Đông Hưng: Bứt phá phát triển kinh tế
Video: 20923-DONG_HUNG_PHAT_TRIEN_KINH_TE.mp4?_t=1695208225
Đầu tư phát triển các cụm công nghiệp
Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại bảo hộ lao động Lan Phú đi vào hoạt động tại cụm công nghiệp (CCN) Đông La được gần 2 năm, luôn duy trì ổn định sản xuất các mặt hàng gia dụng như túi, hộp, miếng lót nồi, giày da... xuất khẩu, giải quyết việc làm cho trên 400 công nhân, mức lương 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Mạnh Duân, Giám đốc Công ty chia sẻ: Việc sản xuất trong khu dân cư chật hẹp, hàng hóa không đủ tiêu chuẩn xuất sang Mỹ, vì vậy Công ty quyết định chuyển vào CCN Đông La. Có sự quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện của huyện và nhà đầu tư hạ tầng, Công ty nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, xây dựng nhà xưởng rộng rãi, thoáng mát, đầu tư máy móc hiện đại. Việc vận chuyển hàng hóa, thu hút lao động có tay nghề, môi trường làm việc, tăng ca... đều thuận tiện nên công suất, chất lượng sản phẩm được nâng lên, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ. Trung bình mỗi tháng Công ty sản xuất 60.000 đôi giày, 100.000 sản phẩm khác, đạt doanh thu hàng tỷ đồng. Công ty phấn đấu năm 2023 hàng xuất sang thị trường Mỹ đạt 1 triệu USD.
Thời gian qua, huyện Đông Hưng đã đẩy mạnh quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển các CCN nhằm thu hút các doanh nghiệp nằm phân tán ở các địa phương, khu vực nông thôn vào tổ chức sản xuất tập trung, sản xuất xanh, bền vững.
Ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp huyện cho biết: Từ năm 2021 đến nay, huyện Đông Hưng đã thu hút được 5 nhà đầu tư hạ tầng CCN, hoàn thành việc thành lập và quy hoạch chi tiết 9/9 CCN tập trung với tổng diện tích 515,7ha, thu hút 137 dự án đầu tư, trong đó có 122 dự án đã đi vào sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho trên 12.000 lao động, thu nhập của người lao động trong CCN từ 5 - 10 triệu đồng/tháng. Không dừng lại ở việc chỉ đạo quyết liệt, sớm bàn giao mặt bằng sạch nhất cho doanh nghiệp triển khai dự án, cải cách thủ tục hành chính, hàng năm lãnh đạo huyện đều tổ chức gặp mặt, đối thoại với các doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021 - 2023 của huyện ước đạt trên 23.000 tỷ đồng, đạt 51,1% kế hoạch đề ra.
Nhiều dự án thứ cấp đầu tư vào cụm công nghiệp Đông La đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.
Phát triển bền vững nghề, làng nghề
Trên địa bàn huyện Đông Hưng hiện đang duy trì, phát triển 9 làng nghề ở 5 xã và rất nhiều nghề truyền thống, nghề mới được du nhập làm ra các sản phẩm độc đáo, thân thiện với môi trường, xuất khẩu đi nhiều nước như đan bèo tây, ống hút cỏ bàng, mây tre... Giá trị sản xuất từ nghề, làng nghề mang lại lớn, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông nhàn, góp phần thay đổi diện mạo các làng quê, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Trong đó, làng nghề sản xuất bánh kẹo ở xã Nguyên Xá nhộn nhịp quanh năm với khoảng trên 1.500 hộ tham gia, trong đó có khoảng gần 100 cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn. Nhờ phát triển nghề sản xuất bánh kẹo, nhất là bánh cáy - thương hiệu không dừng lại ở Nguyên Xá mà còn của Thái Bình, Nguyên Xá đã trở thành một trong những xã dẫn đầu về phát triển kinh tế của huyện. Đặc biệt, bánh kẹo làng Nguyễn của Nguyên Xá có 11 sản phẩm của 2 cơ sở được tỉnh công nhận OCOP 4 sao - làng nghề có nhiều sản phẩm OCOP nhất tỉnh.
Ông Trần Văn Đức, chủ xưởng chế biến thực phẩm bánh kẹo Thiên Đức, xã Nguyên Xá cho biết: Ban đầu xưởng sản xuất thủ công, bán ra với số lượng ít nhưng đến nay bánh cáy Thiên Đức đã có mặt ở khắp cả nước, có 5 sản phẩm đạt OCOP 4 sao. Để duy trì, phát triển nghề truyền thống, tăng sức cạnh tranh, gia đình đã đầu tư hàng tỷ đồng mở rộng xưởng, mua hệ thống máy móc hiện đại sản xuất bánh trên dây chuyền tự động; cải tiến mẫu mã, thu nhỏ kích thước sản phẩm thuận tiện cho việc thưởng thức bánh của mọi người, bảo quản được lâu hơn. Hiện xưởng sản xuất 30 tấn/tháng, giải quyết việc làm cho trên 70 lao động.
