Chủ nhật, 24/11/2024, 02:06[GMT+7]

Nỗi lo “sức khỏe” doanh nghiệp

Thứ 7, 23/09/2023 | 12:12:01
8,908 lượt xem
“Sức khỏe” của doanh nghiệp được đo bằng khả năng hấp thụ vốn và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh rơi vào tình trạng suy giảm cả hai chỉ số này. Đây thực sự là điều đáng lo ngại.

Nhiều doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đón đầu thị trường tết và đầu năm mới 2024. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Kỹ thuật hoạt hình First Union Việt Nam (cụm công nghiệp Thụy Sơn, huyện Thái Thụy).

Đơn hàng giảm, sản xuất, kinh doanh khó khăn

Bước vào năm 2023, mặc dù đã lường trước những khó khăn phải đối mặt song có lẽ đến thời điểm này nhiều doanh nghiệp (DN) không nghĩ nó lại kéo dài đến vậy. Khó khăn lớn nhất chính là DN thiếu đơn hàng sản xuất, xuất khẩu do cả thị trường trong nước và nước ngoài suy giảm mạnh. 

Ông Vũ Duy Hân, Giám đốc Công ty TNHH Dệt may Trường Sơn Thịnh (cụm công nghiệp Mê Linh, huyện Đông Hưng) chia sẻ: Các thị trường xuất khẩu như Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu nhu cầu tiêu dùng năm nay đều giảm dẫn tới đơn hàng sản xuất ký chỉ ở mức nhỏ lẻ, đơn giá thấp, số lượng đơn hàng giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022. Suốt từ đầu năm đến nay chúng tôi cố gắng tìm mọi cách để duy trì việc làm cho người lao động chứ không nghĩ đến lợi nhuận. Điều lo lắng nữa là DN mới đầu tư hơn 50 tỷ đồng xây dựng, lắp đặt máy móc thêm một xưởng sản xuất mới nhưng chưa thể vận hành hết năng lực, điều đó đang gây khó khăn về tài chính.

Dệt may là ngành hàng xuất khẩu chủ lực, chiếm tới gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tuy nhiên, 8 tháng đầu năm, hầu hết các DN đều gặp khó khăn vì thiếu đơn hàng sản xuất, chất lượng đơn hàng không cao hoặc sản xuất ra tiêu thụ chậm, lượng hàng tồn kho lớn, dòng vốn bị tắc nghẽn. Không chỉ có vậy, chi phí đầu vào từ vật tư, nguyên liệu, điện, than, xăng dầu, dịch vụ logistics đều tăng khiến DN đau đầu tính toán để cân đối sản xuất, kinh doanh. 

Ông Trần Văn Vực, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Toàn Thắng (cụm công nghiệp Đồng Tu, huyện Hưng Hà) cho biết: Năm 2018, chúng tôi đầu tư 200 tỷ đồng cho nhà máy kéo sợi với công suất 6.000 tấn sợi/năm. Từ khi đi vào hoạt động đến nay đều gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế thế giới. Không xuất khẩu được sợi, hiện nay nhà máy chỉ hoạt động 30% công suất để tự phục vụ dệt khăn bông và găng tay bảo hộ của Công ty. Ưu tiên số một của DN là duy trì sản xuất, giữ chân người lao động và trả vốn vay ngân hàng, không có nhu cầu vay phát triển mở rộng sản xuất.

Tình trạng sản xuất cầm chừng của các DN có thể nhìn thấy qua lượng nguyên liệu nhập về đang giảm ở mức đáng báo động. 8 tháng đầu năm nay, tính riêng DN xuất nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu của các DN may mặc chỉ đạt gần 250 triệu USD, DN thực phẩm nông sản 3,3 triệu USD, DN dệt 8,2 triệu USD, DN xơ polyester 2,6 triệu USD, DN sợi, manh đay 104 triệu USD, DN da giày 71,4 triệu USD... Tổng kim ngạch nhập khẩu của các DN 8 tháng ước đạt 1.268 triệu USD, giảm 18,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Công ty TNHH Dệt may Trường Sơn Thịnh (cụm công nghiệp Mê Linh, huyện Đông Hưng) đang gặp khó khăn về đơn hàng và chi phí sản xuất tăng cao.

Sức hấp thụ vốn yếu

Sản xuất cầm chừng, dòng vốn của DN lưu chuyển chậm, nhu cầu vay vốn giảm. Thông thường, vào thời điểm này các DN sẽ huy động vốn để đẩy mạnh sản xuất phục vụ thị trường tết và dịp đầu năm mới. Tuy nhiên, với những khó khăn chưa dừng lại, DN thận trọng trong việc quyết định đầu tư mở rộng sản xuất. 

Ông Phạm Bách Tùng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Kỹ thương Thiên Hoàng, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Tiền Hải chia sẻ: Chưa bao giờ hoạt động vay vốn của DN tại các ngân hàng lại trầm lắng như hiện nay. Các giao dịch chủ yếu là DN trả lãi, trả đáo hạn hoặc xin gia hạn kỳ trả nợ do gặp khó khăn. Thiếu đơn hàng sản xuất, lưu chuyển hàng hóa ách tắc là nguyên nhân chính khiến DN không dám nghĩ đến huy động thêm vốn phát triển sản xuất lúc này.

Sức hấp thụ vốn của DN yếu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đến hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng. Nhiều ngân hàng cho biết, để kích thích tăng trưởng tín dụng, từ đầu năm đến nay đã thực hiện nhiều đợt giảm lãi suất. Đơn cử như Vietcombank chi nhánh Thái Bình đã thực hiện giảm lãi suất 3 lần với tổng mức giảm 1,5%/năm. Các ngân hàng khác như Techcombank, Oceanbank, VietinBank, BIDV... cũng hạ lãi suất và tăng cường tuyên truyền, vận động DN hợp tác vay vốn.

Với tổng dư nợ cho vay gần 17.500 tỷ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh tỉnh Thái Bình chiếm khoảng 20% thị phần tổng dư nợ cho vay của 28 ngân hàng trên địa bàn tỉnh. 

Ông Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Thái Bình cho biết: Chia sẻ với những khó khăn của DN, thời gian qua chúng tôi đã thực hiện cơ cấu gia hạn kỳ trả nợ và phân kỳ trả nợ cho 20% số DN, thực hiện hạ lãi suất bình quân giảm 1,5%/năm cho các khách hàng và sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với các gói dành cho DN vừa và nhỏ, DN xuất khẩu từ nay đến cuối năm 2023. Đặc biệt, sau khi làm việc, trao đổi với một số hội DN các huyện, thành phố, để tháo gỡ khó khăn cũng như đáp ứng nhu cầu tăng vốn phục hồi sản xuất cho DN, song song với cho vay thế chấp tài sản, Agribank chi nhánh tỉnh Thái Bình quyết định cho vay tín chấp với mức tối đa bằng 50% của dư nợ món vay thế chấp. Ngoài ra, chúng tôi còn hỗ trợ phí cho vay và có nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn khác cho các DN khách hàng với hy vọng đồng hành, sẻ chia, hỗ trợ cùng DN vượt qua giai đoạn khó khăn này.

8 tháng đầu năm 2023, Công ty TNHH May Hualida Thái Bình có kim ngạch nhập khẩu chỉ đạt gần 19 triệu USD.

Cần một lực đẩy

Do gặp nhiều khó khăn, không ít DN gần như chỉ biết cầm cự chờ thị trường khởi sắc để có thể quay trở lại hoạt động. Trong khi đó, nhiều DN lại lạc quan cho rằng vào đầu năm 2024 tình hình thị trường sẽ tốt lên, nên ngay từ bây giờ cùng với việc sắp xếp, tái cấu trúc DN, công tác chuẩn bị nguồn lực sản xuất rất quan trọng để có thể bắt nhịp tăng trưởng và phục hồi sản xuất ngay.

Trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh suy giảm, để giúp DN trở lại “đường đua”, nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra khuyến nghị, bên cạnh các DN tự “đại phẫu thuật” những bất hợp lý trong quản trị, đầu tư, vận hành sản xuất, kinh doanh dẫn tới kém hiệu quả thì hệ thống ngân hàng cũng cần đồng hành tiếp sức bằng những chính sách tín dụng cụ thể, khả thi như tiếp tục giảm lãi suất, cơ cấu gia hạn, giãn nợ, bám sát DN, kịp thời đánh giá phương án kinh doanh của DN để cho vay...

Mới đây, chia sẻ về giải pháp hỗ trợ DN hấp thụ vốn và thúc đẩy tăng tưởng tín dụng cho hệ thống ngân hàng, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nêu: Để giải quyết bài toán nâng cao khả năng hấp thụ vốn của DN, không thể dựa vào mỗi chính sách tiền tệ mà cần lực đẩy từ nhiều phía. Biện pháp quan trọng nhất lúc này là tăng tổng cầu nền kinh tế, giải quyết hàng tồn kho của DN thông qua tăng cầu tiêu dùng, nâng sức mua. Cùng với đó là thúc đẩy xuất khẩu thông qua việc tập trung khai thác, vận dụng và phát huy hiệu quả các hiệp định thương mại tự do FTA mà Việt Nam đã ký kết để đa dạng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa cho DN.

Khắc Duẩn