Thứ 6, 15/11/2024, 19:32[GMT+7]

Công tác thủy lợi phục vụ sản xuất vụ mùa năm 2013 Tưới nông mặt ruộng và chấp nhận hạn cục bộ

Thứ 3, 18/06/2013 | 09:10:02
1,533 lượt xem
Để bảo đảm cho lúa mùa sinh trưởng, phát triển an toàn trong suốt vụ, Sở Nông nghiệp & PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện điều tiết nước theo phương châm “Tháo cạn lòng sông, tưới nông mặt ruộng, chấp nhận hạn cục bộ”.

Công nhân Trạm bơm Thống Nhất (Tiền Hải) duy tu bảo dưỡng máy bơm chủ động phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, vẫn phải duy trì mực nước hệ thống tối thiểu để đủ bơm tát, nhằm chủ động phòng úng trong từng giai đoạn phát triển của lúa và diễn biến của thời tiết. Đồng thời, tăng cường lấy sa, tưới tự chảy cục bộ cho những vùng có điều kiện bằng các kênh nổi để giảm chi phí điện.

Theo kế hoạch, ngành Nông nghiệp có nhiệm vụ cấp đủ nước tưới và tiêu, bảo đảm an toàn cho gần 81.500 ha lúa mùa; trong đó, tưới bằng bơm điện 71.000 ha, tưới tự chảy 10.500 ha. Dự báo, lượng mưa toàn mùa sẽ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhất là các tháng đầu mùa, như tháng 6 lượng mưa tại Thành phố Thái Bình khoảng 188 mm, tháng 7 khoảng 225 mm. Đồng thời đỉnh lũ trên sông Hồng tại Trạm Thủy văn Tiến Đức là 6,07 m, trên mức báo động 1 và cao hơn đỉnh lũ năm 2012.

Ngoài ra, một số địa phương thực hiện dồn điền đổi thửa xong, nhưng chưa hoàn thiện bờ vùng, bờ thửa, hệ thống kênh tưới mặt ruộng chưa hoàn chỉnh gây khó khăn cho công tác điều tiết nước. Bên cạnh đó, còn một số công trình đầu mối đã xuống cấp nghiêm trọng, chưa được cải tạo nâng cấp; trong đó có 4/18 trạm bơm tiêu úng qua đê, như các trạm bơm Hậu Thượng, Đại Nẫm, Lịch Bài, Đông Tây Sơn và nhiều sông trục chưa được nạo vét. Đặc biệt, các vi phạm về công trình thủy lợi vẫn tiếp tục gia tăng, toàn tỉnh có 2.397 điểm vi phạm, tập trung chủ yếu tại các sông Kiến Giang, Búng, Cự Lâm, Cổ Rồng… thuộc hệ thống thủy lợi Nam; Tiên Hưng, Thống Nhất, Việt Yên… thuộc hệ thống thủy lợi Bắc.

Mặc dù công tác giải phóng dòng chảy đã được các đơn vị thủy nông khoán cho các cụm, trạm thực hiện trên các sông trục cấp I, cấp II; một số HTX DVNN khoán cho các tổ chức, cá nhân giải phóng dòng chảy trên các sông trục cấp III, song vẫn còn nhiều địa phương, cụm, trạm thủy nông quản lý không hiệu quả, nhiều tuyến sông thường xuyên xảy ra ách tắc. Cùng với đó là việc vi phạm xả nước thải chưa qua xử lý vào công trình thủy lợi làm ảnh hưởng đến chất lượng nước cấp cho người dân sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.

Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp & PTNT đã yêu cầu các đơn vị thủy nông và các địa phương tập trung tu bổ, sửa chữa các cống dưới đê, cống đập nội đồng, trạm bơm tưới, tiêu và khép kín bờ vùng chống úng. Đồng thời, kiểm tra và giải tỏa việc lấn chiếm công trình thủy lợi, các vật cản trên sông, bảo đảm thông thoáng cả sông trục chính và các sông trục cấp I, II và III, nhất là trên hệ thống kênh tiêu mặt ruộng. Phối hợp với Công ty Điện lực Thái Bình và điện lực các huyện, thành phố kiểm tra lại toàn bộ hệ thống đường dây, thiết bị, bảo đảm cấp điện liên tục, an toàn cho các trạm bơm tiêu khi mưa úng xảy ra. Xây dựng chi tiết phương án phòng, chống úng cho các vùng trọng điểm, gồm: Hưng Hà có vùng nam sông Sa Lung (thuộc lưu vực trạm bơm Minh Tân, Tịnh Xuyên), vùng Ba Trại (thuộc lưu vực trạm bơm Hà Thanh và Dân Chủ)…; huyện Kiến Xương có vùng An Bình, Quốc Tuấn (thuộc lưu vực trạm bơm An Quốc), vùng Trà Giang, Hồng Thái (thuộc lưu vực trạm bơm Diệm Dương)… Đến tuần cuối tháng 6 sẽ tổ chức lấy sa cải tạo đất trong 2 - 3 ngày, tránh ngập úng vùng mạ, phù hợp yêu cầu giữ lấm để làm đất cấy trà mùa sớm. Lúa sau cấy, trong giai đoạn hồi xanh khả năng chịu ngập nước kém, do đó hai hệ thống thủy lợi Namon> và Bắc cần điều tiết nước linh hoạt.

Trong trường hợp dự báo có mưa lớn, bão gần, áp thấp nhiệt đới thì hạ mực nước sông trục xuống mức tối đa để đề phòng úng. Trong tháng 8 và 9 là thời điểm trọng tâm của mưa, lũ, bão, do đó chống úng tốt được ở giai đoạn này sẽ là tiền đề để vụ mùa giành thắng lợi. Chính vì vậy, Sở Nông nghiệp & PTNT đã chỉ đạo hai hệ thống thủy lợi Nam và Bắc phải tuân thủ nguyên tắc duy trì mực nước tối thiểu để đủ bơm tát trong điều kiện thời tiết bình thường; các địa phương ở lân cận cống có máng nổi sẽ căn cứ vào yêu cầu tưới để lấy nước tự chảy thay cho bơm tát bằng động lực. Ngay khi triều cường lửng phải hạ thấp mực nước toàn hệ thống…

Theo kế hoạch, công tác chuẩn bị phòng, chống úng phục vụ sản xuất vụ mùa tại các huyện, thành phố và hai Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc và Nam phải xong trước ngày 15/6. Đây cũng là giai đoạn các hộ dân tập trung gieo mạ, do đó các đơn vị, địa phương cần sớm hoàn thiện tất cả các công việc để phục vụ tưới, tiêu thuận lợi, đồng thời giúp việc làm đất được nhanh, gọn để gieo cấy đúng lịch thời vụ đã đề ra.

                  Nguyên Bình

  • Từ khóa