Chủ nhật, 24/11/2024, 01:25[GMT+7]

Để doanh nghiệp xuất khẩu tìm được thị trường mới

Thứ 5, 10/08/2023 | 08:39:15
7,689 lượt xem
Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn về đầu ra khiến cho cả kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều sụt giảm. Đáng lo hơn, việc thiếu đơn hàng xuất khẩu đồng nghĩa sẽ thiếu việc làm cho người lao động. Hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp đang mong tìm được khách hàng mới, thị trường mới để duy trì sản xuất, kinh doanh, giữ chân người lao động. Ngành công thương đã làm gì và doanh nghiệp nên làm gì để biến mong muốn đó thành hiện thực. Phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với bà Đỗ Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương về vấn đề này.

Thủy sản chế biến là một trong những ngành hàng có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hiện nay. Trong ảnh: Chế biến ngao tại Công ty TNHH Nghêu Thái Bình (xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải).

Phóng viên: 7 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của cả nước chỉ đạt 374,23 tỷ USD, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, xuất khẩu giảm 10,6%, nhập khẩu giảm 17,1%. Tại Thái Bình, tình hình xuất nhập khẩu cũng gặp nhiều khó khăn, kim ngạch nhập khẩu giảm 27,52% so với cùng kỳ năm 2022. Theo bà, đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này?

Bà Đỗ Thị Thu Hương: Sự suy giảm kim ngạch xuất nhập khẩu đến mức đáng lo ngại đó theo chúng tôi là do tác động tiêu cực từ nhiều yếu tố. Thị trường thế giới biến động mạnh, tổng cầu giảm, lạm phát cao, suy giảm kinh tế ở các nước phát triển là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam khiến nhu cầu tiêu dùng giảm kéo theo thị trường xuất khẩu bị co hẹp. Sự cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu với Việt Nam ngày càng gia tăng, nhất là sau đại dịch Covid-19 các nước cùng mở cửa giao thương gây nên sự cạnh tranh gay gắt với chúng ta. Thêm nữa, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy do ảnh hưởng của cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine và sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các nước phát triển trên thế giới.

Phóng viên: Đó là yếu tố bên ngoài tác động, còn yếu tố nội tại bên trong có những vấn đề gì đáng lưu tâm, thưa bà?

Bà Đỗ Thị Thu Hương: Về yếu tố bên trong, bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng gặp một số khó khăn như lãi suất vốn vay, chi phí đầu vào sản xuất tăng cao, khả năng tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp cũng bị hạn chế. Một số lĩnh vực sản xuất của doanh nghiệp công nghệ còn lạc hậu, năng suất, chất lượng thấp, trong khi doanh nghiệp các nước đã nhanh chóng đổi mới, chuyển sang công nghệ xanh đáp ứng các tiêu chí nhập khẩu của các quốc gia là thị trường nhập khẩu lớn trên thế giới. Đặc biệt, các doanh nghiệp chưa tận dụng được những ưu đãi của 15 hiệp định thương mại FTA mà Việt Nam đã ký kết. Ngay cả với những mặt hàng chiến lược của chúng ta như dệt may, nông, lâm, thủy hải sản, đồ gỗ thì phần lớn doanh nghiệp cũng chưa tận dụng được lợi thế mà các FTA mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu.

May mặc là mặt hàng chủ lực của Thái Bình nếu các doanh nghiệp tận dụng được các FTA sẽ phát triển được nhiều thị trường xuất khẩu mới giàu tiềm năng. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Tân Đệ (khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, thành phố Thái Bình).

Phóng viên: Để ứng phó với những thách thức bên ngoài và tháo gỡ khó khăn bên trong, giúp doanh nghiệp có sức cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ Công Thương đã có những giải pháp gì, thưa bà?

