Chủ nhật, 10/11/2024, 05:45[GMT+7]

Khi lòng dân đồng thuận

Thứ 2, 12/02/2024 | 23:15:49
11,972 lượt xem
Tạo sự đồng thuận trong nhân dân để công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đạt kết quả tốt là điều không hề đơn giản. Nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tích cực bám sát cơ sở, tăng cường tuyên truyền, vận động, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, thời gian qua, hàng loạt dự án, công trình quy mô lớn trên địa bàn tỉnh đã được triển khai đúng tiến độ.

Đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường trục phía Nam Khu kinh tế Thái Bình, đoạn qua huyện Kiến Xương.

Quyết liệt trong chỉ đạo

Trong quá trình phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, tỉnh luôn xác định, ngoài lợi thế về vị trí, cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông, giải quyết thủ tục hành chính còn có vấn đề về tiếp cận đất đai và GPMB nhanh để bàn giao quỹ đất sạch cho nhà đầu tư thực hiện dự án đúng tiến độ. Chính vì vậy, chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh trong nhiệm vụ phát triển hạ tầng kinh tế là tập trung công tác GPMB, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đưa việc lãnh đạo công tác GPMB vào chương trình công tác hàng năm của cấp ủy và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên cần tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả cao; đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, linh hoạt, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và nhân dân, tạo sự đồng thuận.

Cơ bản hoàn thành GPMB đất nông nghiệp tuyến đường trục phía Nam Khu kinh tế Thái Bình đoạn qua huyện Kiến Xương.

Về Tiền Hải một ngày cuối năm, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự phát triển nhanh chóng về mọi mặt của vùng đất nơi này. Nhiều công trình, nhà máy mọc lên, đường sá mở rộng, góp phần mang lại cuộc sống ấm no cho người dân. Những năm gần đây, huyện Tiền Hải đã vẽ nên một “bức tranh” khá hoàn chỉnh về phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, hình thành các khu, cụm công nghiệp xanh, hiện đại. Sự chủ động, quyết liệt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan chức năng, sự đồng thuận của người dân trong công tác GPMB và việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư đã cho những “quả ngọt”. Chỉ trong năm 2023, huyện Tiền Hải đã thực hiện bồi thường, hỗ trợ GPMB 60 phương án của 30 dự án, thu hồi đất của trên 1.870 hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn 30 xã, thị trấn, diện tích đất thu hồi 103,4ha, với số tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB trên 177 tỷ đồng. 

Ông Phạm Ngọc Kế, Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải cho biết: Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác GPMB là tiền đề quan trọng, quyết định thành công của mỗi dự án, ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án, huyện đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đối với các dự án trọng điểm, hàng tuần UBND huyện đều tổ chức họp đánh giá kết quả, tiến độ, nắm bắt khó khăn, vướng mắc, kịp thời bàn giải pháp tháo gỡ nhằm bảo đảm đúng tiến độ GPMB theo kế hoạch. Bên cạnh đó, huyện triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo từ vận động người dân, tuyên truyền, chuyển tải chính sách về GPMB cũng như hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án nhằm tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Đồng thuận trong nhân dân

Những năm qua, việc triển khai thực hiện chính sách đền bù, hỗ trợ GPMB luôn bảo đảm tính công khai, minh bạch, bảo đảm kết hợp các lợi ích của người dân, nhà đầu tư và của Nhà nước trên cơ sở đúng quy định của pháp luật. 

Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: GPMB là công việc khó khăn và phức tạp, vì liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi. Do đó, từ cơ quan xây dựng chính sách cho tới những người thực thi chính sách đều đặt mình vào vị trí của người dân để lắng nghe, thấu hiểu. Chính vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ động tham mưu UBND tỉnh linh hoạt trong vận dụng cơ chế, chính sách trên cơ sở đúng quy định của pháp luật nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của người dân có đất thu hồi. Nhờ đó, tại nhiều dự án trọng điểm của tỉnh, người dân luôn đồng thuận, bàn giao mặt bằng cho dự án triển khai đúng kế hoạch.

Ít có dự án mà tốc độ GPMB lại nhanh và nhận được sự đồng thuận cao của người dân như dự án khu công nghiệp Liên Hà Thái (Thái Thụy). Chỉ sau hơn 2 năm, cơ bản hoàn thành bàn giao gần 600ha của trên 3.580 doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân, tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ GPMB trên 780 tỷ đồng để phục vụ phát triển khu công nghiệp. Trong đó, xã Thụy Liên (Thái Thụy) đã hoàn thành GPMB 432ha đất nông nghiệp, thủy sản, giao thông thủy lợi và đất ở của trên 3.000 lượt hộ gia đình. Đặc biệt, câu chuyện đền bù GPMB, tái định cư cho người sống đã khó nhưng đối với xã Thụy Liên lại càng khó khăn hơn nhiều khi phải giải quyết việc di dời, tái định cư cho người đã khuất. Nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận từ mỗi người dân, Thụy Liên đã di dời 1.685 ngôi mộ, trong đó trên 500 ngôi có chủ. 

Ông Nguyễn Tiến Minh, Bí thư Đảng ủy xã Thụy Liên cho biết: Người Việt Nam luôn có quan niệm “sống cậy nhà, già cậy mồ” nên việc di dời, cất bốc mồ mả gặp nhiều khó khăn, không đơn giản như việc đền bù đất nông nghiệp hay các loại đất khác. Nhờ việc kiên trì vận động với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” và “mưa dầm thấm lâu”, các hộ gia đình, dòng họ có mồ mả nằm trong phạm vi ảnh hưởng dự án khu công nghiệp Liên Hà Thái đã đồng thuận với việc di dời, cất bốc các phần mộ tới nơi mới. 

Ông Bùi Viết Diện, xã Thụy Liên cho biết: Chuyện mộ phần là lĩnh vực tâm linh không chỉ của gia đình mà còn của cả họ tộc. Nên để người dân chúng tôi đồng thuận ngay thì chưa nhưng khi các đồng chí lãnh đạo xã, đặc biệt là cơ sở thôn ngày đêm xuống với dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân. Khi người dân đã hiểu, đã thông, thấy việc làm của Đảng, Nhà nước là hợp tình, hợp lý nên nhân dân đồng thuận rất nhanh.

Tuyến đường trục phía Nam Khu kinh tế Thái Bình, đoạn từ đường ven biển đến quốc lộ 37B còn gọi là tuyến số 3 có chiều dài hơn 13km hiện đang được 2 huyện Tiền Hải và Kiến Xương tập trung công tác GPMB. 

Ông Đỗ Xuân Khu, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương cho biết: Tuyến đường có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, đẩy nhanh tiến độ khai thác kinh tế Thái Bình, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, cứu hộ, cứu nạn và phòng, chống lụt bão của khu vực. Do đó, thời gian qua huyện Kiến Xương đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan phối hợp với xã Bình Định, Nam Bình đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân trong phạm vi dự án tạo điều kiện, sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và đơn vị thi công. Nhờ sự đồng thuận cao trong nhân dân nên đến nay, huyện Kiến Xương đã cơ bản hoàn thành công tác GPMB đất nông nghiệp, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công triển khai dự án đúng tiến độ.\



Ông Đinh Gia Dũng, Chủ tịch UBND thành phố Thái Bình
Với phương châm luôn lắng nghe, thấu hiểu và đặt mình vào vị trí của người bị thu hồi đất, thời gian qua, thành phố đã tạo được sự đồng thuận cao của người dân trong công tác GPMB, từng bước gỡ nhiều nút thắt về mặt bằng tồn tại hàng chục năm nay. Các nút thắt giao thông như đường Chu Văn An kéo dài, Đinh Tiên Hoàng, Ngô Quyền, hồ Ty Rượu... sau 10 năm nay đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng, đáp ứng mong mỏi của các tầng lớp nhân dân.


Ông Nguyễn Tiến Quyền, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ
Phong trào nhân dân “hiến đất” làm đường giao thông đã trở thành phong trào thi đua rộng khắp, là điển hình trong tỉnh và cả nước. Đối với mỗi người dân Quỳnh Phụ, đường làm đến đâu dân hiến đất đến đó. Đến nay, đã có 19 tuyến đường, với 4.117 hộ đồng thuận, tự nguyện tặng đất cho nhà nước không đòi lại trên 34,7ha đất nông nghiệp và thổ cư. Tiết kiệm cho ngân sách nhà nước gần 500 tỷ đồng.


Ông Bùi Đức Thàn, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện Tiền Hải
Tất cả các dự án đều được Trung tâm công khai, minh bạch về cơ chế, chính sách. Quá trình kiểm đếm được giám sát chặt chẽ, chi tiết; bản dự thảo áp giá đền bù được thực hiện công khai, gửi tới từng hộ để các hộ xem và ký xác nhận. Tại những vị trí khó khăn, nếu còn vướng mắc, kịp thời báo cáo lãnh đạo huyện để thành lập tổ tuyên truyền, vận động, không kể ngày đêm, bất cứ lúc nào các hộ có ở nhà là đến tuyên truyền nên nhân dân đồng thuận, ủng hộ.


Minh Nguyệt