Thứ 7, 23/11/2024, 09:37[GMT+7]

Hệ thống quỹ tín dụng nhân dân tỉnh Thái Bình: 30 năm xây dựng, đổi mới, phát triển, hiệu quả

Thứ 4, 23/08/2023 | 08:17:59
16,715 lượt xem
Ngày 27/7/1993, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 390/TTg triển khai đề án thí điểm thành lập quỹ tín dụng nhân dân (QTDND). Đây là một trong những bước đi đầu tiên cụ thể hóa các quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước hình thành nên hệ thống QTDND của cả nước nói chung và hệ thống QTDND tỉnh Thái Bình nói riêng. Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, đến nay hệ thống QTDND tỉnh Thái Bình đã không ngừng phát triển cả về số lượng, quy mô, chất lượng, khẳng định được vai trò tích cực trong việc góp phần tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo và chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Đồng chí Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thăm và làm việc tại Quỹ Tín dụng nhân dân Thanh Nê (Kiến Xương).

Phát triển lớn mạnh

Trên cơ sở được trung ương lựa chọn là 1 trong 14 tỉnh, thành phố của cả nước triển khai thí điểm đề án thành lập QTDND, Thái Bình đã thành lập Ban Chỉ đạo thí điểm thành lập QTDND trên địa bàn tỉnh, đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh nghiêm túc triển khai, thực hiện. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh với tư cách là thành viên sáng lập QTDND đã chủ động hướng dẫn nội dung hoạt động, bảo đảm các thủ tục hành chính pháp lý về thành lập QTDND, tổ chức đào tạo cán bộ, kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm hoạt động đúng quy chế, điều lệ. Đợt đầu thí điểm tại 4 huyện: Thái Thụy, Hưng Hà, Tiền Hải và Vũ Thư với 12 xã thành lập QTDND mới và 5 xã đã có HTX tín dụng được cấp phép hoạt động theo Pháp lệnh Ngân hàng, HTX tín dụng và Công ty Tài chính từ năm 1992. Để chuẩn bị cho các QTDND khai trương hoạt động, NHNN Chi nhánh tỉnh đã chuẩn bị đội ngũ giảng viên, tiến hành biên soạn tài liệu, tổ chức tập huấn cho 52 cán bộ của 19 xã thí điểm; triển khai các văn bản hướng dẫn của NHNN Việt Nam về tổ chức hoạt động của QTDND; đồng thời, bố trí mỗi huyện 1 cán bộ chuyên trách tham mưu cho huyện về thành lập QTDND, có trách nhiệm giúp đỡ, kiểm tra, nắm bắt tình hình các QTDND. 

Với sự vào cuộc tích cực, đến ngày 31/12/1994, toàn tỉnh có 16 QTDND được thành lập với 3.859 thành viên gia nhập, vốn điều lệ đạt 435 triệu đồng, vốn huy động đạt 1.785 triệu đồng và dư nợ cho vay đạt 3.039 triệu đồng. Từ hiệu quả bước đầu thực hiện thí điểm, đến tháng 3/1995, Thường trực Tỉnh ủy đã nhất trí việc mở rộng thành lập các QTDND ở tất cả các huyện, thị xã nhằm phục vụ tốt cho nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 

Đến cuối tháng 12/1996, toàn tỉnh có 75 QTDND với 33.422 thành viên; tổng nguồn vốn hoạt động đạt 54,2 tỷ đồng, trong đó vốn huy động đạt 27,6 tỷ đồng; các quỹ đã có 54.613 lượt thành viên vay vốn. Sự hình thành, phát triển, tăng trưởng của hệ thống QTDND Thái Bình trong những năm thí điểm đã tạo lập được một loại hình tổ chức tín dụng hợp tác hoạt động phù hợp với điều kiện thực tiễn trong nông nghiệp, nông thôn; một định chế tài chính mới thay thế cho mô hình HTX tín dụng trước đây.


Những thành tựu đạt được của hệ thống QTDND tỉnh Thái Bình
  • 1 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ;
  • 19 bằng khen của Thống đốc NHNN Việt Nam;
  • 34 bằng khen của Liên minh HTX Việt Nam;
  • 85 bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh;
  • 1 QTDND được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba;
  • 2 cờ thi đua của NHNN Việt Nam;
  • 6 QTDND được nhận giải thưởng Bông lúa vàng...


Không ngừng củng cố, hoàn thiện và phát triển

Sau khi được thành lập, hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh không ngừng củng cố, hoàn thiện và phát triển. Đặc biệt, kể từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 57-CT/TW, ngày 10/10/2000 của Bộ Chính trị, đề án cơ cấu lại hệ thống QTDND trên địa bàn giai đoạn 2011 - 2015, đề án cơ cấu lại hệ thống QTDND trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn 2021 đến nay, các QTDND trên địa bàn tỉnh thực hiện tăng vốn điều lệ theo đúng mức vốn điều lệ chuẩn y của NHNN Chi nhánh tỉnh, không có tình trạng chi phối về vốn điều lệ và hoạt động bởi một số ít thành viên; chủ động tăng cường quản lý, giám sát hoạt động, đặc biệt là hoạt động của các phòng giao dịch, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, phù hợp với thực tế hoạt động của từng QTDND; cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, có định hướng chiến lược kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và hiện đại hóa công nghệ ngân hàng; cơ bản hoàn thành khắc phục các tồn tại, sai phạm trong hoạt động, các tỷ lệ an toàn trong hoạt động được bảo đảm, nợ xấu ở mức thấp (0,5%/tổng dư nợ); không ngừng nỗ lực để phát triển thành viên, chú trọng huy động nguồn vốn nhàn rỗi của thành viên và dân cư, qua đó cung ứng vốn kịp thời, tạo điều kiện để thành viên phát triển sản xuất, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” ở địa phương. 

