Thứ 6, 15/11/2024, 19:57[GMT+7]

Nông dân Thái Sơn hào hứng gieo sạ ở vụ mùa

Thứ 3, 02/07/2013 | 10:11:56
2,492 lượt xem
Những ngày này, xã Thái Sơn (Thái Thụy) huy động tối đa nhân lực, vật tư tập trung cho sản xuất lúa mùa. Trong khi người dân nhiều xã phải vất vả đưa mạ ra đồng cấy sớm vì sợ úng lụt thì vụ mùa này Thái Sơn mở rộng gần 80% diện tích sạ hàng, gieo vãi không chỉ góp phần giảm công lao động, chi phí sản xuất mà còn tạo bước đột phá thay đổi tập quán thâm canh lúa của nông dân.

Gieo sạ giờ đã trở thành phương thức chính của nông dân xã Thái Sơn (Thái Thụy).

Có mặt tại cánh đồng thôn Hoài Hữu một ngày cuối tháng 6, chúng tôi chứng kiến cảnh người dân đều đổ ra đồng thi đua lao động sản xuất, hết bừa đến san phẳng mặt ruộng, chuẩn bị gieo sạ. Ông Bùi Công Luyện kể lại: “Năm 2008, tôi là một trong những nông dân đầu tiên của xã mạnh dạn áp dụng phương thức gieo sạ với diện tích 3 sào. Không ngờ tiết kiệm nhiều công, chi phí sản xuất nên sau đó quyết định gieo sạ hết 1,7 mẫu ruộng. Trước đây, 2 vợ chồng cấy từng ấy diện tích nếu lao động cật lực cũng phải mất 20 ngày.

Chăm sóc lúa không cùng trà rất khó khăn, lúa chín cũng không đồng đều, thu hoạch vất vả dẫn đến chậm thời vụ trồng cây vụ đông. Từ 3 năm nay, với 1,7 mẫu ruộng chỉ cần một mình tôi vừa san phẳng, vừa gieo sạ, làm cỏ chỉ mất 2 ngày, gieo xong số mộng thừa ủ lại, sau 3 ngày thấy chỗ nào thưa gieo bổ sung bảo đảm mật độ, không phải mất thêm công dặm. Giờ gieo sạ thấy hết mọi ưu thế nổi trội nên chẳng ai mặn mà với phương thức cấy truyền thống nhiều hạn chế ngày trước cũng xin khiếu”. Rời cánh đồng thôn Hoài Hữu, chúng tôi tới cánh đồng thôn Thanh Miếu, không khí lao động cũng tất bật không kém. Chị Quách Thị Doan cho biết: “Gia đình tôi cấy 1,8 mẫu, trước đây có tới 9 mảnh nhưng sau dồn điền đổi thửa còn 2 mảnh. Vụ này, tôi gieo sạ 1,1 mẫu, còn lại 7 sào do ruộng trũng phải cấy nếu không cũng gieo sạ hết cho đỡ vất vả. Ruộng gieo sạ chỉ cần bừa thêm 2 lượt, diệt cỏ bờ sau đó chia ô, rắc đều mộng mạ. Tôi đã so sánh mấy vụ nay, khi thu hoạch ruộng gieo sạ bông nhiều hơn, hạt mẩy hơn nên năng suất tăng từ 10 đến 20 kg/sào”.

Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Bùi Công Thoán cho biết: Năm 2008, Thái Sơn xây dựng thử nghiệm mô hình gieo sạ với diện tích 20 mẫu ở thôn Thanh Miếu. Ban đầu, việc triển khai gặp khó khăn do xã viên vẫn giữ tập quán canh tác cấy lúa truyền thống. Cán bộ HTX cùng với một số nông dân  phải tiên phong làm trước. Kiên trì, tích cực tuyên truyền, vận động kết hợp tổ chức hội nghị đầu bờ rút kinh nghiệm, dần dần bà con thấy rõ lợi ích của phương thức gieo sạ nên tin và làm theo.

