Thứ 6, 15/11/2024, 17:02[GMT+7]

Chuyện nông dân làm giàu từ… ốc bươu vàng

Thứ 4, 24/07/2013 | 09:27:42
15,475 lượt xem
Với tốc độ sinh sôi đến chóng mặt, sức tàn phá lúa cũng rất ghê gớm, ốc bươu vàng từ lâu đã trở thành đối tượng nguy hại với ngành nông nghiệp. Ðã có nhiều biện pháp diệt trừ ốc bươu vàng (thủ công, sinh học, hóa học…) song cũng chỉ hạn chế phần nào sự phát triển của loài này. Song ở xã An Bình (Kiến xương), con vật này đã mang lại khoản thu nhập cao, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo nhờ bắt ốc bươu vàng.

Ủi lấp vỏ ốc chỉ là giải pháp tạm thời của địa phương.

Nông dân kiếm tiền từ “kẻ thù của cây lúa” 
Chúng tôi về An Bình một ngày đầu tháng 7, khi cây lúa đã phủ xanh khắp cánh đồng. Nơi nơi, bà con bắt tay vào bón phân, dặm tỉa, chăm sóc lúa mùa. An Bình là xã nghèo của huyện Kiến Xương, thu nhập của người dân ngoài cây lúa chủ yếu là đi làm thuê đời sống còn nhiều bấp bênh. Vài năm trở lại đây, người dân An Bình có thêm nghề mới: bắt ốc bươu vàng. Không chỉ hạn chế sự sinh sôi nảy nở, tàn phá của loài này với cây lúa, người dân còn nâng cao thu nhập, nhiều hộ nuôi con học đại học nhờ việc… bắt ốc. Câu chuyện tưởng chừng khó tin nhưng đã diễn ra 3 - 4 năm nay ở vùng quê nghèo này.

Từ một loài sinh vật được xem như kẻ thù của nhà nông, có chăng được bắt về làm thức ăn cho vịt, cá nhưng nơi đây, mỗi ki-lô-gam ruột ốc qua sơ chế, người dân thu về từ 14.000 – 19.000 đồng. Mỗi ngày một người đi bắt ốc có thể thu nhập hàng trăm nghìn đồng không còn là chuyện xa lạ. Cả xã có đến trên 50% số người tham gia bắt ốc, từ người già đến trẻ nhỏ. Cũng chính vì thế mà nơi đây không còn thấy bóng dáng con ốc bươu vàng nào trên ruộng lúa. 

Một trong những người đầu tiên trong xã đứng lên thu mua, vận động bà con bắt ốc là ông Đỗ Văn Gioong, thôn Bình Trật Nam. Chia sẻ với chúng tôi, ông Gioong cho biết: Ông đến với nghề buôn ốc cũng rất tình cờ, đó là nhờ người bạn buôn giới thiệu. Nhận thấy không chỉ giải quyết vấn nạn cho nông dân, bắt ốc còn mang lại thu nhập đáng kể cho bà con nên ông mạnh dạn vận động mọi người bắt ốc bán. Từ một vài hộ rồi lan ra cả thôn, giờ là cả xã. Ngoài hộ ông Gioong, trong xã có 4 - 5 hộ đứng lên thu mua. Không chỉ ở An Bình, người dân các xã lân cận: Vũ Đông, Vũ Lạc (Thành phố), Quốc Tuấn, Nam Cao (Kiến Xương)… đều mang ốc về đây bán. Mỗi ngày, gia đình ông thu mua hàng tạ “ốc thành phẩm”, đỉnh điểm lên tới cả tấn.

Ông Gioong chia sẻ thêm: Người dân nơi đây vẫn thường nói vui với nhau, không biết ở nơi khác thế nào, ốc bươu vàng với người dân An Bình đúng là “vàng” thật. Bắt ốc bươu vàng cũng theo lịch, từ tháng 2 tới tháng 9 âm lịch. Thời điểm này, lúa mới cấy, bà con đổ xô ra đồng bắt ốc. Nhưng có lẽ nhiều nhất phải vào vụ xuân, tháng 2, tháng 3 âm lịch. Khi ấy, mỗi ngày gia đình ông thu mua hơn 1 tấn. Ốc bắt về, đem luộc sau đó bỏ ruột, chỉ lấy phần đầu, xát rửa sạch rồi mang bán. Thời điểm giá thấp từ 13.000 – 14.000 đồng/kg, cao nhất là 19.000 đồng/kg. Phần ruột ốc cũng được thu mua với giá khoảng 2.000 đồng/kg, đem bán cho các trang trại nuôi vịt, cá. Mỗi người mang tới bán cho ông ít cũng phải chục cân, người nhiều vài ba chục cân vì thế thu nhập mỗi ngày cũng đạt hàng trăm nghìn đồng. Nói rồi, ông chìa cuốn sổ dày bịch ghi chép số liệu thu mua hàng ngày cho chúng tôi xem. Đúng là làm giàu từ ốc bươu vàng không khó.

Tìm đến nhà ông Nguyễn Công Luận, thôn Bình Trật Nam, một trong những hộ bắt ốc bươu vàng nhiều nhất xã. Nhấp chén trà, ông Luận cho biết: Trung bình mỗi ngày, vợ chồng ông bắt bán được 300.000 – 400.000 đồng. Hai vợ chồng dậy từ 3 giờ sáng, với bao, vợt, rong ruổi trên chiếc xe máy cũ đi khắp nơi thu bắt. Thời gian đầu, người đi bắt còn ít, vợ chồng ông không phải đi xa. Về sau, lượng ốc giảm, lại đông người bắt nên hai vợ chồng ông sang các huyện lân cận: Tiền Hải, Đông Hưng, Thái Thụy… và giờ sang cả Nam Định, Hải Phòng, Hà Nam. Cứ sáng đi sớm, tới đầu giờ chiều về, luộc ốc, khêu rồi đem cân. Không chỉ gia đình ông, hàng trăm gia đình khác trong xã cũng lặn lội đi khắp các nơi thu bắt. Bắt ốc từ lâu đã trở thành nghề chính của người dân nơi đây.

“Ăn ốc” nhưng chưa nghĩ tới chuyện “đổ vỏ”
Không phủ nhận việc bắt ốc mang lại nhiều lợi ích cho người dân: giảm thiểu đáng kể lượng ốc gây hại ngoài tự nhiên, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho lao động địa phương. Song một thực tế cần phải nhìn nhận, cùng với việc thu bắt, sơ chế ốc đem bán cho thương lái, lượng vỏ ốc thải ra môi trường vẫn chưa có biện pháp xử lý. Với hàng tấn ruột ốc được thu mua mỗi ngày, tương đương lượng vỏ thải ra cũng rất lớn. Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Duy Đông, Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết: Việc người dân đổ xô bắt ốc bươu vàng không chỉ giảm thiểu lượng ốc sinh sôi gây hại cho nông nghiệp mà còn là giải pháp nâng cao thu nhập.

Bất kể bờ đường, bờ vùng, bờ thửa, gò đống... ngoài đồng đều có thể trở thành nơi chứa vỏ ốc.

Song một bài toán đặt ra cho địa phương chính là việc giải quyết rác thải từ sơ chế ốc. Với số lượng lớn vỏ ốc mỗi ngày, người dân không thể xử lý, gom đốt. Bất kể bờ đường, bờ vùng, bờ thửa, gò đống...  đều biến thành nơi chứa vỏ ốc. Lượng vỏ tập kết thành từng đống, nắng nóng, mùi hôi thối bốc lên ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi sinh. Chính quyền xã cũng đã có các biện pháp nhắc nhở người dân đồng thời cho máy xúc ủi lấp số vỏ ốc. Xã đã cho vùi lấp 5 hố, quy hoạch bãi rác rộng 30.000 m2. Song đó cũng chỉ là giải pháp mang tính tạm thời. Do điều kiện kinh tế địa phương còn nhiều khó khăn, việc xây dựng khu xử lý rác thải còn bế tắc.

Chúng tôi rời An Bình cũng là lúc những hộ đi bắt ốc từ khắp nơi đổ về. Những chiếc xe máy nặng trĩu từng bao tải ốc lớn nhỏ. Sự mệt mỏi xen lẫn niềm vui trên những khuôn mặt khắc khổ. Khi khắp nơi, người nông dân đang khốn khổ bằng mọi cách diệt trừ loài “rác thải sinh học” này, thì ở An Bình, được thương lái “tiếp sức”, đây trở thành “nghề tự phát” góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, không kịp thời giải quyết những hệ lụy môi trường, An Bình sẽ đứng trước thách thức mới.

Bài, ảnh: Lưu Ngần

 

  • Từ khóa