Thứ 6, 15/11/2024, 16:22[GMT+7]

Sôi động công trường xây dựng nhà máy Amon Nitrat

Thứ 3, 06/08/2013 | 08:29:38
2,957 lượt xem
Kể từ ngày diễn ra lễ khởi công (tháng 11/2011) đến nay, trên công trường xây dựng Nhà máy sản xuất Amon Nitrat tại Thái Thọ, (Thái Thụy) lúc nào cũng khẩn trương, sôi động.

Thi công hạng mục nền móng phân xưởng sản xuất chính của Nhà máy Amon nitrat. Ảnh: Việt Trung

Thật khó hình dung chỉ sau chưa đầy 2 năm, vóc dáng một dự án công nghiệp trọng điểm của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Namon> (Vinacomin) đã hiện hữu. Không lâu nữa, Nhà máy này sẽ chính thức đi vào vận hành hứa hẹn tạo ra bước đột phá về giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, đồng thời từng bước hình thành một tổ hợp các dự án công nghiệp lớn tầm cỡ quốc gia trên đất Thái Bình.

Nhà mày sản xuất Amon Nitrat là dự án trọng điểm của Vinacomin do Tổng Công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ làm chủ đầu tư. Dự án được triển khai xây dựng tại Cụm công nghiệp xã Thái Thọ (Thái Thụy) với quy mô diện tích 22,6 ha. Tổng mức vốn đầu tư xây dựng Nhà máy lên tới 5.800 tỷ đồng, tương đương khoảng 280 triệu USD. Đây là một trong những dự án có số vốn đầu tư thuộc loại lớn nhất từ trước đến nay tại tỉnh ta. Toàn bộ thiết bị máy móc lắp đặt tại Nhà máy đều được nhập khẩu từ các nước G7 thuộc loại hiện đại nhất thế giới do Liên danh UHDE - TTCL Group (Cộng hòa Liên bang Đức) cung cấp. Theo thiết kế, Nhà máy có công suất 200.000 tấn Amon Nitrat/năm và một số sản phẩm hóa chất khác. Trong đó, Amon Nitrat dạng hạt xốp (PPAN) sản lượng 100.000 tấn/năm (đóng bao loại 25 kg/bao) và Amon Nitrat dạng tinh thể (CPAN) sản lượng 100.000 tấn/năm (đóng bao loại 40 kg/bao)...

Việc xây dựng Nhà máy sản xuất Amon Nitrat tại Thái Bình không chỉ có ý nghĩa quan trọng với Vinacomin mà còn tác động tích cực tới nhiều ngành công nghiệp khác và cả lĩnh vực an ninh - quốc phòng. Bởi lẽ, trong ngành vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) thì Amon Nitrat là nguyên liệu chính, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thành phần thuốc nổ công nghiệp (khoảng 80 - 90% khối lượng). Hiện tại nước ta đang phải nhập khẩu hoàn toàn loại nguyên liệu này với khối lượng khoảng 100.000 tấn/năm và dự báo sẽ tăng lên mức 200.000 tấn/năm vào năm 2015. Việc nhập khẩu nguyên liệu như hiện nay phụ thuộc rất lớn vào sự biến động về giá và thuế, ảnh hưởng trực tiếp tới giá thành sản xuất VLNCN trong nước, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều ngành công nghiệp khác như Khai thác mỏ, thủy điện, xây dựng, cầu đường, công nghiệp quốc phòng... Khi Nhà máy sản xuất Amon Nitrat chính thức đi vào vận hành sẽ giúp chủ động hoàn toàn nguồn nguyên liệu Amon Nitrat trong nước, khắc phục tình trạng lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu với giá biến động liên tục như hiện nay.

Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất Amon Nitrat được chia thành 4 gói thầu xây lắp. Trong đó, việc đền bù giải phóng mặt bằng và san lấp nền phục vụ xây dựng Nhà máy đã hoàn thành và quyết toán xong. Gói thầu xây dựng và lắp đặt thiết bị phụ trợ được triển khai từ tháng 3/2012, đến nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng một số hạng mục như khu nhà hành chính, nhà ăn ca, trạm y tế, kho và xưởng cơ khí, tường rào và cổng chính; các hạng mục còn lại đã hoàn thành đạt 40% khối lượng trở lên như đường giao thông nội bộ, hệ thống mương và rãnh thoát nước... Gói thầu xây dựng và lắp đặt hệ thống điện đã hoàn thành xây dựng đường dây 35 KV, trạm đấu nối lưới điện quốc gia, trạm biến áp bảo đảm cung cấp điện ổn định phục vụ quá trình thi công. Riêng gói thầu nhà máy chính, đây là gói thầu quan trọng nhất, là “trái tim” của dự án, đến nay đã phê duyệt thiết kế kỹ thuật, hoàn thành bản vẽ thi công; phần móng nhà máy chính và khu vực phụ trợ cũng đã hoàn thành việc đổ 1.800 m3 bê tông bảo đảm tiến độ và kỹ thuật.

Hiện nay, nhà thầu thi công đang khẩn trương lắp đặt hệ thống bồn bể và tuyến ống, gồm: tuyến ống nước ngầm làm mát (đạt 90%), tuyến ống nước ngầm cứu hỏa (đạt 85%); bồn chứa Amoniac, cơ bản hoàn thành định vị và gán gá các tấm, đang dựng giàn giáo và hàn phía trong bồn; bồn nước khử khoáng và sau xử lý khử khoáng đang khẩn trương hàn gá và lắp đặt... Đại diện Liên danh nhà thầu UHDE (Cộng hòa Liên bang Đức) cho biết: Trong tháng 8 này, khoảng 90% lượng máy móc thiết bị được đưa lên tàu chuyển tới Việt Nam và sẽ đến công trường vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 tới; khi thiết bị đến nơi, các kết cấu đã sẵn sàng để lắp đặt ngay; song song với lắp đặt thiết bị sẽ tiến hành lắp đặt hệ thống điện và hệ thống điều khiển trung tâm bảo đảm hoàn thành tiến độ theo đúng cam kết trong hợp đồng. Về phía đại diện nhà thầu lắp đặt thiết bị máy móc LILAMA 69-1 cũng cho biết, hiện tại hàng nghìn cán bộ, công nhân viên nhà máy đang nỗ lực chế tạo, hàn gắn hơn 3.000 tấn thiết bị và cam kết sẽ lắp đặt toàn bộ số thiết bị nói trên đúng tiến độ và kỹ thuật. Đáng mừng hơn, đại diện chủ đầu tư, ông Lê Minh Chuẩn, Tổng giám đốc Vinacomin khẳng định: Tập đoàn đã thu xếp ổn thỏa về vốn cho dự án.

Với tiến độ thi công như hiện nay, nhìn tổng thể dự án đã vượt tiến độ hơn 2 tháng và là một trong những dự án công nghiệp quy mô lớn có thời gian thi công nhanh nhất từ trước tới nay tại tỉnh ta. Dự kiến, cuối tháng 9 tới sẽ tiến hành lắp đặt máy móc thiết bị và chuyển giao công nghệ trực tiếp; tháng 4/2014 bắt đầu vận hành thử nghiệm một số công trình phụ trợ như hệ thống xử lý và cung cấp nước; tháng 9/2014 sẽ vận hành thử nghiệm xưởng sản xuất a xít Nitric và tháng 10/2014 sẽ vận hành thử nghiệm xưởng sản xuất Amon Nitrat.

Dự kiến khi đi vào vận hành chính thức, Nhà máy sản xuất Amon Nitrat sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 150 lao động và đóng góp cho ngân sách Nhà nước khoảng 120 tỷ đồng mỗi năm. Nếu được Chính phủ chấp thuận cho xây dựng Nhà máy sản xuất Amoniac thì tới đây huyện Thái Thụy sẽ hình thành tổ hợp các nhà máy sản xuất công nghiệp tầm cỡ quốc gia gồm: Nhà máy sản xuất Amoniac, Nhà máy sản xuất Amon Nitrat và Trung tâm Điện lực Thái Bình.

Vũ Mạnh

  • Từ khóa