TBR1, Nếp 97 gieo từ 5-10/7. Toàn bộ diện tích lúa trà này phải cấy xong trước ngày 25/7, để lúa trỗ trước ngày 20/9, nhằm tránh sâu đục thân và thời tiết không thuận ở cuối vụ…

Để không mất lấm trên ruộng, ngay khi thu hoạch xong lúa xuân các địa phương cần huy động máy cày làm đất nhanh, gọn; đồng thời kết hợp sử dụng các chế phẩm như Azotobacterin, AT, Bio-vac, ET vi sinh nhằm phân hủy nhanh rơm rạ. Sau cấy 3-5 ngày, tập trung bón thúc ngay và thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nếu thấy các khóm lúa bị bệnh gây hại phải nhổ bỏ, cấy dặm lại bằng các dảnh lúa khỏe. Trong giai đoạn lúa mới cấy cần tháo nước cạn lòng sông, tưới nông mặt ruộng, tưới đủ theo nhu cầu nước ở các giai đoạn sinh trưởng của lúa. Tập trung nhân lực khơi thông dòng chảy đồng loạt trên địa bàn toàn tỉnh, xử lý nghiêm các đối tượng lấn chiếm lòng sông, xả rác ra sông, mương máng…Sau khi cấy được 60 ngày, các địa phương phải thường xuyên bám sát đồng ruộng để phát hiện kịp thời rầy lưng trắng, rầy xám, khi rầy đến ngưỡng thì tổ chức phun bằng các loại thuốc đặc hiệu

Hiện nay, các địa phương đã cơ bản thu hoạch xong lúa xuân, do đó các HTXDVNN cần chỉ đạo, đôn đốc các hộ nông dân khẩn trương làm đất để gieo mạ và mở rộng tối đa diện tích gieo cấy trà lúa mùa sớm. Một số huyện có kế hoạch về năng suất thấp hơn so với bình quân chung toàn tỉnh cần đưa ra giải pháp hiệu quả để bảo đảm đạt được mục tiêu của tỉnh đã đề ra.

Bài, ảnh: Nguyên Bình

 

  • Từ khóa