Đan bèo tây xuất khẩu ở xã Minh Phú (Đông Hưng) là nghề mới du nhập song đang được mở rộng ra các địa phương khác.
Chăn nuôi an toàn, quy mô lớn
Trong khi nhiều người bỏ ruộng đi làm nghề khác để làm giàu thì ông Bùi Văn Tuân, xã Hà Giang lại bỏ nghề vận tải du lịch trở về quê đầu tư hàng tỷ đồng thuê đất, xây dựng chuồng trại kiên cố, trồng cỏ voi, nuôi bò thương phẩm. Ông Tuân chia sẻ: Từ năm 2020 tôi tích tụ 3ha, xây chuồng trại trên diện tích gần 2ha nuôi 55 con bò sinh sản và bê, tôi luôn giữ lại bê cái nhằm nhân đàn, diện tích còn lại tôi trồng cỏ voi làm thức ăn cho bò. Để phòng bệnh cho vật nuôi, bảo đảm môi trường, tôi thường sử dụng đệm lót sinh học xử lý phân bò, mua rơm dự trữ cho bò ăn vừa tiết kiệm chi phí vừa góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Tôi lắp camera quanh trang trại nhằm hỗ trợ việc quản lý, theo dõi tình trạng của đàn bò, quá trình chăm sóc, cho bò ăn của lao động và chống trộm.
Trang trại của ông Tuân được huyện Đông Hưng chọn là 1 trong 2 “trang trại lõi” thực hiện đề án phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo, vì vậy huyện có sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời để trang trại phát triển. Huyện cũng đang tập trung chỉ đạo phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại gắn với chăn nuôi an toàn sinh học, nuôi gia súc, gia cầm có năng suất, chất lượng cao, làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Đến nay, toàn huyện có 84 trang trại chăn nuôi, 2 HTX và 4 tổ hợp tác chăn nuôi với tổng đàn 2,2 triệu con.
Phát triển kinh tế nhanh, bền vững
Bằng những giải pháp đồng bộ, linh hoạt, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI và nghị quyết đại hội đảng các cấp, Đông Hưng đã cơ bản đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, trong đó có những chỉ tiêu vượt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 10,7%/năm, vượt chỉ tiêu Đại hội đề ra. Trong 3 lĩnh vực chính thì giá trị sản xuất bình quân nông nghiệp, thủy sản tăng 2,9%/năm (chỉ tiêu Đại hội là 2,86%), đặc biệt giá trị sản xuất công nghiệp tăng 18,3%/năm (chỉ tiêu Đại hội là 14,38%). Thu nhập bình quân đầu người của huyện năm 2023 ước đạt 61 triệu đồng/năm. Huyện cũng tập trung chỉ đạo quyết liệt, ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ tạo điều kiện để các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Ông Tô Xuân Thức, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Nửa nhiệm kỳ còn lại, Đông Hưng vẫn kiên trì thực hiện mục tiêu: Khai thác mọi nguồn lực, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với bảo đảm an sinh xã hội. Trên cơ sở đó, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với những sản phẩm đặc thù địa phương, xây dựng sản phẩm OCOP, gắn kết sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm và du lịch cộng đồng. Làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư lấp đầy các CCN. Cùng với đó, chú trọng phát triển lĩnh vực thương mại, dịch vụ, triển khai xây dựng các khu đô thị đã được tỉnh phê duyệt...
Thu Hiền
Tin cùng chuyên mục
- Chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng tổ chức hội chợ nông nghiệp quốc tế đồng bằng Bắc bộ năm 2024 12.11.2024 | 17:31 PM
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc thăm Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng 02.12.2023 | 19:09 PM
- UBND tỉnh: Nghe báo cáo triển khai dự án đường dây 500kV qua địa phận tỉnh Thái Bình 16.11.2023 | 17:24 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Hơn 260 doanh nghiệp huyện Hưng Hà tham gia khảo sát Bộ chỉ số DDCI 15.08.2023 | 16:03 PM
Xem tin theo ngày
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai
- UBND tỉnh làm việc với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Kiểm điểm tập thể, cá nhân các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh năm 2024