Thứ 6, 15/11/2024, 05:21[GMT+7]

Chuyển đổi sản xuất giúp nông dân Đông Hưng làm giàu

Thứ 6, 08/09/2023 | 09:42:23
13,097 lượt xem
Để thoát nghèo, làm giàu ngay trên quê hương, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Đông Hưng đã thay đổi tư duy, tổ chức sản xuất theo hướng hiện đại đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương.

Tham gia HTX Hồng xiêm nhót Lô Giang, các hộ nông dân sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt để nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu khách hàng.

Thay đổi tư duy

Một trong những điểm sáng trong phát triển sản xuất theo hướng hiện đại ở Đông Hưng là mô hình HTX SXKD gạo chất lượng cao xã Đông Tân. Không chỉ là điểm tựa cho 18 thành viên, HTX còn là cầu nối liên kết trên 100 hộ cấy giống lúa bản địa thường gọi là gạo làng Giắng trong vùng quy hoạch 70ha và 5ha cấy giống lúa mới ST25.

Ông Lại Khắc An, Giám đốc HTX DVNN xã, Giám đốc HTX SXKD gạo chất lượng cao xã Đông Tân cho biết: HTX tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao. Mỗi năm, HTX thu mua cho bà con khoảng 400 tấn thóc tươi, sấy khô, xay xát, đóng túi bằng dây chuyền hiện đại cung cấp cho thị trường, ngoài ra còn thu mua hàng trăm tấn thóc cung cấp cho các công ty chế biến nông sản trong và ngoài tỉnh. Từ khi HTX SXKD gạo chất lượng cao đi vào hoạt động giá thu mua thóc cho bà con nông dân tăng 15 - 20% so với trước đây. Đặc biệt, gạo làng Giắng do HTX chế biến đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cùng với gạo ST25 đã lên sàn thương mại điện tử, sức tiêu thụ ngày càng tăng.

Ông Đặng Tất Tuân, xã Phú Châu (Đông Hưng) làm giàu từ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong nước ngọt.

Dù là đặc sản với vị ngọt thanh mát và vị thơm riêng không đâu có nhưng hồng xiêm xã Lô Giang vẫn ít người biết đến, các gia đình mạnh ai nấy trồng, tiêu thụ, hiệu quả kinh tế không cao. Khi xã xây dựng hồng xiêm thành sản phẩm OCOP 3 sao, đặc biệt là thành lập HTX Hồng xiêm nhót Lô Giang với 30 hộ thành viên thì sản vật này đã có tem mác, có mặt trên sàn thương mại điện tử, nhiều người biết đến, sức tiêu thụ, giá trị đều tăng. 

Ông Vũ Việt Hùng, Giám đốc HTX DVNN xã, Giám đốc HTX Hồng xiêm nhót Lô Giang cho biết: HTX Hồng xiêm nhót Lô Giang đã lựa chọn các cây đầu dòng để nhân giống, quy hoạch vùng trồng 10ha, hướng dẫn các hộ gia đình kỹ thuật trồng, chăm sóc để cây sai quả, không bị sâu, quả to; đồng thời quản lý chặt chẽ các quy trình từ trồng, chăm sóc đến thu hoạch... của từng hộ thành viên qua phần mềm được cài đặt trên điện thoại hoặc máy tính. HTX cũng đang hoàn thiện hồ sơ thủ tục để xây dựng cửa hàng giới thiệu sản phẩm hồng xiêm Lô Giang. 

Ông Vũ Văn Mạnh, thôn Phú Nông chia sẻ: Nhà tôi trồng 8 sào hồng xiêm. Tôi tham gia HTX Hồng xiêm nhót Lô Giang để được chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch bảo đảm tiêu chuẩn OCOP. Không chỉ năng suất, chất lượng quả hồng tăng mà việc tiêu thụ cũng sẽ thuận lợi hơn.

Đến nay, huyện Đông Hưng có trên 10 HTX nông nghiệp kiểu mới đang hoạt động hiệu quả, góp phần giảm nghèo, tăng thu nhập cho nông dân, đẩy mạnh việc xây dựng sản phẩm OCOP. Huyện Đông Hưng đang đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các địa phương thành lập, phát triển thêm nhiều mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới nhằm xây dựng Đông Hưng sớm có nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững, hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm đặc trưng.

Trồng cây, nuôi con đặc sản

Trước đây, 7 sào ao của gia đình ông Đặng Tất Tuân, xã Phú Châu thả cá truyền thống, hiệu quả kinh tế không cao, có năm mưa lớn nước tràn bờ cá đi hết ra cánh đồng không có thu. Ông Tuân đã đầu tư xây kè, cơi bờ cao, mạnh dạn chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Để chắc thắng, ngay từ vụ đầu ông Tuân cải tạo ao trước nuôi, tìm nguồn giống tôm chất lượng đã được thuần hóa ở cơ sở uy tín, vì vậy tôm phát triển tốt. 

Ông Tuân chia sẻ: Tôm thẻ chân trắng phù hợp với môi trường nước mặn, lợ, nuôi ở nước ngọt muốn thành công quan trọng nhất là xử lý nguồn nước. Trước khi nuôi tôi phải đưa nước đi kiểm tra, dùng nước giếng khoan phèn chua để nuôi tôm, dùng quạt tạo ô xy, cho tôm ăn đủ lượng thức ăn không để dư thừa, kiểm tra nước hàng ngày bảo đảm độ pH theo quy định, diệt khuẩn kịp thời để tôm không bị bệnh. Nuôi cá sau 1 năm mới thu được khoảng 30 triệu đồng, giờ thả 5 vạn tôm thẻ chân trắng chưa đầy 3 tháng đã thu được trên 30 triệu đồng, 1 năm có thể nuôi 2 - 3 lứa tôm thẻ chân trắng. Giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần nuôi cá, nuôi tôm thẻ chân trắng đã mở ra hướng làm giàu mới cho gia đình ông Tuân và các hộ nông dân ở địa phương này.

Với diện tích trên 1 mẫu thanh long, bà Nguyễn Thị Miên, xã Hồng Bạch (Đông Hưng) mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Với mục đích làm giàu mà không phải ly hương, bà Nguyễn Thị Miên, xã Hồng Bạch lựa chọn trồng cây thanh long ruột đỏ. Bà Miên tâm sự: Trước đây gia đình thay đổi nhiều loại cây trồng như lúa, dưa hấu, dưa kim cô nương và các loại rau màu khác nhưng thu nhập vẫn thấp. Nay vẫn trên diện tích đó gia đình trồng chuyên canh cây thanh long ruột đỏ lại cho thu nhập cao gấp nhiều lần. Thanh long thời gian từ khi trồng đến khi được thu hoạch mất hơn một năm song lại cho thu 4 - 5 lứa quả/năm, hàng chục năm mới phải trồng lại. Với diện tích trên 1 mẫu thanh long, mỗi năm gia đình thu nhập hàng trăm triệu đồng, giải quyết việc làm cho một số lao động mùa vụ tại địa phương.

Giá trị sản xuất ngành nông, thủy sản của huyện Đông Hưng 3 năm qua đạt gần 11.000 tỷ đồng, nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 61 triệu đồng/năm. Để tận dụng thế mạnh của địa phương, huyện tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích nông dân tiếp tục mạnh dạn đưa những cây, con có giá trị kinh tế cao vào nuôi, trồng gắn với sản xuất theo chuỗi, sản xuất an toàn sinh học, an toàn thực phẩm.



Hiếu Nghĩa