Thứ 7, 23/11/2024, 17:38[GMT+7]

Liên kết phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững Kỳ I: Hiệu quả toàn diện

Thứ 2, 27/11/2023 | 09:06:43
10,113 lượt xem
Chuỗi giá trị nông sản là sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo một quy trình mà ở đó có sự kết nối của nhiều khâu, nhiều công đoạn sản xuất. Chuỗi giá trị nông sản chính là yếu tố quan trọng để tăng sản lượng, chất lượng, tăng tính cạnh tranh, giá trị nông sản, qua đó thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao đời sống nông dân.

Liên kết sản xuất chuỗi giá trị giúp hình thành vùng sản xuất tập trung ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa các khâu sản xuất.

Tổ chức liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển. Hình thức này bảo đảm cho các thành phần kinh tế tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Tích tụ hơn 10ha ruộng, từ nhiều năm qua, thông qua HTX, ông Nguyễn Duy Tám, xã An Mỹ (Quỳnh Phụ) tham gia liên kết sản xuất lúa giống với Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed. Ông Tám cho biết: Liên kết với doanh nghiệp, chúng tôi được sử dụng giống lúa chất lượng, được hướng dẫn quy trình canh tác nên lúa cho năng suất cao, ổn định. Ngoài ra còn được doanh nghiệp thu mua với giá cao gấp 1,3 lần giá thị trường nên hiệu quả kinh tế cao hơn, đặc biệt là khi gieo cấy quy mô lớn.

Công ty TNHH Minh Hòa H4G, xã Duyên Hải (Hưng Hà) là doanh nghiệp sở hữu chuỗi liên kết khép kín, hoàn chỉnh bao gồm các khâu: sản xuất - chế biến - tiêu thụ. Đến thời điểm hiện tại, Công ty có năng lực sản xuất từ 3 - 4 tạ cá rô/ngày, cung cấp ra thị trường 1 - 1,5 tạ cá rô rút xương. 

Ông Nguyễn Văn Hình, Giám đốc Công ty cho biết: Cá rô đồng là đối tượng nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao nếu có thị trường tiêu thụ ổn định, đặc biệt các sản phẩm chế biến từ cá rô mang lại giá trị lợi nhuận cao hơn từ 10 - 15% so với bán cá thương phẩm. Vì vậy, năm 2019 tôi đã thành lập doanh nghiệp, mở rộng hợp tác với các hộ nuôi cá, cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật, đồng thời thu mua sản phẩm cho người dân. Việc liên kết vừa giúp chúng tôi kiểm soát được chất lượng nguyên liệu đầu vào vừa giúp bà con tiêu thụ ổn định, không lo bị tiểu thương ép giá. Kiểm soát chặt chẽ quy trình nuôi, chế biến bảo đảm an toàn thực phẩm, các sản phẩm của tôi đang hoàn thiện hồ sơ để được cấp chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, hướng tới hệ thống các siêu thị lớn. Vừa qua, sản phẩm cá rô đồng rút xương đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện.

Công ty TNHH Minh Hòa H4G hiện đang liên kết với nhiều hộ nuôi trên toàn tỉnh. Không chỉ tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động trực tiếp, liên kết sản xuất theo chuỗi còn giúp hộ nuôi ổn định đầu ra, yên tâm đầu tư sản xuất, chuyển từ phương thức truyền thống sang thực hành quy trình sản xuất an toàn, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, an toàn.

Thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh, thời gian qua, ngành nông nghiệp và các địa phương đã tập trung đầu tư phát triển sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả gắn với tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển các mô hình liên kết và xây dựng các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao theo chuỗi giá trị. Sản xuất nông nghiệp đã có bước chuyển dịch mạnh sang sản xuất hàng hóa, cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, giảm tỷ trọng trồng trọt, cơ cấu cây trồng chuyển mạnh sang cây có giá trị kinh tế cao, hạn chế sâu bệnh. Chăn nuôi giảm mạnh từ quy mô nhỏ lẻ tận dụng trong nông hộ sang quy mô tập trung theo mô hình doanh nghiệp, trang trại, gia trại với hình thức công nghiệp, bán công nghiệp. Nuôi trồng thủy sản phát triển đa dạng các loại hình (bãi triều, ao, đầm, ao bán nổi, lồng bè...), tiến tới nuôi biển. Kinh tế HTX có bước phát triển tích cực với việc thành lập HTX mới tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất nông sản hàng hóa.

Vùng trồng cà rốt tập trung tại xã Điệp Nông (Hưng Hà).

Đến nay, toàn tỉnh có 250 HTX tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tổng diện tích sản xuất trồng trọt có hợp đồng liên kết, tiêu thụ đạt trên 10.000ha/năm, trong đó chủ yếu là liên kết sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm. Trong chăn nuôi, có 5 doanh nghiệp liên kết với 33 chủ trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm; nhiều HTX, tổ hợp tác chăn nuôi hoạt động hiệu quả. Có nhiều chuỗi được đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, áp dụng công nghệ cao gắn với việc xây dựng sản phẩm OCOP đã khẳng định được thương hiệu, chất lượng sản phẩm. Toàn tỉnh có 28 HTX xây dựng được 34 thương hiệu có nhãn mác, bao bì, trong đó 16 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao; 18 sản phẩm đã được hội đồng cấp tỉnh đánh giá, phân hạng sản phẩm từ 3 sao, 4 sao, đang hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận. Các doanh nghiệp và HTX làm chủ chuỗi có vai trò lựa chọn cung cấp vật tư đầu vào, giám sát kỹ thuật sản xuất, thu mua, chế biến, xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm. Đối tác tham gia trong chuỗi thực hiện đúng hợp đồng liên kết và thực hiện sản xuất, kinh doanh theo đúng hướng dẫn và yêu cầu doanh nghiệp, HTX.

Theo bà Trần Thị Liên Hoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản: Liên kết sản xuất theo chuỗi mang lại giá trị cho 4 bên: người dân không lo trồng cây gì, nuôi con gì, sản xuất ra sao, tiêu thụ ở đâu, bằng cách nào bởi các doanh nghiệp và HTX làm chủ chuỗi có vai trò lựa chọn cung cấp vật tư đầu vào, giám sát kỹ thuật sản xuất, thu mua, chế biến, xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm; HTX dẫn dắt liên kết tổ chức sản xuất tập trung, đồng bộ từ đó nâng cao hiệu quả trong hoạt động, điều hành; với doanh nghiệp có thể chủ động vùng nguyên liệu, từ đó chủ động và phát triển thị trường tiêu thụ, còn với địa phương, liên kết sản xuất theo chuỗi giúp hình thành vùng sản xuất tập trung, phát triển sản phẩm có lợi thế, chủ lực. Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đã góp phần thúc đẩy các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh phát triển theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị, tránh tình trạng được mùa mất giá, góp phần nâng cao thu nhập của người dân, phát triển kinh tế địa phương và xây dựng nông thôn mới.

Công ty TNHH Minh Hòa H4G, xã Duyên Hải (Hưng Hà) là đơn vị sở hữu chuỗi liên kết khép kín, hoàn chỉnh.

(còn nữa)
Ngân Huyền