Thứ 5, 14/11/2024, 23:30[GMT+7]

Hướng tới nền nông nghiệp xanh

Thứ 6, 17/11/2023 | 15:51:47
7,783 lượt xem
Phát triển nông nghiệp bền vững là vấn đề được tỉnh quan tâm, đã đặt ra định hướng với các giải pháp phù hợp nhằm đạt mục tiêu chung trong kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025. Do vậy, liên kết vùng phát triển hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp trong nông nghiệp được quan tâm triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Thái Bình có khoảng 8.000ha/vụ lúa sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật.

Kinh tế tuần hoàn

Cánh đồng Cửa Lầu, thôn Đa Cốc, xã Bình Thanh (Kiến Xương) rộng hơn 12ha từ nhiều năm qua được người dân cấy lúa kết hợp khai thác cáy. Đây là một trong nhiều mô hình canh tác theo hướng thuận thiên đang triển khai tại Thái Bình. 

Ông Đặng Văn Quang, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Bình Thanh cho biết: Để nâng cao sản lượng cáy, người dân hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, tuy nhiên gieo cấy lúa theo kiểu tận dụng, chưa từng nghĩ tới việc xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị từ chính loại gạo sạch này. Những năm gần đây, được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp xây dựng mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ kết hợp khai thác và phát triển nguồn lợi cáy tự nhiên, tạo mô hình nông nghiệp sinh thái 3 tầng (lúa, cáy, cau) giúp tăng hiệu quả kinh tế, xây dựng thương hiệu gạo sạch, mắm cáy của địa phương.

Nông nghiệp Thái Bình từ nhiều năm trước đây đã xuất hiện các mô hình liên kết phát triển sinh thái kinh tế tuần hoàn đơn giản như vườn - ao - chuồng (VAC) tạo ra một mô hình sản xuất nông nghiệp tổng hợp, gắn kết trồng trọt với chăn nuôi, hạn chế chất thải, thuận theo tự nhiên, sử dụng tiết kiệm hợp lý phế, phụ phẩm. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các mô hình liên kết vùng sản xuất chuyên canh, phát triển hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn được mở rộng theo chuỗi. Trong lĩnh vực trồng trọt, có khoảng 200ha đất canh tác theo hướng thuận thiên có giá trị kinh tế cao, tạo sự cân bằng sinh thái và đa dạng sinh học như: mô hình sản xuất lúa chất lượng cao kết hợp nuôi rươi tại các xã Thụy Việt, Hồng Dũng, Thụy Ninh (Thái Thụy) diện tích 133ha; mô hình sản xuất sinh thái vườn cây 3 tầng tạo thu nhập cao, cảnh quan đẹp trong nông thôn với nhiều hình thức canh tác (cau, đinh lăng, gà ri), (mít, chè, ong mật), (mít, đinh lăng, gà ri), (cau, vải, ong mật); mô hình trồng lúa - trồng nấm - sản xuất phân hữu cơ - trồng cây ăn quả...

Trong chăn nuôi, toàn tỉnh có trên 18.000 công trình biogas xử lý chất thải chăn nuôi, tận dụng nguồn khí từ công trình khí sinh học để đun nấu, chạy máy phát điện vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa giảm phát thải khí ra môi trường. Ngoài ra, còn một số mô hình như: nuôi ong lấy mật trong rừng sú vẹt, phụ phẩm từ ong sẽ làm phân bón hữu cơ bón cho cây trồng; trồng ngô sinh khối là nguồn cung cấp nguyên liệu để làm thức ăn và đệm lót cho chăn nuôi trâu, bò, chất thải của trâu, bò làm phân bón hữu cơ; sản xuất tổng hợp nuôi bò/lợn - trùn quế - ngô - gia cầm - cá; trồng dâu tằm - nuôi tằm - sản xuất phân hữu cơ... đã xuất hiện tại các địa phương trên toàn tỉnh nhằm tái sử dụng chất thải trong nông nghiệp làm phân bón, tận dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có để sản xuất an toàn, sạch hơn, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình trồng lúa kết hợp nuôi tôm tại xã Nam Cường (Tiền Hải) tạo sản phẩm sạch, nâng cao thu nhập.

Chuyển đổi sang nền nông nghiệp carbon thấp

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thái Bình xác định kinh tế carbon thấp là hướng đi mới, là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành nông nghiệp trong chuỗi giá trị nông sản bền vững toàn cầu. Do vậy, nhiều địa phương trong tỉnh đã quan tâm triển khai, đã và đang hình thành các mô hình áp dụng khoa học công nghệ, quy trình kỹ thuật canh tác tiết kiệm nhiên liệu vận hành máy nông nghiệp, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường. Tiêu biểu như mô hình canh tác lúa cải tiến SRI; cấy hàng rộng, hàng hẹp, tạo điều kiện cho lúa có khả năng quang hợp cao nhất, cây lúa khỏe, chống chịu sâu bệnh tốt... Mô hình sử dụng chế phẩm Sumitri, Azotobacter để xử lý rơm rạ; sử dụng các loại phân bón có chứa vi sinh vật hữu hiệu, phân bón NPK tổng hợp đa yếu tố và các chất hỗ trợ... theo hướng thâm canh tổng hợp, sản xuất lúa theo hướng bền vững, không sử dụng phân đạm đơn bón cho lúa. Đặc biệt, trong giai đoạn 2017 - 2020, được sự hỗ trợ của Tổ chức phát triển Hà Lan, sự vào cuộc của các doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp trong và ngoài tỉnh, hưởng ứng của nông dân các địa phương, Thái Bình đã triển khai thành công dự án sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính. Có 52 xã với 54 HTX của 8 huyện, thành phố tham gia áp dụng  gói công nghệ của các đơn vị với diện tích từ 482,7ha (năm 2019) lên 2.356,65ha (năm 2020).  Các công nghệ áp dụng cho năng suất lúa trung bình tăng 26% và phát thải khí nhà kính giảm 12,5% so với phương pháp canh tác truyền thống của nông dân, được người dân đánh giá cao về tính hiệu quả của dự án.

Đến nay, 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã chủ động về tưới, tiêu; có khoảng 146,23ha diện tích cây trồng cạn áp dụng biện pháp tưới tiên tiến tiết kiệm nước. Ngoài ra, một số doanh nghiệp đã thí nghiệm trình diễn mô hình sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, máy cày không người lái trong khâu làm đất chạy hoàn toàn bằng pin... qua đó cắt giảm một lượng lớn phát thải khí nhà kính.

Phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn đang là hướng đi và là cơ hội để tỉnh Thái Bình phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế - xã hội, môi trường mà còn giúp ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày một phức tạp. 

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thêm: Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ rà soát, cụ thể hóa và tham mưu cho tỉnh ban hành cơ chế đặc thù để phát triển liên kết vùng phát triển hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp trong nông nghiệp; triển khai mạnh mẽ công nghệ chuyển đổi số phục vụ cho việc thực hiện kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với từng loại mô hình kinh tế tuần hoàn của từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy hải sản, lâm nghiệp.

Ngân Huyền