Thứ 7, 23/11/2024, 23:19[GMT+7]

Cầm "sổ hồng", lòng phấn khởi

Thứ 4, 25/10/2023 | 16:50:33
9,148 lượt xem
Trước những vướng mắc, tồn đọng trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), gần đây huyện Vũ Thư triển khai cách làm mới, đó là điều động cán bộ về cơ sở để hỗ trợ nhân dân thực hiện các thủ tục cấp GCNQSDĐ lần đầu. Trong đó, xã Trung An đã và đang áp dụng thí điểm hoạt động này.

Lãnh đạo UBND huyện Vũ Thư trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 40 hộ dân đầu tiên của xã Trung An.

Khát khao “sổ hồng”

Gia đình ông Trần Xuân Hùng, thôn Lang Trung nhiều năm qua làm nhà, sinh sống trên mảnh đất của cha ông để lại nhưng chưa có giấy tờ pháp lý. Năm 2005, ông đấu giá QSDĐ thêm 2 lô đất ở cùng địa bàn thôn. Trên thực tế, hàng chục năm qua, gia đình ông Hùng vẫn là chủ 3 thửa đất trên nhưng về mặt pháp lý thì ông Hùng chưa được công nhận do chưa có GCNQSDĐ. Theo đó, các quyền, lợi ích hợp pháp liên quan đến 3 mảnh đất của ông Hùng bị ảnh hưởng.

Năm 2005, gia đình ông Hoàng Trọng Điệp, xã Vũ Phúc (thành phố Thái Bình) tham gia đấu giá QSDĐ 6 lô đất ở thôn Lang Trung. Gần 20 năm qua, ông Điệp nhiều lượt đi lại, làm thủ tục xin cấp GCNQSDĐ cho các thửa đất của mình nhưng không thể thực hiện được. Không có GCNQSDĐ, ông Điệp không thể thế chấp tài sản, vay vốn ngân hàng, hoạt động sản xuất, kinh doanh của gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vậy, ông Điệp luôn mong mỏi có được “sổ hồng”, tức GCNQSDĐ cho các thửa đất của mình.

Xã Trung An có 4 thôn với hơn 2.000 hộ dân. Qua thống kê, đến nay số hộ dân của xã đã có GCNQSDĐ chỉ chiếm tỷ lệ gần 10%. Hơn 90% hộ dân còn lại chưa có và luôn mong mỏi được Nhà nước cấp GCNQSDĐ cho diện tích đất ở của gia đình. 

Lý giải điều này, ông Phùng Văn Tạo, thôn An Lộc chia sẻ: Hiện nay, đất đai, nhà cửa là một trong những tài sản lớn của người dân. Khi có GCNQSDĐ, người dân tự tin hơn vì thửa đất này đã được Nhà nước quản lý, quyền, lợi ích hợp pháp của người dân được bảo vệ. Ở nông thôn, nông dân không dễ dàng huy động tài chính khi cần thiết, nếu có GCNQSDĐ, bà con sẽ thuận lợi hơn hẳn trong việc vay vốn ngân hàng. Có GCNQSDĐ cũng giúp người dân chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế đất đai cho con cháu theo đúng quy định của pháp luật, tránh các mâu thuẫn có thể phát sinh về sau. Với rất nhiều ý nghĩa nhưng nhiều năm qua, người dân Trung An gặp nhiều khó khăn, phiền hà khi thực hiện các thủ tục đăng ký cấp GCNQSDĐ. Bởi vậy, được cầm trên tay GCNQSDĐ luôn là khát khao của người dân địa phương.

Đo đạc phục vụ công tác cấp GCNQSDĐ tại Trung An.

Đột phá trong cách làm

Với rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp GCNQSDĐ lần đầu như: hồ sơ dữ liệu địa chính không đầy đủ; đất đai biến động thường xuyên; việc giải quyết thủ tục hành chính trong cấp GCNQSDĐ còn nhiều bất cập; trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ huyện, xã chưa cao… Nếu vẫn duy trì cách làm cũ, mỗi năm huyện Vũ Thư cấp mới được từ 300 - 500 GCNQSDĐ cho người dân. Với tốc độ này, để hoàn thành việc cấp hàng chục nghìn GCNQSDĐ cho các hộ dân toàn huyện, sẽ cần hàng chục năm nữa. Như vậy, mong mỏi, khát khao được cấp GCNQSDĐ của người dân Vũ Thư chỉ là mơ ước xa vời.

Để giải bài toán khó về cấp GCNQSDĐ lần đầu, đến nay Vũ Thư là huyện duy nhất của tỉnh mạnh dạn, tiên phong triển khai thí điểm công tác cấp GCNQSDĐ lần đầu tại cơ sở. Huyện thành lập Ban Chỉ đạo cấp GCNQSDĐ, huy động các đồng chí lãnh đạo, trưởng các phòng, ngành, địa phương vào cuộc để tháo gỡ khó khăn, khắc phục tồn đọng, đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ lần đầu cho các hộ gia đình. Trong đó, với sự nhiệt tình, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền xã, thôn, Trung An đã được huyện chọn làm điểm, từ cuối tháng 7/2023 bắt đầu triển khai công tác cấp GCNQSDĐ lần đầu tại cơ sở.

Ông Nguyễn Tống Thìn, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Ban thường trực Ban Chỉ đạo cấp GCNQSDĐ huyện Vũ Thư cho biết: Thay vì người dân “lên” huyện thì cán bộ huyện “về” tận thôn, xã để triển khai công tác cấp GCNQSDĐ cho nhân dân Trung An. Cả hệ thống chính trị từ huyện, xã, thôn cùng vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, thực sự đoàn kết, thống nhất, đã trở thành sức mạnh, gỡ được nhiều nút thắt, vướng mắc tồn đọng trong công tác cấp GCNQSDĐ mà hàng chục năm qua không thể xử lý được.

Trước khi triển khai, huyện phối hợp với xã khẩn trương rà soát, tập hợp toàn bộ dữ liệu về đất đai của từng hộ dân trên địa bàn xã. Công tác cấp GCNQSDĐ được tuyên truyền, phổ biến đến từng thôn. Khi nhân dân đến đăng ký thủ tục cấp GCNQSDĐ lần đầu sẽ được cán bộ huyện, xã kiểm tra, đối chứng, phân loại từng hồ sơ. Ngoài đội ngũ nhân lực, huyện trang bị máy tính, máy in về tận cơ sở phục vụ nhiệm vụ. Vì vậy, người dân rất dễ dàng, thuận lợi khi làm thủ tục cấp GCNQSDĐ. Tất cả các khâu, các bước triển khai đều được Ban Chỉ đạo huyện, xã tính toán kỹ lưỡng, triển khai gấp rút, tận dụng tối đa, không để nhân dân phải chờ đợi, mong ngóng lâu.

 “Để bảo đảm tiến độ triển khai, rất nhiều thành viên Ban Chỉ đạo huyện, Ban Chỉ đạo xã phải làm việc với cường độ cao, không quản ngại làm việc đến đêm khuya, không có ngày thứ 7, chủ nhật, không tính giờ làm việc. Cá nhân tôi, 2 tháng cao điểm triển khai công tác cấp GCNQSDĐ tại Trung An, tôi đã tình nguyện làm việc, ăn nghỉ, sinh hoạt tại cơ sở, sẵn sàng có mặt 24/24 giờ để phục vụ nhân dân, triển khai nhiệm vụ cấp GCNQSDĐ” - ông Phạm Duy Long, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, Thư ký Ban Chỉ đạo cấp GCNQSDĐ huyện Vũ Thư chia sẻ.

Khó khăn lớn nhất mà huyện, xã gặp phải trong quá trình thực hiện công tác cấp GCNQSDĐ tại Trung An là cơ sở dữ liệu đất đai thiếu trong khi quá trình sử dụng đất đai của người dân luôn biến động. Do vậy, một trong những cách làm sáng tạo và bảo đảm quy định của pháp luật là huyện, xã thành lập hội đồng thẩm định, có đại diện cấp ủy, chính quyền cơ sở và người dân ở các khu dân cư tham gia xét duyệt hồ sơ đất đai của từng hộ, nhằm bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch. Do vậy, công tác cấp GCNQSDĐ mặc dù là vấn đề nhạy cảm, phức tạp nhưng Trung An đã tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân.

Niềm vui được nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân xã Trung An.

