Thứ 6, 15/11/2024, 20:09[GMT+7]

Thái Thụy Chuyển biến sau 5 năm thực hiện nghị quyết “Tam nông”

Thứ 5, 18/07/2013 | 10:56:43
1,669 lượt xem
5 năm qua, Thái Thụy đã huy động nhiều nguồn lực thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết “Tam nông”). Nhiều chính sách của Trung ương, tỉnh và của huyện vì mục tiêu phát triển nông thôn giàu mạnh đã thổi luồng sinh khí làm thay đổi diện mạo các vùng quê, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Điểm nổi bật nhất là sau dồn điền đổi thửa, đồng ruộng được chỉnh trang, từ vụ mùa năm 2012 Thái Thụy đã quy vùng, xây dựng 12 mô hình cánh đồng mẫu tổng diện tích 834 ha, cấy liền vùng, cùng trà với một giống lúa RVT. Trong ảnh: Đưa máy gặt đập liên hoàn vào thu hoạch lúa.

Năm 2005, Mỹ Lộc, vẫn là xã nghèo nhất nhì huyện Thái Thụy (đường trong khu dân cư hầu hết là đường đất, ngó trước nhìn sau chỉ thấy ngô và lúa, trụ sở UBND xã, trường học, y tế đều xuống cấp), vậy mà ít ai ngờ, chỉ sau mấy năm, Mỹ Lộc đã khoác trên mình diện mạo hoàn toàn  khác. Ông Nguyễn Văn Tuyên, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc chia sẻ: “Nhờ có Dự án Trung tâm Điện lực Thái Bình mà nhiều chính sách an sinh xã hội được thực hiện, nhà ở của người dân, các công trình điện - đường - trường - trạm được đầu tư xây dựng dần biến làng thành phố.

Thực hiện Nghị quyết “Tam nông”, 5 năm qua xã tổ chức quy hoạch lại đồng ruộng, đầu tư phát triển sản xuất, chú trọng dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động, thu nhập bình quân của người dân đạt 20 triệu đồng/người/năm. Hiện nay, địa phương đang cứng hóa 7.036 m kênh mương, 2.995 m đường ra đồng, xây dựng khu xử lý rác thải, nâng cấp một số tuyến đường giao thông… quyết tâm phấn đấu đến tháng 10/2013 sẽ về đích trong xây dựng nông thôn mới (NTM)”. Nhìn cánh đồng mẫu rộng 50 ha, lúa trĩu bông, chín vàng đến kỳ thu hoạch, anh Nguyễn Hữu Khánh ở xã Thái Hà không giấu nổi niềm vui, anh chia sẻ: “Sau dồn điền đổi thửa, vụ này tôi mạnh dạn tham gia sản xuất trên cánh đồng mẫu.

Trước đây, nhà có mấy mảnh ruộng, đến mùa vụ chạy đôn chạy đáo cực nhọc cả tháng trời, nay mọi sự đã khác, ruộng dồn lại chỉ còn 2 mảnh, bờ vùng, bở thửa to đi lại thuận tiện, máy móc đưa xuống tận ruộng. Đặc biệt, tham gia mô hình cánh đồng mẫu nông dân được hỗ trợ giống, thuốc trừ cỏ, gieo sạ tập trung, đến mùa thu hoạch, sử dụng máy thay gặt bằng tay vất vả, chỉ sau 5 đến 10 phút thóc đã về tới nhà, một số giống lúa có công ty về thu mua với giá cao nên ai cũng phấn khởi”.

Đồng chí Hà Thế Vinh, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy cho biết: Để Nghị quyết “Tam nông” thực sự đi vào cuộc sống, Thái Thụy đã xây dựng chương trình hành động sát với điều kiện thực tiễn của địa phương. Phát động sâu rộng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng mô hình dân vận khéo… để cán bộ, đảng viên và người dân có nhận thức đúng, đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Huyện xác định trước tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quy hoạch phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chú trọng đầu tư cho cả 3 vụ theo hướng: xuân muộn - mùa sớm - vụ đông rộng.

Đến nay, lúa dài ngày giảm còn 0,05% diện tích, lúa chất lượng tăng lên chiếm 30% diện tích. Điểm nổi bật nhất là sau dồn điền đổi thửa, đồng ruộng được chỉnh trang, từ vụ mùa năm 2012 Thái Thụy đã quy vùng, xây dựng 12 mô hình cánh đồng mẫu tổng diện tích 834 ha, cấy liền vùng, cùng trà với một giống lúa RVT. Ngoài ra, 9 xã đã liên kết cấy lúa giống cho các công ty giống cây trồng với diện tích hơn 500 ha. Nông dân đưa máy làm đất đa năng, máy gặt đập liên hợp, máy cấy vào đồng ruộng; diện tích lúa sạ hàng, gieo vãi đạt từ 2.000 đến 3.000 ha/vụ góp phần quan trọng giảm chi phí, giải phóng sức lao động, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Năng suất lúa trung bình hàng năm toàn huyện đạt từ 120 đến 130 tạ/ha.

Cùng với cây lúa, bà con tích cực trồng cây màu, cây vụ đông với diện tích đạt từ 7.000 đến 7.500 ha/năm. Nhiều cây trồng của Thái Thụy đến nay đã tạo được thương hiệu riêng và có thị trường tiêu thụ ổn định như: dưa hấu, salát, dưa gang, hành tỏi… Chăn nuôi tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng đã có sự chuyển biến tích cực từ chăn nuôi nhỏ lẻ, tự cấp tự túc sang sản xuất tập trung quy mô trang trại, gia trại. Hiện nay, toàn huyện có 8 khu chăn nuôi tập trung, 103 trang trại.

Đặc biệt, huyện khuyến khích nhân dân tận dụng lợi thế ven sông, ven biển mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 4.222 ha, giải quyết việc làm cho 8.200 lao động. Đối tượng nuôi dần được đa dạng, nhiều mô hình, con nuôi mới được đưa vào sản xuất đại trà như: tôm thẻ chân trắng, cá vược, cá song, ngao, ếch, cá trắm đen…đã góp phần giảm rủi ro, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Thực hiện Nghị quyết “Tam nông”, những năm qua Thái Thụy cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền, tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Ngoài cơ chế hỗ trợ của tỉnh đầu tư xây dựng hạ tầng NTM, huyện ban hành cơ chế hỗ trợ 40 triệu đồng/km cứng hóa kênh mương cấp I, hỗ trợ chỉnh trang đồng ruộng 50 triệu đồng/xã, dồn điền đổi thửa 20 triệu đồng/xã, lập quy hoạch chung 30 triệu đồng/xã… Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM trên địa bàn huyện đến nay đạt 210,096 tỷ đồng, trong đó riêng nguồn vốn huy động nhân dân đóng góp đạt 62,35 tỷ đồng. Toàn huyện có 27 xã đạt 11 tiêu chí NTM trở lên, 1 xã đạt 10 tiêu chí, 8 xã đạt 9 tiêu chí, 5 xã đạt 8 tiêu chí, 5 xã đạt 7 tiêu chí, 2 xã đạt 6 tiêu chí.

Trong đó, 16 xã đủ điều kiện được tỉnh lựa chọn hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng NTM năm 2013. Dự kiến, năm nay Thái Thụy sẽ có 3 xã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM là Thụy Văn, Thụy Phúc và Mỹ Lộc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân toàn huyện trong 5 năm (2008 - 2012) đạt trên 13%/năm. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên. Năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 7,04%; 78,6% số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; 73 thôn làng đạt danh hiệu thôn làng văn hóa.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa