Thứ 6, 15/11/2024, 20:09[GMT+7]

Hồng Phong Chuyển đổi hình thức nuôi tằm để giữ nghề truyền thống

Thứ 5, 11/07/2013 | 10:27:36
3,192 lượt xem
Mỗi năm, nông dân Hồng Phong xuất ra thị trường hơn 350 tấn nhộng, tằm và thu về trên 27 tỷ đồng, chiếm 30% tổng giá trị sản xuất của cả xã. Sự năng động trong cách làm của nông dân nơi đây đã giúp bà con làm giàu từ con tằm và giữ gìn, phát triển nghề truyền thống của địa phương.

Nông dân xã Hồng Phong (Vũ Thư) thu hái lá dâu nuôi tằm. Ảnh: Ngọc Linh

Chúng tôi tìm đến gia đình ông Trần Văn Phát ở thôn Thái Phú Thọ, xã Hồng Phong (Vũ Thư). Gia đình được bà con phong là “vua kén tằm” của xã vì trong nhà ông lúc nào cũng nuôi từ 35 nong tằm trở lên, sản lượng kén tằm mỗi năm đạt gần 2 tấn. Vừa cho tằm ăn, ông Phát vừa chia sẻ: cách đây 3 năm, cũng như hàng trăm hộ dân trong xã, gia đình ông lao đao vì giá tằm tơ liên tiếp xuống thấp. Thêm vào đó, thời tiết nắng nóng kéo dài làm cho tằm bị bệnh, giá con giống đắt, lại không chủ động được để phát triển gối lứa. Đã có thời điểm, bà con nông dân đốn dâu trước vụ để trồng rau màu tăng thu nhập. Nghề trồng dâu, nuôi tằm bị chững lại, Hồng Phong đứng trước nguy cơ mất nghề truyền thống vì người dân không sống được bằng nghề.

Thực tế này buộc nhiều người dân ngày đêm trăn trở tìm hướng đi mới cho cây dâu, con tằm. Với sự nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu của thị trường, gia đình ông Phát và một số hộ khác trong xã đi đầu trong chuyển đổi từ nuôi tằm kén vàng lấy tơ sang nuôi tằm kén ré làm thực phẩm. Ông Phát cho biết: “Con tằm kén ré dễ nuôi hơn vì chịu được khí hậu nóng ẩm. Các gia đình đều chủ động được nguồn giống vì có thể tự ươm nuôi tại nhà. Quan trọng nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm tằm, nhộng rất thuận lợi với giá cao”. Chỉ từ đầu vụ đến nay, gia đình ông Phát đã xuất được gần 8 tạ kén. Với giá bán 81.000 đồng/kg, gia đình ông thu về hơn 60 triệu đồng.

Ông Trần Văn Chuyển, Trưởng thôn Thái Phú Thọ khẳng định: Hiện nay, cả xã tập trung chuyển đổi sang hình thức nuôi tằm làm thực phẩm cung cấp cho thị trường. Mỗi thôn có từ 2 đến 3 người đứng ra làm đại lý thu mua, mang đi tiêu thụ ở trong và ngoài tỉnh, với giá ổn định từ 80.000 - 85.000 đồng/kg kén và 280.000 - 300.000 đồng/kg tằm. Ông Chuyển cho biết thêm: “Nuôi con tằm kén ré làm thực phẩm cho hiệu quả kinh tế cao gấp 1,5 lần so với nuôi tằm lấy tơ trước đây (vào thời điểm giá tơ cao). Ngoài thu nhập từ bán tằm, nhộng; bà con nông dân còn bán được cả phân tằm dùng để chăm bón cây cảnh với giá 50.000 đồng/10 kg. Số tiền này cũng đủ để bà con mua lá dâu nuôi một lứa tằm”.

Về Hồng Phong những ngày này, đi đến nhà nào cũng thấy người dân hối hả hái dâu, chăm sóc tằm và ra né. Ông Lê Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Phong cho biết: Cả xã có gần 450 ha đất nông nghiệp thì có tới trên 270 ha trồng dâu để nuôi tằm. Việc chuyển đổi hình thức nuôi tằm của nông dân nơi đây đã cứu cho hàng trăm héc ta dâu không bị xóa sổ như nhiều địa phương khác. Sản phẩm kén, tằm là thực phẩm sạch, giàu hàm lượng đạm và bổ dưỡng nên được người tiêu dùng đặc biệt ưa chuộng. Sản lượng nhộng và tằm của nông dân Hồng Phong làm ra không đủ để cung cấp cho thị trường. “Để nhân dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị thu nhập từ nghề trồng dâu nuôi tằm, cấp ủy đảng, chính quyền xã tập trung chỉ đạo đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ vùng trồng dâu. Các đoàn thể đứng ra tín chấp cho các hộ có nhu cầu vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển nghề truyền thống” - ông Kiên nói.

Mỗi năm, nông dân Hồng Phong xuất ra thị trường hơn 350 tấn nhộng, tằm và thu về trên 27 tỷ đồng, chiếm 30% tổng giá trị sản xuất của cả xã. Sự năng động trong cách làm của nông dân nơi đây đã giúp bà con làm giàu từ con tằm và giữ gìn, phát triển nghề truyền thống của địa phương.

                        Khắc Duẩn

                   (Đài Truyền thanh Vũ Thư)

  • Từ khóa