Thứ 6, 15/11/2024, 19:27[GMT+7]

Nam Cường Chủ động trước diễn biến cực đoan của thời tiết

Thứ 2, 01/07/2013 | 10:52:02
981 lượt xem
Nam Cường là một trong 10 xã của huyện Tiền Hải tiếp giáp trực tiếp với biển. Mỗi khi thời tiết diễn biến bất lợi, Nam Cường luôn phải hứng chịu thiệt hại nặng nề hơn so với các xã nội đồng. Bước vào mùa bão lũ năm nay, Nam Cường chủ động triển khai các giải pháp, quyết không bị động trước diễn biến cực đoan của thời tiết.

Thi công đê biển số 6 (Tiền Hải).

Với chiều dài đê biển 2,8 km, tuy đã được đầu tư kiên cố, nhưng thân đê còn nhiều công trình thủy lợi cấp quốc gia phục vụ sản xuất và đời sống gồm cống Lân 1, Lân 2, cống 4 cửa, cống 8 cửa. Phía nội đồng có gần 6.000 dân đang sinh sống; hàng trăm ha lúa, hoa màu, 100 ha nuôi trồng thủy - hải sản; nhiều công trình hạ tầng khác ... Những năm qua, Nam Cường có nhiều cố gắng, chủ động phòng chống làm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Năm 2012, Nam Cường và các xã khu Nam Tiền Hải phải chống chọi với 3 cơn bão (số 4, 5 và 8). Ðặc biệt là cơn bão số 8, mặc dù từ khâu tuyên truyền đến khâu chuẩn bị… tương đối tốt, nhưng sức tàn phá lớn đã để lại cho Ðảng bộ và nhân dân Nam Cường hậu quả nặng nề. Tổng thiệt hại lên tới hơn 12 tỷ đồng, gồm: giảm 2/3 năng suất lúa mùa đang vào giai đoạn thu hoạch, toàn bộ diện tích ao đầm nuôi trồng thuỷ - hải sản bị ngập; hàng chục ngôi nhà dân tốc mái, đổ vỡ; 329 công trình phụ, 46 cột điện hư hại; 300 lều trại sập đổ… Rất may, toàn xã chỉ có một người bị thương.

Bão số 8 đi qua để lại cho Nam Cường những kinh nghiệm và bài học bổ ích. Trong đó bài học đắt giá nhất là hậu quả của tư tưởng chủ quan, lơ là. Một số cán bộ, nhân dân chủ quan cho rằng bão số 8 có vào thì cũng như cơn bão số 4, số 5, không thể mạnh hơn. Bị động, bất ngờ nên không kịp xử lý, gần 80 ha lúa mùa gần như mất trắng. Một số người vắng mặt ở điểm trực lúc nguy nan. Công tác biên chế lực lượng (cứu hộ, ứng cứu…) không hợp lý, nhiều người đi làm ăn xa vẫn nằm trong danh sách “sẵn sàng” huy động. Mặt khác, do ảnh hưởng của cơ chế thị trường và tư tưởng chủ quan nên số vật tư nhân dân tự nguyện đóng góp hạn chế.

Không ai dám khẳng định năm nay biển sẽ lặng sóng. Diễn biến thời tiết từ đầu năm tới nay khá bất thường, thậm chí tiêu cực hơn trước, như lốc xoáy, mưa đá xảy ra từ Bắc vào Namon>. Tổ chức Nông - Lương của Liên hợp quốc liên tục thông báo về tình hình nước biển dâng cao, dễ có bão lớn đổ bộ vào các tỉnh đồng bằng ven biển. Nếu lũ từ thượng nguồn về, nước biển dâng cao thì nước từ cửa Lân sẽ tràn vào Nam Cường và nhiều xã trong nội đồng. Nam Cường là xã “đầu cống”, lại úng trũng nên sẽ thiệt hại nhiều hơn. Tiền Hải cũng như các xã nội đồng đang “dồn mắt” hướng về Nam Cường và các xã ven biển xem nơi đó sẽ nghĩ gì, làm gì để ứng phó với bão lũ? Ðáp lại lòng tin của nhân dân trong xã, trong huyện, Nam Cường đã và đang nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng chống lụt bão, lấy phòng là chính, theo phương châm 4 tại chỗ.

 

Từ tháng 4 đến nay, hệ thống truyền thanh của Nam Cường liên tục phát các tin, bài về công tác triển khai phòng chống lũ bão, nhắc nhở mọi nhà, mọi người không chủ quan mà tích cực chuẩn bị mọi mặt trước khi bão lũ tràn vào. Nam Cường đã sớm thành lập Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão, trong đó 2 ban tiền phương, hậu phương đều do các đồng chí lãnh đạo chủ chốt làm trưởng ban. Các tiểu ban phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên, công bố rộng rãi cho nhân dân biết, tiện cho việc liên hệ điều động. Tiểu ban tiền phương do đồng chí phó chủ tịch UBND xã phụ trách, với 5 dân quân và 15 người (mỗi thôn 5 người) có nhiệm vụ phối hợp với Bộ đội Biên phòng tổ chức tuần tra toàn bộ tuyến đê biển qua xã và vùng ngoài đầm để đôn đốc nhân dân chấp hành pháp luật về đê điều và phòng chống lụt bão. Tiểu ban chỉ huy hậu phương do đồng chí Chủ tịch UBND xã trực tiếp chỉ huy, vừa có nhiệm vụ tổ chức hậu cần, vừa đảm nhiệm huy động lực lượng khi có yêu cầu, tổ chức sơ tán nhân dân khi cần thiết. Ngoài ra xã còn lên kế hoạch bố trí địa điểm di dời dân đến nơi an toàn. Các bộ phận cứu thương, thông tin liên lạc, tổng hợp, phòng chống ứng cứu lúa sau bão cũng được biên chế cụ thể và có kế hoạch chi tiết.

Ðối với công tác chuẩn bị lực lượng tại chỗ, Nam Cường đã rà soát lại toàn bộ số lao động không đi làm ăn xa để bố trí vào lực lượng ứng cứu tràn đê, gồm 30 người từ Nam cống Lân 2 đến cống Thoái; 30 người thuộc lực lượng dự bị tại thôn Ðức Long, khi cần thiết điều ra tuyến trước. Các ngành Công an, Quân sự, các đoàn thể trong xã cùng xây dựng phương án phối hợp phòng chống lụt bão để Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão của xã thông qua. Phương tiện và vật tư như ô tô vận tải, đèn chiếu sáng, cuốc, xẻng, dao... Nam Cường cũng đã chuẩn bị đầy đủ. Riêng vật tư trong dân, UBND xã huy động mỗi hộ 2 bao tải, tập kết về xã trước ngày 20/6. Ngoài ra, các thôn còn tích cực tuyên truyền, phổ biến, vận động các hộ dân chuẩn bị 10 ngày lương thực, thực phẩm khô, phòng khi thiên tai kéo dài, giao thông chưa thông suốt…

Bài, ảnh:  Phan Anh

  • Từ khóa