Thứ 6, 15/11/2024, 08:47[GMT+7]

Một số lưu ý trong chăm sóc lúa mùa năm 2023

Thứ 6, 07/07/2023 | 09:24:00
13,253 lượt xem

Ảnh minh họa.

Điều tiết nước 

Cần nạo vét, khơi thông dòng chảy, để thuận tiện cho việc đưa nước vào ruộng và thoát nước khi có mưa lớn. Điều tiết nước theo công thức “nông - lộ - phơi” giúp cho cây khỏe, cứng cây, từ đó hạn chế sâu bệnh, tăng khả năng chống đổ, tăng năng suất.

* Đối với lúa cấy: Ngay sau cấy, duy trì mực nước nông đều trên ruộng từ 2 - 3cm giúp lúa nhanh bén rễ hồi xanh, tăng hiệu quả khi sử dụng thuốc trừ ốc và thuốc trừ cỏ cho lúa, đồng thời giúp hạn chế lúa cỏ phát triển. Đưa nước vào kết hợp dặm tỉa để bảo đảm mật độ. Giai đoạn đẻ nhánh, cần duy trì mực nước nông trên ruộng để cây lúa đẻ nhánh thuận lợi. Khi lúa đẻ nhánh tối đa, cần rút nước để phơi mặt ruộng, hạn chế đẻ nhánh vô hiệu, giúp rễ lúa ăn sâu, cứng cây, tăng khả năng chống đổ. Giai đoạn đứng cái làm đòng cần giữ mực nước nông cho đến khi lúa vào chắc thì tháo cạn nước trong ruộng. 

* Đối với lúa gieo thẳng: Sau khi gieo cần giữ ẩm mặt ruộng từ 5 - 7 ngày tạo điều kiện thuận lợi cho lúa nhanh mọc, bộ rễ khỏe và chống nóng cho lúa giai đoạn đầu. Gieo xong gặp thời tiết nắng nóng, mặt ruộng quá khô có thể đưa nước vào ruộng, để ngấm đủ ẩm rồi tháo đi ngay. Nếu gieo xong gặp mưa to ngập ruộng, cần tháo nước từ từ tránh trôi mộng. Đến khi lúa được 2,5 - 3 lá đưa nước vào ruộng từ 2 - 3cm kết hợp dặm tỉa và chăm sóc như lúa cấy. Chú ý đưa nước vào ruộng cần có biện pháp ngăn chặn ốc bươu vàng từ mương máng xâm nhập vào ruộng gây hại. 

Phân bón 

Phương châm bón phân cho lúa mùa: “Bón đủ lượng, cân đối NPK, hạn chế sử dụng phân đơn; thực hiện lót sâu, thúc sớm và bón chìm phân”. Bón phân theo nguyên tắc 4 đúng: đúng thời điểm, đúng cách, đúng liều lượng, đúng loại phân bón. Ưu tiên sử dụng các loại phân bón NPK chuyên dùng cho lúa, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, yêu cầu thâm canh và theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Bón thúc ngay khi cây bén rễ hồi xanh, bón càng sớm càng tốt, tốt nhất bón sau cấy từ 5 - 7 ngày (chậm nhất không quá 10 ngày). Với những chân ruộng cao hay mất nước có thể chia làm 2 lần thúc (thúc lần 1 ngay khi cây bén rễ hồi xanh bón 2/3 lượng phân thúc, thúc lần 2 sau lần 1 khoảng 10 ngày, bón hết lượng phân còn lại).

Chăm sóc và phòng, trừ sâu bệnh 

Đầu vụ, cần lưu ý phòng, trừ chuột gây hại và ốc bươu vàng phá hoại đặc biệt đối với lúa gieo thẳng. Chủ động gieo bổ sung thêm lượng mạ dự phòng để xử lý khi gặp điều kiện thời tiết bất thuận. Cần kiểm tra phát hiện sớm hiện tượng ngộ độc hữu cơ để có biện pháp xử lý kịp thời. Theo dõi diễn biến thời tiết, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để sớm phát hiện các đối tượng sâu bệnh hại kịp thời phòng, trừ theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.

Trung tâm khuyến nông Thái Bình