Bà Đỗ Thị Thu Hương: Hiện nay, Bộ Công Thương đã có một loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong đó, giải pháp đầu tiên mà chúng tôi đang tích cực triển khai là phối hợp với các địa phương như Sở Công Thương Thái Bình tuyên truyền, phổ biến, tư vấn cho doanh nghiệp có nhận thức đầy đủ, có nhiều thông tin hơn về ưu đãi thuế quan mà các FTA mang lại. Lợi thế về thuế dành cho hàng hóa của chúng ta so với các đối thủ cạnh tranh khác khi thâm nhập các thị trường lớn đã ký FTA với Việt Nam như châu Âu, Anh, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Với sự chênh lệch về thuế FTA mang lại giúp cho hàng hóa của chúng ta cạnh tranh tốt hơn so với các đối thủ. Giải pháp nữa Bộ Công Thương đang triển khai đó là tiếp tục ký kết các hiệp định thương mại mới Việt Nam - Israel và khởi động đàm phám Hiệp định thương mại Việt Nam - UAE tạo thêm không gian xuất khẩu cho doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, Bộ Công Thương có mạng lưới thương vụ đặt tại các nước là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, thông qua hệ thống này, các doanh nghiệp có thể tìm hiểu được các thông tin, những biến động và cả chính sách mới của thị trường thế giới. Doanh nghiệp cũng có thể nhờ thương vụ hỗ trợ kết nối với các khách hàng tiềm năng tại thị trường nước ngoài.

Ở trong nước, Bộ Công Thương tổ chức hàng loạt sự kiện để kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp toàn cầu và tham gia vào hệ thống thương mại toàn cầu. Bên cạnh hội chợ triển lãm, Bộ Công Thương cũng tổ chức các hội chợ shooting tìm nguồn nguyên liệu, đưa các doanh nghiệp nhập khẩu của nước ngoài vào Việt Nam để làm việc trực tiếp với các nhà sản xuất, xuất khẩu của chúng ta với hy vọng các doanh nghiệp tham gia tích cực để có thể tìm được cơ hội mới, khách hàng mới.

Phóng viên: Bà có nhắc nhiều đến những cơ hội mà các FTA mang lại lợi thế, sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước; tuy nhiên, để biến điều đó thành hiện thực thì bản thân các doanh nghiệp cần phải làm gì?

Bà Đỗ Thị Thu Hương: Liên quan đến cơ hội từ các FTA, đầu tiên các doanh nghiệp cần phải biết rõ về mức chệnh lệch thuế hàng hóa Việt Nam có thể được hưởng tại các nước có ký FTA với Việt Nam. Hai là doanh nghiệp tìm hiểu kỹ các quy định về xuất xứ hàng hóa để được hưởng mức thuế 0% tại nước nhập khẩu từ đó điều chỉnh sản xuất nhằm đáp ứng tiêu chí xuất xứ của từng hiệp định vì mỗi hiệp định FTA lại có một quy tắc xuất xứ khác nhau. Thứ ba, doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để chứng minh hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam. Đặc biệt lưu ý các doanh nghiệp tuyệt đối tránh trường hợp bị lợi dụng, tiếp tay dùng hàng hóa không có xuất xứ Việt Nam, nói cách khác là gian lận xuất xứ nhằm được hưởng ưu đãi về thuế quan. Hành vi này rất nguy hiểm vì nó dẫn đến tình trạng các nước nhập khẩu sẽ tiến hành điều tra và thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại, chống tránh lẩn trốn thuế với Việt Nam vừa gây khó khăn vừa làm mất uy tín cho doanh nghiệp, hàng hóa của chúng ta.

Phóng viên: Theo bà, những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngành hàng nào có cơ hội lớn nhất cần tận dụng để đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh hiện nay?

Bà Đỗ Thị Thu Hương: Về cơ bản, các nhóm ngành hàng đều có cơ hội như nhau, tuy nhiên đối với nhóm ngành hàng tiêu dùng luôn là thế mạnh của Việt Nam. Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng của thị trường trên thế giới đang sụt giảm nên không chỉ các doanh nghiệp của ta mà ở các nước khác cũng đang gặp khó khăn. Song chúng ta lại có lợi thế cạnh tranh về thuế so với các nước đối thủ cùng sản xuất mặt hàng đó, chính vì vậy tôi nghĩ nếu các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp Thái Bình biết nắm bắt cơ hội này sẽ tạo sự bứt phá, tìm được các khách hàng mới, thị trường mới để phát triển, biến “nguy” thành “cơ”. Theo thông tin chúng tôi có được, thị trường cả trong nước và thế giới đang có những tín hiệu tích cực hơn, hy vọng những tháng cuối năm 2023 cộng đồng doanh nghiệp sẽ có nhiều hơn cơ hội ký kết các đơn hàng xuất khẩu, tạo đà khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Đồ gỗ cũng làm một trong những ngành hàng thế mạnh của Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu hiện nay. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ Khởi Tiếp, cụm công nghiệp Nguyên Xá, huyện Vũ Thư.
                       

Khắc Duẩn
               
     (thực hiện)