Thứ 6, 15/11/2024, 17:02[GMT+7]

Báo động tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề

Thứ 4, 31/07/2013 | 10:29:00
2,061 lượt xem
Xác định phát triển kinh tế luôn phải song hành với công tác bảo vệ môi trường (BVMT), vì vậy vấn đề BVMT luôn được các cấp, các ngành quan tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhưng do tình trạng hạ tầng kỹ thuật không đồng bộ, nhiều cơ sở sản xuất nằm đan xen trong khu dân cư, nên tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu, cụm công nghiệp, làng nghề đang là vấn đề “nóng” đối với nhiều địa phương.

Cán bộ Sở TN&MT lấy mẫu nước tại Khu xử lý nước thải của Công ty TAV (Thành phố Thái Bình).

Những năm qua, với chức năng quản lý Nhà nước, ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có nhiều cố gắng trong việc phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm trên địa bàn. Ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh “Về những chủ trương, giải pháp tăng cường công tác quản lý bảo vệ môi trường tỉnh Thái Bình giai đoạn 2011-2015”; quy chế quản lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh. Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về BVMT được kiện toàn từ cấp tỉnh đến cơ sở. Đồng thời, hàng năm phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường.

Cùng với đó, việc tổ chức thẩm định và phê chuẩn báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐGTĐTM) được thực hiện đúng quy định, chú trọng đến chất lượng và sự phối hợp giữa các ngành có liên quan từ khâu tiếp nhận dự án đầu tư, ưu tiên các dự án có công nghệ sản xuất sạch hoặc ít phát sinh chất thải. Đã thẩm định, phê duyệt 162 báo cáo ĐGTĐTM, ĐGTĐTM bổ sung; phê duyệt 27 đề án BVMT; thường xuyên điều tra, thống kê, đôn đốc các cơ sở chưa có thủ tục hành chính về môi trường phải thực hiện lập, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án BVMT… Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh mới có 2 khu công nghiệp (KCN) Nguyễn Đức Cảnh, Phúc Khánh đã đầu tư xây dựng khu xử lý nước thải tập trung, đi vào vận hành; KCN Gia Lễ đang đầu tư xây dựng; 3 KCN còn lại chưa có khu xử lý nước thải. Tại 6 KCN có 146 dự án đầu tư, vẫn còn 8 dự án chưa có thủ tục hành chính về môi trường.

Với 31 cụm công nghiệp (CCN) đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết thì mới chỉ có 5 CCN có thủ tục hành chính về môi trường, 100% các CCN chưa xây dựng khu xử lý nước thải tập trung. Vẫn còn 214/267 dự án đầu tư vào các CCN chưa có thủ tục hành chính về môi trường. Toàn tỉnh chưa có khu xử lý chất thải rắn nguy hại. Các doanh nghiệp tự lo “đầu ra”, nhưng lo như thế nào thì ngành chuyên môn không quản lý được. Bởi, các chủ nguồn thải đăng ký nguồn thải chỉ mang tính chất đối phó khi bị thanh, kiểm tra. Việc phân loại chất thải nguy hại tại nguồn tiến hành theo kiểu “được chăng hay chớ”; các quy định về lưu chứa, thu gom vận chuyển chưa được quan tâm. Hiện, bãi chứa chất thải rắn thông thường tại Khu công nghiệp Tiền Hải đã đi vào hoạt động nhưng hiệu quả không cao, mới chỉ là chỗ chứa rác của một số doanh nghiệp. Trong khi, theo quy định, rác thải rắn sau khi đưa vào bãi rác phải được phân loại, xử lý theo đúng quy trình.

Đối với các làng nghề, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn chưa được kiểm soát. Toàn tỉnh có 229 làng nghề, 100% số xã đều có nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hàng nghìn lao động tại địa phương, đồng thời góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy nhiên, nhiều làng nghề đang đối mặt với ô nhiễm môi trường không khí, nước, đất... Nguyên nhân chính là do các làng nghề xen lẫn khu dân cư; phần lớn các chất thải không được thu gom, xử lý mà xả thẳng vào môi trường. Làng nghề xã Thái Phương (Hưng Hà), không chỉ nổi tiếng với việc duy trì nghề dệt nhuộm truyền thống mà còn nổi tiếng hơn bởi vấn nạn môi trường.

Mặc dù, ngày 30/5/2013, Chủ tịch UBND tỉnh đã ra quyết định cưỡng chế đối với 5 cơ sở nấu, giặt, tẩy, nhuộm xã Thái Phương. Các chủ cơ sở này đã có đơn tự nguyện chấp hành quyết định cưỡng chế, đồng thời tự nguyện tháo dỡ máy móc, thiết bị, công trình hoạt động nấu, giặt, tẩy, nhuộm và niêm phong. Tuy nhiên, đến nay một số cơ sở đã tháo gỡ niêm phong, tiếp tục hoạt động không tuân thủ các quy định của pháp luật. Theo bà Trần Thị Huyền, Phó Chánh Thanh tra Sở TN&MT, hiện Sở đang đề nghị Thanh tra Bộ TN&MT hướng dẫn địa phương thực hiện, đồng thời báo cáo UBND tỉnh sớm giải quyết dứt điểm.

Nhận thức được thực trạng ô nhiễm sẽ gây ra những tác động tiêu cực tới toàn bộ hoạt động sản xuất và đời sống, sức khỏe của người dân, lực lượng chức năng như: Cảnh sát môi trường, Thanh tra Sở TN&MT, Tư pháp, Công Thương… đã thực hiện nhiều đợt thanh, kiểm tra các KCN trên địa bàn, tiến hành xử lý các doanh nghiệp vi phạm, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. 10 năm qua, Thanh tra Sở đã thanh, kiểm tra trên 280 đơn vị, doanh nghiệp; trong đó đề nghị UBND tỉnh đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động của 20 doanh nghiệp và cơ sở nấu, giặt, tẩy, nhuộm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; đồng thời phạt vi phạm hành chính hàng chục doanh nghiệp xả nước thải xử lý chưa đạt quy chuẩn ra môi trường.

Nhằm hạn chế hơn nữa thực trạng ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề, vừa qua UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách, phương án huy động các nguồn lực để xây dựng khu xử lý nước thải tập trung ở các KCN, CCN. Tại các CCN, yêu cầu các huyện, thành phố lựa chọn 1 CCN đầu tư nguồn vốn xây dựng khu xử lý nước thải tập trung. Những khu, cụm công nghiệp chưa có khu xử lý nước thải kiên quyết không tiếp nhận những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Hy vọng với sự chỉ đạo sát sao, sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, các địa phương chất lượng môi trường ở những khu vực này sẽ sớm được cải thiện.

Bài, ảnh: Minh Nguyệt

  • Từ khóa