Người dân hưởng lợi

Sau gần 20 năm mong ngóng, đến nay được cầm trên tay “sổ hồng” - GCNQSDĐ cho mảnh đất 81m2 của gia đình, ông Nguyễn Văn Cường, thôn Lang Trung xúc động chia sẻ: Đây là lô đất mà gia đình tôi trúng đấu thầu của xã từ năm 2005 nhưng đến nay mới được cấp GCNQSDĐ. Tôi rất phấn khởi, từ giờ có thể yên tâm thừa kế mảnh đất cho con trai, để các con xây dựng nhà cửa, ổn định chỗ ở.

Bắt đầu triển khai từ cuối tháng 7/2023, đến nay xã Trung An đã thu 1.200 hồ sơ đăng ký cấp GCNQSDĐ tại 4/4 thôn trong xã. Huyện, xã đã hoàn thành rà soát, phân loại 100% hồ sơ; phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thành trích đo cho gần 200 thửa đất tại thôn Lang Trung. Ban Chỉ đạo xã đã xét duyệt gần 100 hồ sơ đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ, đã trình UBND huyện thẩm định. Trong đó, ngày 1/10 vừa qua, huyện Vũ Thư đã cấp được 40 GCNQSDĐ đầu tiên cho người dân Trung An từ hoạt động cấp GCNQSDĐ thí điểm tại xã. Đây đều là các hộ thực hiện đấu giá các lô đất của xã từ năm 2005, hồ sơ bị thất lạc, tồn đọng suốt gần 20 năm qua, vì vậy đã tạo tâm lý phấn khởi, động lực lớn để các hộ dân tiếp tục ủng hộ, tham gia. Các hồ sơ còn lại đang được công khai và bổ sung thủ tục theo quy định, tiếp tục cấp GCNQSDĐ cho nhân dân.

“Quá trình thực hiện công tác cấp GCNQSDĐ tại cơ sở vô cùng khó khăn, vất vả, có nhiều tình huống phát sinh, có cả những tồn tại do yếu tố lịch sử để lại. Tuy nhiên, chứng kiến những mong mỏi, nguyện vọng của nhân dân thành hiện thực, những nụ cười rạng rỡ khi nhận GCNQSDĐ của bà con, chúng tôi vô cùng phấn khởi và sẽ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu từng bước cấp toàn bộ GCNQSDĐ theo nhu cầu đăng ký của nhân dân” - ông Nguyễn Văn Trịnh, Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban Chỉ đạo cấp GCNQSDĐ xã Trung An cho biết.

Bà Phạm Thị Như Phong, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ đạo cấp GCNQSDĐ huyện Vũ Thư

Xác định triển khai công tác cấp GCNQSDĐ lần đầu tại cơ sở là cấp ủy, chính quyền huyện, xã tự nhận việc khó về mình. Tuy nhiên, vì quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, chúng tôi sẵn sàng đối mặt với khó khăn, thử thách. Thành công bước đầu ở Trung An là động lực và kinh nghiệm để huyện tiếp tục triển khai công tác cấp GCNQSDĐ ở Tân Phong và toàn huyện, góp phần tháo gỡ vướng mắc, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Miên, Bí thư Chi bộ thôn Lang Trung, xã Trung An

Chúng tôi huy động cán bộ, đảng viên, người cao tuổi, người có uy tín trong khu dân cư, nhân dân tích cực phối hợp, tham gia cùng huyện, xã trong khâu thẩm định nguồn gốc, lịch sử sử dụng của từng thửa đất. Nhân dân được “biết, bàn, làm, kiểm tra” nên rất phấn khởi, tích cực phối hợp, góp sức cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện công tác cấp GCNQSDĐ.

Bà Hoàng Thị Khuyên, thôn Bồn Thôn, xã Trung An

Trước kia, chúng tôi phải lên huyện, lên xã rất nhiều lượt nhưng không thể làm được GCNQSDĐ. Giờ đây, tất cả các thủ tục cấp GCNQSDĐ ở cơ sở, rất thuận tiện, nhanh chóng, chúng tôi rất phấn khởi, cảm ơn cấp ủy, chính quyền các cấp và mong rằng các thửa đất khác đủ điều kiện trên địa bàn xã sẽ sớm được cấp GCNQSDĐ.


Quỳnh Lưu