Chủ nhật, 24/11/2024, 02:01[GMT+7]

Tiền Hải: Cộng đồng doanh nghiệp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Thứ 3, 29/08/2023 | 08:44:54
11,975 lượt xem
Những năm qua, kinh tế - xã hội của huyện Tiền Hải có bước phát triển tích cực. Đóng góp không nhỏ vào kết quả đó, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn huyện đã có nhiều giải pháp nỗ lực tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, từng bước mở rộng thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu ngân sách, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Sản xuất tại Công ty Cổ phần Gốm sứ Long Hầu. Ảnh: KHẮC DUẨN

Doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế - xã hội

Ông Tô Xuân Cảnh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, kinh doanh sứ Hảo Cảnh cho biết: Là thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp huyện Tiền Hải, Công ty luôn nỗ lực phát triển sản xuất, cùng các DN trên địa bàn đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Các sản phẩm sứ dân dụng của Công ty được ứng dụng công nghệ hiện đại, đổi mới mẫu mã để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Ngoài thị trường nội địa, sản phẩm của Công ty đã có mặt tại thị trường nhiều nước khu vực châu Âu, châu Á. Đặc biệt, những năm gần đây Công ty đã đổi mới dây chuyền sản xuất, ứng dụng công nghệ để làm ra các sản phẩm sứ xương Minh Châu chất lượng vượt trội và hoàn toàn mới đối với thị trường Việt Nam. 6 tháng đầu năm 2023 Công ty sản xuất hơn 48 triệu sản phẩm, doanh thu đạt 281,2 tỷ đồng.

Không chỉ các DN lớn như Công ty TNHH Sản xuất, kinh doanh sứ Hảo Cảnh, Công ty Cổ phần Gốm sứ Long Hầu mà các DN vừa và nhỏ trên địa bàn huyện Tiền Hải cũng có nhiều đóng góp cho sự phát triển của huyện. 

Ông Trần Đại Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, kinh doanh Đại Nghĩa, xã Đông Hoàng chia sẻ: Sản xuất máy cấy cung cấp ra thị trường, Công ty đã đồng hành với nông dân để cơ giới hóa nông nghiệp, từ đó giải quyết được khâu lao động nặng nhọc, tính thời vụ khẩn trương, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Bình quân mỗi năm Công ty sản xuất và tiêu thụ hơn 1.000 sản phẩm, doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng.

Ông Bùi Văn Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp huyện Tiền Hải cho biết: Trên địa bàn huyện có 525 DN, trong đó thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp huyện có 65 DN. 3 năm trở lại đây, cộng đồng DN Tiền Hải phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid-19, nhu cầu tiêu dùng của thị trường giảm song các DN đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, năng động, sáng tạo trong tổ chức sản xuất, tiếp cận một số thị trường mới, mạnh dạn đầu tư đổi mới thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm. Một số DN tiêu biểu có doanh thu cao như Toyoda Gosei Thái Bình đạt 692 tỷ đồng, gạch men Mikado Thái Bình đạt 373 tỷ đồng, sứ Hảo Cảnh đạt 281,2 tỷ đồng, Gốm sứ Long Hầu đạt 128 tỷ đồng...

Sản xuất sứ dân dụng tại khu công nghiệp Tiền Hải.

Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp

Ông Phạm Ngọc Kế, Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải cho biết: Từ đầu năm đến nay, huyện Tiền Hải quyết liệt chỉ đạo thực hiện công tác cải cách hành chính tạo thuận lợi tối đa trong giao dịch hành chính, giải quyết các thủ tục liên quan đến đầu tư, phát triển sản xuất của người dân, DN. Tăng cường phối hợp với các sở, ngành chức năng ưu tiên cho các DN, các đối tượng sản xuất trên địa bàn huyện về thủ tục vay vốn ưu đãi từ các kênh tín dụng. Đặc biệt, huyện đã tổ chức hội nghị đối thoại với các DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh để lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN. Triển khai tập huấn đo lường Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thành phố cho trên 200 DN trên địa bàn. Ngoài ra huyện còn tập trung hỗ trợ các DN làng nghề phát triển các mặt hàng thế mạnh tham gia các gian hàng giới thiệu sản phẩm hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ vững và phát triển thị trường tiêu thụ. Tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các DN lựa chọn đầu tư sản phẩm OCOP để tạo cơ hội quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương. Chú trọng lựa chọn hỗ trợ các DN sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa nông, lâm, thủy sản chủ lực có tiềm năng, lợi thế phát triển tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, kiểm soát chất lượng gắn với truy xuất nguồn gốc, góp phần phát triển hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân.

Sản xuất sứ dân dụng tại Công ty Cổ phần Ceravi.

Năm 2022, huyện Tiền Hải đã thu hút được 14 dự án đầu tư trong khu, cụm công nghiệp với tổng nguồn vốn đạt 4.552 tỷ đồng. 7 tháng đầu năm 2023 có 2 dự án đầu tư mới trên địa bàn huyện là dự án nhà máy sản xuất phụ kiện gia đình, phòng tắm, đèn chiếu sáng trong nhà, ngoài trời tại khu công nghiệp Tiền Hải và dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Hải Long của Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Bảo Minh. Tổng vốn đầu tư các dự án 2.634 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng 226,4ha.

Mạnh Thắng