Thứ 6, 15/11/2024, 16:19[GMT+7]

Tạo xung lực mới cho nền kinh tế

Thứ 3, 30/07/2013 | 15:22:39
962 lượt xem
7 tháng qua, nền kinh tế đất nước đã đạt được kết quả tích cực, nhưng chuyển biến vẫn còn chậm và chưa vững chắc. Bên cạnh việc tiếp tục phát huy những kết quả tích cực đó, vẫn cần phải có giải pháp để tạo ra các xung lực mới.

Nguồn số liệu: TCTK

Kết quả thực hiện một số ngành, lĩnh vực chủ yếu có liên quan đến tăng trưởng trong 7 tháng qua như sau.

 

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm 2012 tuy có xu hướng cao lên (nếu 6 tháng mới tăng 5%, thì tháng 7 đã tăng 7%), nhưng tính chung 7 tháng mới tăng 5,2%, vừa thấp hơn cùng kỳ năm trước, vừa còn thấp hơn tốc độ tăng GDP theo mục tiêu cả năm. Nguyên nhân chủ yếu do gặp khó khăn ở cả đầu vào, ở cả đầu ra. Tốc độ tăng tồn kho tuy đã chậm lại, nhưng vẫn còn cao hơn nhiều so với tốc độ tăng sản xuất (8,8% so với 5,8%).

 

Sản xuất nông, lâm nghiệp-thuỷ sản tuy tăng cao về lâm nghiệp (rừng trồng tập trung tăng 18,7%, sản lượng gỗ khai thác tăng 6,8%...), nhưng lâm nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ, trong khi chăn nuôi bị giảm (đàn trâu giảm 2,5%, đàn bò giảm 3%, đàn lợn giảm 1,5%, đàn gia cầm giảm 2%), thủy sản tăng thấp (tổng sản lượng tăng 1,7%). Xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản bị giảm so với cùng kỳ năm trước.

 

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tăng lên cả về vốn đăng ký, cả về vốn thực hiện (tổng vốn đăng ký đạt 11,911 tỷ USD, tăng 19,6%, trong đó đăng ký mới 6,92 tỷ USD, tăng 10%, thực hiện ước đạt 6,7 tỷ USD, tăng 6,4%). Vốn hỗ trợ phát triển chính thức đạt mức kỷ lục. Vốn đầu tư gián tiếp ước đạt 404 triệu USD, gấp 3 lần so với cùng kỳ. Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước cao hơn qua các tháng (nếu bình quân tháng trong quý I đạt 11,9 nghìn tỷ đồng, thì bình quân tháng trong quý II đạt 17,3 nghìn tỷ đồng, tháng 7 ước đạt 18,5 nghìn tỷ đồng), nhưng tính chung 7 tháng mới đạt 54,4% kế hoạch cả năm và bị giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước.

 

Tốc độ tăng dư nợ tín dụng đã chậm lại trong mấy năm qua (từ 27,65% năm 2010 xuống còn 14% năm 2011, xuống 8,91% năm 2012); 7 tháng năm nay tuy không còn giảm như cùng kỳ năm trước, nhưng cũng mới tăng 4,91%, chỉ bằng nửa tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán (8,25%) và tốc độ tăng số dư tiền gửi (9,48%) và còn thấp so với định hướng tăng cả năm (12%). Lượng vốn huy động trên thị trường chứng khoán ước 6 tháng năm nay đạt 5.000 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước.

 

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính theo giá thực tế tuy tăng 12%, nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng bình quân 7 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước (6,81%), thì chỉ tăng chưa đến 4,9%, vừa thấp so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước, vừa tăng thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nguyên nhân của tình hình này có nhiều, song chủ yếu là thu nhập, sức mua có khả năng thanh toán của dân cư tăng thấp, của một bộ phận lớn dân cư ở nông thôn, dân nghèo thành thị, những người thất nghiệp, thiếu việc làm  hoặc gặp rủi ro do thiên tai, bệnh tật... bị giảm.

 

Xuất khẩu đạt quy mô khá (72,74 tỷ USD) và so với cùng kỳ năm trước tăng khá cao (14,3%). Mới qua 7 tháng đã có 13 mặt hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên (điện thoại các loại và linh kiện; dệt may; điện tử, máy tính và linh kiện; giày dép; dầu thô; thủy sản; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; phương tiện vận tải và phụ tùng; gỗ và sản phẩm gỗ; cà phê; gạo; cao su; sắt thép).

