Thứ 6, 15/11/2024, 16:31[GMT+7]

UBND tỉnh Họp nghe và cho ý kiến về một số nội dung quan trọng

Thứ 3, 18/06/2013 | 18:57:33
1,082 lượt xem
Ngày 18/6, UBND tỉnh tổ chức họp nghe và cho ý kiến về Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thái Bình giai đoạn 2012 - 2020; Quy hoạch phòng chống lũ chi tiết sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa (tỉnh Thái Bình); Phương pháp đánh giá 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Phạm Văn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Đồng chí Phạm Văn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Dự họp có các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Toàn tỉnh hiện có 5.688,15 ha rừng, trong đó rừng đặc dụng 1.450,16 ha, rừng phòng hộ 4.237,99 ha; so với thời điểm trước tháng 8/2012 đã giảm trên 1.500 ha, nguyên nhân do bão, sóng biển quật đổ, cuốn trôi và sinh vật hà gây hại cây non mới trồng. Như vậy, so với diện tích đất lâm nghiệp, toàn tỉnh còn 4.240,85 ha chưa có rừng, chủ yếu nằm giữa rừng hiện có và tiếp giáp với vùng bãi bồi đã được quy hoạch để nuôi ngao. Để phục hồi và trồng mới diện tích rừng ven biển, mục tiêu của ngành Nông nghiệp là phát triển bền vững 9.502 ha đến năm 2020. Theo đó các giải pháp đã được đưa ra để các đại biểu thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến.

Việc quy hoạch phòng chống lũ chi tiết sông Luộc, sông Hóa, sông Hồng nhằm xác định mức bảo đảm phòng, chống lũ; xác định lũ thiết kế của 3 tuyến sông, gồm lưu lượng lũ thiết kế và mực nước lũ thiết kế… Đồng thời làm cơ sở cho việc lập và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, xây dựng khu vực ngoài bãi sông để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm thoát lũ. Tổng mức đầu tư dự án là trên 2.000 tỷ đồng, bao gồm xây dựng hệ thống mốc chỉ giới, tu bổ, nâng cấp đê, trồng tre chắn sóng, di dân tái định cư…

Đối với phương pháp đánh giá 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, từng tiêu chí đã được xây dựng cụ thể theo hình thức chấm điểm. Điểm tối đa của một tiêu chí là 100 điểm, xã nào đạt từ 80 điểm/tiêu chí trở lên thì được công nhận đã hoàn thành. Tuy nhiên, sau khi các xã tự đánh giá và chấm điểm theo quy định của tỉnh, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh, huyện sẽ tiến hành kiểm tra và đánh giá mức độ hoàn thành.

Sau khi nghe các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến, đồng chí Phạm Văn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Chi cục Kiểm lâm cập nhật lại số liệu về hiện trạng diện tích rừng ven biển của từng xã và đối chiếu với các quy hoạch khác đã được phê duyệt để xác định cụ thể diện tích rừng cần bảo vệ, trồng mới. Quy hoạch cần chỉ rõ chất đất từng vùng để xác định đối tượng cây trồng cho phù hợp, bảo đảm sau trồng cây sinh trưởng, phát triển tốt. Đồng thời xây dựng giải pháp phải chú trọng việc bảo vệ và trồng rừng mới, định hướng đến năm 2020. Đối với quy hoạch phòng chống lũ chi tiết sông Luộc, sông Hóa, sông Hồng, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản nhất trí với phương án đã xây dựng. Đối với phương pháp đánh giá 19 tiêu chí nông thôn mới đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất điều chỉnh điểm ở từng mục cho phù hợp với thực trạng xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Tin, ảnh: Nguyên Bình

  • Từ khóa