Anh Thoán làm phép tính so sánh khá tỉ mỉ: Trước đây nông dân cấy mạ dược, trung bình mỗi sào cần từ 6 đến 7 kg thóc giống, 24 m2 đất ruộng làm dược mạ. Sau đó chuyển sang cấy mạ non gieo trên nền đất cứng lượng thóc giống giảm xuống còn từ 2 đến 3 kg, 3 m2 dược nhưng vẫn phải bỏ công tạo mặt bằng, chuẩn bị đất mồi, chi phí nilon. Chỉ tính riêng công nhổ mạ và cấy, người nào nhanh tay mỗi ngày cũng chỉ cấy được 1 sào ruộng nhưng nếu gieo vãi hoặc sạ hàng một người một ngày có thể gieo cả mẫu. Hơn thế, lượng giống gieo sạ trung bình chỉ từ 0,8 đến 1,2 kg/sào, giảm hơn 4 lần so với cấy, thời vụ thu hoạch rút ngắn từ 5 đến 7 ngày, năng suất tăng hơn so với lúa cấy từ 10 đến 15%.

Nhờ những lợi ích thiết thực đó, gieo sạ đã trở thành tập quán canh tác của nông dân Thái Sơn. Thông thường gieo sạ ở vụ mùa hay bị úng lụt nên nhiều người ngần ngại nhưng với nông dân nơi đây gieo ở cả vụ xuân và vụ mùa. Ông Phạm Huy Mão, Bí thư Chi bộ thôn Nam Hưng Tây cho biết: “Trước đây cứ đến mùa cấy, nông dân phải đi làm từ 4 giờ sáng, tối nhọ mặt người mới về cho kịp thời vụ. Nhưng giờ gieo sạ, bà con cứ đủng đỉnh, khi nào trời mát ra làm, nắng nóng thì nghỉ, cả cánh đồng cũng chỉ gieo trong 2 đến 3 ngày là kín diện tích. Dù gieo sạ cả 2 vụ nhưng mấy năm nay, lúa đều thắng lớn, gia đình nào cũng phấn khởi”.

Nếu như năm 2011, lúa gieo sạ của Thái Sơn chiếm 35% tổng diện tích, năm 2012 tăng lên 65%, thì ở vụ xuân năm 2013 đã đạt 80% diện tích. Vụ mùa này, toàn xã gieo cấy 384 ha, trong đó 60% giống lúa chất lượng cao gồm RVT, Nếp, ĐS1, T10; 40% diện tích còn lại là các giống thuần. Diện tích gieo sạ đạt 300 ha. Để kịp thời vụ cho sản xuất, ngay sau thu hoạch lúa xuân, HTX đã đôn đốc xã viên khẩn trương cày lật đất, bừa ngả sớm, kết hợp bón thêm phân vi sinh, vôi bột tạo điều kiện cho các chất hữu cơ phân hủy, tránh gây ngộ độc cho lúa mới cấy, tiến hành vệ sinh đồng ruộng để diệt mầm bệnh lây lan sang vụ sau. Chuẩn bị đủ lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cung ứng cho nông dân đồng thời hỗ trợ kinh phí để các thôn nạo vét mương máng, khơi thông dòng chảy, tổ chức diệt chuột.

Đối với lúa gieo sạ đều được quy thành vùng sản xuất tập trung, chỉ đạo gieo cùng thời điểm, cùng một loại giống để tiện điều hành tưới tiêu, chăm sóc và thu hoạch. Đặc biệt, vụ mùa này HTX DVNN Thái Sơn đã ký hợp đồng với Công ty CP Giống cây trồng Trung ương, Công ty Giống chất lượng cao Thái Bình cấy 50 ha các giống lúa RVT, Nếp 87, Q5; liên kết với Công ty Hưng Cúc hỗ trợ nông dân 3,3 tấn thóc giống, 15 tấn phân bón cấy 55 ha lúa ĐS1. Sau khi thu hoạch, toàn bộ thóc của 105 ha này được các công ty trên thu mua. Ngoài ra, 300 ha lúa gieo sạ được tỉnh hỗ trợ 100% thuốc trừ cỏ nên nông dân rất phấn khởi, yên tâm sản xuất  Đến ngày 25/6, nông dân Thái Sơn bắt đầu ra đồng gieo sạ và cấy lúa mùa, toàn xã phấn đấu lấp kín diện tích trước ngày 15/7, sau thu hoạch lúa mùa trồng từ 100 đến 110 ha cây vụ đông.

 

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa