Thứ 6, 15/11/2024, 19:24[GMT+7]

Minh Châu phát triển nghề từ cây bèo tây

Thứ 3, 02/07/2013 | 13:53:06
2,843 lượt xem
Đối với nhiều nơi, cây bèo tây chỉ là thức ăn cho lợn, là loài thủy sinh gây cản trở dòng chảy. Thế nhưng ở Minh Châu (Đông Hưng), cây bèo tây đã trở thành nguyên liệu hữu ích tạo việc làm cho hàng trăm lao động trong suốt ba năm qua. Người có công đầu trong việc đưa nghề đan hộp bằng bèo tây về xã là vợ chồng bác Đặng Văn Tiệp (thôn Thọ Trung).

Người dân (Minh Châu - Đông Hưng), đan hộp bằng nguyên liệu cây bèo tây khô.

Không sử dụng nguyên liệu truyền thống như mây, song, cói mà sử dụng thân cây bèo tây đó là nét mới trong phát triển nghề đan hộp xuất khẩu. So với những nguyên liệu truyền thống thì bèo tây dễ sử dụng hơn bởi đặc tính mềm, dẻo. Bên cạnh đó, màu sắc tự nhiên của bèo tây khi phơi khô cũng tạo được nét thẩm mỹ cao. Khi hỏi về việc lựa chọn nguyên liệu này, bác Tiệp chia sẻ: Khi biết Công ty đầu mối Tiến Thành sử dụng bèo tây để đan hộp, tôi thấy  phù hợp với thực tế địa phương. Minh Châu là xã có nhiều ao, gần sông lớn nên bèo tây phát triển mạnh, đó là nguồn nguyên liệu sẵn có tại cơ sở.

Tuy nhiên, việc đưa bèo tây vào sản xuất cũng gặp không ít khó khăn. Thân bèo muốn làm nguyên liệu phải có chiều dài từ 40 cm trở lên, để đáp ứng yêu cầu này thường ở ngoài Bắc chỉ lấy được một vụ từ tháng 7 đến tháng 10, còn lại sẽ phải nhập từ miền Nam về thì mới có đủ nguyên liệu để sản xuất. Sản phẩm làm ra gặp thời tiết nồm ẩm dễ bị mốc, khó bảo quản. Mặt khác, kinh nghiệm lấy và phơi bèo tây chưa có, chỉ do tự làm rồi rút kinh nghiệm nên việc thu gom nguyên liệu chưa đạt yêu cầu. Hiện nay, nhập nguyên liệu sản xuất vẫn là chủ yếu, thiết nghĩ nếu bà con trong xã thu gom được nguyên liệu tại chỗ thì sẽ có thêm thu nhập, giảm được chi phí vận chuyển. Giá 1 kg nguyên liệu thân bèo tây khô giao động từ 10.000 - 13.500 đồng.

Đổi lại, thay nguyên liệu mây, tre bằng thân bèo tây, các cơ sở sản xuất cũng có những thuận lợi như nhân lực tại chỗ, không mất thời gian đào tạo, không cần mở rộng thêm nhà xưởng vì chủ yếu sử dụng lao động vệ tinh. Đúng với phương châm “ly nông bất ly hương” nên nghề đã thu hút hơn 100 lao động, đa số trong độ tuổi “trẻ đã qua, già chưa tới”. Nghề đã góp phần giải quyết việc làm lúc nông nhàn sau hai vụ lúa, tạo thu nhập cho bà con nông dân trong xã. Chia sẻ với chúng tôi, bác Trần Văn Chè cho biết: Hai vợ chồng bác đã gần 60 tuổi, ngoài thời gian mùa vụ, cả hai bác đều tham gia đan hộp xuất khẩu để có thêm thu nhập. Trung bình một bộ hộp được hoàn thành trong thời gian một ngày, có những ngày đan được nhiều hơn, hàng tháng có thu nhập ổn định từ 1 đến 1,2 triệu đồng/người.

Trong 3 năm qua, nghề đan hộp xuất khẩu bằng bèo tây đã góp phần thúc đẩy kinh tế của xã Minh Châu phát triển, thu nhập bình quân đạt 17 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xã từ 12,6% xuống còn 11,9%. Ông Trần Văn Phiệt - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Nghề đan bèo tây tuy thu nhập không cao nhưng tạo được việc làm cho bà con nông dân những lúc nông nhàn, đặc biệt là độ tuổi trung niên, đồng thời tạo sự phát triển đa dạng về ngành nghề cho xã.

Được biết, hộp bèo tây chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Ấn Độ và là mặt hàng thường được sử dụng một lần nên sản phẩm làm ra đến đâu công ty đầu mối sẽ thu mua ngay đến đó. Hàng tháng, trung bình cơ sở sản xuất của nhà bác Tiệp xuất khoảng 300 bộ (tương đương 900 chiếc). Đầu tháng 4 vừa qua, Phòng Công Thương huyện Đông Hưng đã có cuộc khảo sát tại cơ sở và quyết định hỗ trợ để mở rộng sản xuất. Nếu nghề được phát triển và mở rộng sẽ tạo thêm việc làm cho nhiều lao động cả ở trong và ngoài xã.

 

Bài, ảnh: Huyền Trang

  • Từ khóa