Đến thời điểm 30/6/2023, toàn tỉnh có 85 QTDND hoạt động trên địa bàn 146 xã, phường, thị trấn, tăng 69 QTDND; tổng số thành viên 156.467 người (bình quân 1.840 thành viên/QTDND), tăng 40,6 lần; tổng nguồn vốn đạt 13.545 tỷ đồng (bình quân 159 tỷ đồng/QTDND), tăng 4.203 lần, trong đó tiền gửi tiết kiệm đạt 12.412 tỷ đồng (bình quân 146 tỷ đồng/QTDND), tăng 6.954 lần; tổng dư nợ cho vay đạt 9.928 tỷ đồng (bình quân 117 tỷ đồng/QTDND), tăng 3.267 lần; chênh lệch thu nhập và chi phí đạt 77,7 tỷ đồng, tăng 655 lần so với năm 1994.

Hoạt động giao dịch tại Quỹ Tín dụng nhân dân Tân Phong (Vũ Thư).

Song song với công việc chuyên môn, hệ thống QTDND luôn ý thức trách nhiệm với cộng đồng, tích cực trong công tác an sinh xã hội. Từ năm 2016 - 2022, hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh đã ủng hộ 2,6 tỷ đồng đóng góp vào các quỹ vì người nghèo, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, thăm hỏi các gia đình chính sách... và chung tay ủng hộ mua trang thiết bị phòng, chống dịch Covid-19 số tiền 2,1 tỷ đồng. Với sự nỗ lực phấn đấu của các QTDND, hoạt động của hệ thống QTDND trên địa bàn đã căn bản hoàn thành công tác củng cố, chấn chỉnh và tạo lập những cơ sở nền tảng quan trọng cho giai đoạn hoàn thiện và phát triển trong những năm tiếp theo.

Sự thành công của hệ thống QTDND trong suốt chặng đường 30 năm qua phải kể đến vai trò hết sức quan trọng của QTDND khu vực tỉnh Thái Bình nay là Ngân hàng HTX Việt Nam Chi nhánh tỉnh - là cầu nối nhằm điều hòa vốn giữa các QTDND, chuyển vốn của QTDND trung ương đến các QTDND để cho vay thành viên, bảo đảm dòng chảy thông suốt, tháo gỡ khó khăn về thanh khoản trong toàn hệ thống. Bên cạnh đó, Ngân hàng HTX Việt Nam Chi nhánh tỉnh còn triển khai nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng, chăm sóc, tư vấn cho các QTDND thành viên đặc biệt là nhiệm vụ liên kết hệ thống QTDND, từ đó góp phần giữ vững sự ổn định trong hoạt động của hệ thống QTDND tỉnh Thái Bình. 

Đến nay, Ngân hàng HTX Việt Nam Chi nhánh tỉnh đã kết nạp 63 QTDND vào hệ thống ngân hàng điện tử (CF-eBank). Để góp phần hỗ trợ khó khăn về tài chính, hỗ trợ thanh khoản, đồng thời tăng cường gắn kết hoạt động của hệ thống QTDND, tỉnh còn thành lập và đi vào hoạt động Quỹ an toàn hệ thống QTDND, Văn phòng đại diện Hiệp hội QTDND Việt Nam tại Thái Bình.

Định hướng phát triển

Phát huy truyền thống, thành tựu của bề dày lịch sử 30 năm xây dựng và trưởng thành; với những thành tích và bài học kinh nghiệm, trong thời gian tới, hệ thống QTDND tỉnh Thái Bình tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, đề án của Trung ương Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và NHNN Việt Nam về phát triển kinh tế tập thể; tăng cường củng cố, phát triển theo đúng mục tiêu, tôn chỉ của loại hình TCTD là HTX theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế; hoạt động an toàn, hiệu quả, ổn định và bền vững, đáp ứng nhu cầu về vốn, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của các thành viên QTDND, hướng tới mục tiêu chủ yếu là tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên phục vụ sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống; nâng cao năng lực tài chính, lành mạnh hóa tình hình tài chính cho các QTDND, phấn đấu đến năm 2030 không còn QTDND hoạt động yếu kém, có vốn điều lệ ở mức trên 2 tỷ đồng, nợ xấu ở mức dưới 3%, tỷ trọng tiền gửi của thành viên đạt tối thiểu 65% tổng nguồn vốn huy động của QTDND, 85/85 QTDND hoạt động kinh doanh có lãi; hoạt động quản lý, nghiệp vụ của các QTDND từng bước thực hiện số hóa theo lộ trình kế hoạch của NHNN Việt Nam và của UBND tỉnh Thái Bình về chuyển đổi số. Hệ thống QTDND ngày càng được củng cố, tăng cường, bảo đảm hoạt động an toàn, hỗ trợ tích cực đối với lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy sự phát triển kinh tế tập thể tại địa phương.

Phan Thị Tuyết Trinh
(Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thái Bình)