Thứ 6, 15/11/2024, 20:01[GMT+7]

Quỳnh Phụ Khởi sắc nghề và làng nghề

Thứ 2, 17/06/2013 | 08:58:51
1,344 lượt xem
Những năm qua, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN – TTCN) được huyện Quỳnh Phụ xác định là nhiệm vụ chiến lược trong phát triển kinh tế. Trong đó, huyện đặc biệt chú trọng khôi phục, duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống, đồng thời quy hoạch xây dựng các cụm công nghiệp nhằm thúc đẩy CN - TTCN phát triển nhanh và bền vững.

Làng nghề chiếu cói An Vũ tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Quỳnh Phụ hiện có 3 xã nghề và 32 làng nghề, thu hút trên 22.000 lao động. Trước những thách thức của nền kinh tế thị trường thời hội nhập, nhiều làng nghề, ngành nghề truyền thống tan rã do không đủ sức cạnh tranh, không phù hợp với thực tế. Nhưng sản xuất ở các làng nghề huyện Quỳnh Phụ vẫn rất sôi động và ngày càng phát triển, không những giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người lao động mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo diện mạo mới cho các làng quê.

Nhiều làng nghề chiếm tỷ trọng về giá trị sản xuất từ 70 - 80%, tiêu biểu như: bánh đa làng Dụ Đại (xã Đông Hải); dệt chiếu xã An Dục, An Tràng, An Vũ; vàng mã xã An Vinh; chế biến lương thực xã An Mỹ; gỗ mỹ nghệ xã An Đồng... Đến các thôn, làng Đại Điền, Vọng Lỗ, Vũ Hạ (xã An Vũ), dễ dàng bắt gặp hình ảnh người làm chiếu cần mẫn bên khung dệt. Chủ tịch UBND xã An Vũ - Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Xã có gần 2.000 hộ thì 80% số hộ làm nghề dệt chiếu, thu hút 90% số lao động tại địa phương, đồng thời tạo việc làm cho hàng nghìn lao động vệ tinh tại các xã lân cận trong lúc nông nhàn khi nhận gia công ghim kết chiếu cho các cơ sở dệt chiếu máy, với thu nhập từ 1,5 - 3 triệu đồng/người/tháng.

Ngày nay, người làm chiếu cói truyền thống đã bớt vất vả hơn trước do có máy móc thay thế dần sức lao động. Công suất dệt bằng máy cao gấp 5 - 7 lần dệt thủ công, trong khi chất lượng và giá bán của 2 loại sản phẩm đều như nhau nên người lao động có thu nhập và cuộc sống ổn định hơn. Nhờ có nghề làm chiếu, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm dưới mức bình quân chung của huyện, đời sống người dân được nâng cao. 100% hộ gia đình có nhà kiên cố, không còn nhà tạm, nhà dột nát. Mỗi năm, doanh thu từ nghề dệt chiếu đạt trên 35 tỷ đồng, góp phần giúp An Vũ đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới.

Cũng như An Vũ, diện mạo vùng quê An Vinh cũng ngày càng khởi sắc. Trước năm 2000, An Vinh là xã thuần nông, thu nhập của người dân dựa chủ yếu vào cây lúa nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Khi Tỉnh ủy có Nghị quyết số 01 về phát triển nghề và làng nghề, An Vinh đã coi đây là giải pháp kinh tế trọng tâm góp phần xóa đói, giảm nghèo. Đảng ủy ra nghị quyết chuyên đề, giao UBND xã xây dựng đề án phát triển nghề và làng nghề với các mục tiêu, giải pháp cụ thể trên cơ sở phát huy tối đa thế mạnh sẵn có của địa phương, đồng thời huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân. Nhờ vậy đến nay CN - TTCN đã chiếm trên 50% giá trị sản xuất của toàn xã.

Một trong những nghề nổi bật, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân An Vinh là nghề gia công hàng mã xuất khẩu. Trên địa bàn xã hiện có 1 Công ty TNHH Hà Phương (thôn Hưng Đạo 2) và cơ sở của gia đình anh Bùi Trọng Diên (thôn Hưng Hòa) đứng ra làm trung gian chuyên cung cấp nguyên liệu và thu gom hàng xuất khẩu. Trong đó, doanh nghiệp Hà Phương tạo việc làm ổn định cho 300 lao động với thu nhập từ 1,5 - 3 triệu đồng/người/tháng và trên 1.000 lao động vệ tinh. Đây là nghề không đòi hỏi quá khắt khe về kỹ thuật từ người già đến trẻ em ai cũng có thể làm được. Mặc dù thu nhập không cao, chỉ từ 1 - 1,3 triệu đồng/người/tháng nhưng việc làm ổn định, có thể tranh thủ làm bất cứ thời gian nào trong ngày, kể cả buổi tối. Gần đây, An Vinh còn thu hút thêm nghề gỗ mỹ nghệ, làm hương xuất khẩu và may công nghiệp, tạo việc làm cho trên 300 lao động trong xã.

Các làng nghề ở Quỳnh Phụ góp phần hạn chế tình trạng rời quê đi làm ăn xa và tăng thu nhập cho người lao động, thúc đẩy kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, hiện phần lớn các làng nghề còn sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm chưa cao, mẫu mã chậm thay đổi nên sức cạnh tranh kém, chưa tạo dựng được thương hiệu. Hầu hết các làng nghề chưa có công trình xử lý nguồn nước thải trước khi xả ra môi trường, cũng như thu gom chất thải. Ngoài ra, năng lực về vốn còn hạn chế, thiếu thông tin thị trường xuất khẩu, phụ thuộc nhiều vào trung gian... Nếu những hạn chế nêu trên được khắc phục, chắc chắn các làng nghề, ngành nghề TTCN trên địa bàn huyện sẽ mang lại hiệu quả cao hơn nữa, giải quyết tốt nhu cầu việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Bài, ảnh: Minh Nguyệt

  • Từ khóa