 

Xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vừa thấp hơn về tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (36,7% so với 63,3%) vừa thấp xa về tốc độ tăng trưởng (1,6% so với 22%). (3)

 

Giá xuất khẩu giảm đã làm thiệt thòi không nhỏ về kim ngạch, như hạt điều, hạt tiêu, gạo, sắn và sản phẩm sắn, than đá, dầu thô, xăng dầu, cao su, sắt thép.

 

Sau vài tháng nhập siêu, chứng tỏ nhu cầu đầu tư, sản xuất, tiêu dùng đã có tín hiệu phục hồi, nhưng 2 tháng nay đã xuất siêu trở lại (tháng 6 là 286 triệu USD, tháng 7 là 200 triệu USD, tính chung 7 tháng nhập siêu 733 triệu USD). Đây vừa là tin vui khi góp phần cải thiện cán cân thương mại, cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá; nhưng cũng là điều lo lắng do tổng cầu ở trong nước còn thấp, tác động tiêu cực đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng.

 

Cân đối ngân sách vẫn tiếp tục gặp khó khăn, khi tính từ đầu năm đến 15/7 so với dự toán cả năm của thu ngân sách đạt thấp hơn của tổng chi (46,8% so với 49,5%); khi tỷ lệ thực hiện dự toán năm của thu nội địa thấp hơn (46,1%) và thu cân đối từ xuất khẩu còn đạt thấp hơn nữa (41,2%). Trong thu nội địa, tỷ lệ khoản thu lớn nhất là thu từ doanh nghiệp Nhà nước đạt thấp hơn tỷ lệ chung (42,1%).

 

Nhìn tổng quát, 7 tháng qua đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng chuyển biến vẫn còn chậm và chưa vững chắc. Bên cạnh việc tiếp tục phát huy những kết quả tích cực trong 7 tháng qua, vẫn cần phải có các giải pháp để tạo ra các xung lực mới.

 

3 yếu tố cho xung lực

 

Xung lực mới có nhiều yếu tố, trong đó có thể tập trung vào 3 yếu tố quan trọng, đó là vốn, là tiêu thụ và lòng tin.

 

Về vốn, hiện có một số vấn đề phải giải quyết. (1) Cần phải xem lại tỷ lệ vốn đầu tư phát triển/GDP bởi tỷ lệ này đã giảm quá nhanh so với các năm trước (bình quân thời kỳ 2006-2010 là 39,2%, năm 2011 còn 33,3%, năm 2012 còn 30,5%, 6 tháng đầu năm 2013 còn 29,6% và theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong khung kế hoạch 2014 thì cả năm 2013 chỉ còn 29%). Vốn đầu tư là yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tăng trưởng kinh tế. (2) Trong các nguồn, cần đặc biệt quan tâm đến việc vừa huy động trái phiếu Chính phủ vừa huy động được nguồn vốn ở trong nước; huy động trên thị trường chứng khoán; nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách và trả nợ vốn đã đầu tư. (3) Đẩy nhanh cổ phần  hoá, thoái vốn Nhà nước ở các doanh nghiệp, bao gồm cả hàng không, viễn thông..., vừa dành thị phần cho thị trường, vừa tăng được đầu tư công, giải quyết các điểm nghẽn... (4) Đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu để tăng dư nợ tín dụng. (5) Đặc biệt quan tâm đến nâng cao hiệu quả đầu tư-vấn đề quan trọng hơn cả lượng vốn đầu tư, trong khi hiệu quả đầu tư còn thấp.

 

Về tiêu thụ, hiện có một số giải pháp cần quan tâm: các doanh nghiệp cần mạnh dạn cắt giảm chi phí, hạ giá bán, đưa hàng về nông thôn, tìm mọi cách để tiêu thụ hàng hoá, kể cả bán trả góp. Đẩy nhanh việc thực hiện cắt giảm, giãn hoãn các khoản thuế, nhất là thuế VAT, vì liên quan đến tất cả các doanh nghiệp, liên quan đến giá bán và liên quan đến người tiêu dùng.

 

Về lòng tin, các nhà hoạch định chính sách vĩ mô cần có sự kiên định, nhất quán và có sự đồng thuận với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Nguồn chinhphu.vn

  • Từ khóa