Thứ 7, 23/11/2024, 17:40[GMT+7]

Hành trình xây dựng nền nông nghiệp giá trị cao

Thứ 3, 13/02/2024 | 15:12:35
10,400 lượt xem
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững theo hướng nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất hàng hóa có giá trị và chất lượng theo nhu cầu của thị trường. Thực hiện mục tiêu trên, ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào các khâu sản xuất, dần hình thành nền nông nghiệp giá trị cao.

Phát triển các sản phẩm chủ lực

Với quan điểm, sản xuất nông nghiệp phải gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường, ngành nông nghiệp tập trung xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn có lợi thế theo 3 nhóm sản phẩm chủ lực được định hướng rõ trong Kế hoạch số 2840/KH-UBND, ngày 18/11/2021 cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, nhóm sản phẩm tham gia nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia gồm: lúa, gạo, thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm và tôm được tập trung đầu tư, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, gắn với công nghiệp chế biến theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững. Ưu tiên nguồn lực đầu tư để thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, xây dựng các chuỗi giá trị đồng bộ gắn với hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm tiên tiến, truy xuất nguồn gốc và phát triển thương hiệu quốc gia. Tăng cường liên kết vùng, liên kết ngành; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nhằm tháo gỡ các rào cản thương mại, thúc đẩy xuất khẩu. 

Đối với nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh (9 sản phẩm), đặc sản địa phương có quy mô nhỏ, tập trung vào các sản phẩm đặc sản nhằm phát huy bản sắc, lợi thế của các địa phương, gắn với xây dựng nông thôn mới theo chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP); hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc, thương hiệu địa phương và nhãn hiệu hàng hóa; tăng cường áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm để từng bước phát triển thương hiệu trên thị trường trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu.

Đến nay, đã và đang hình thành, phát triển nhiều vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, công nghệ kỹ thuật cao với cùng loại sản phẩm, quy mô hàng trăm ha/vùng; duy trì diện tích lúa khoảng 155.000ha/năm, là tỉnh luôn đi đầu trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất lúa tiên tiến, cơ giới hóa các khâu sản xuất... Tổng diện tích sản xuất lúa giống hiện nay có 5.000ha với 6 công ty sản xuất giống, tổng sản lượng lúa giống sản xuất ước đạt 2.600 tấn. Toàn tỉnh có 2.390 trang trại chăn nuôi đạt quy mô theo Luật Chăn nuôi. Ước sản lượng chăn nuôi tại các trang trại chiếm 63% sản lượng sản xuất chăn nuôi toàn tỉnh; có khoảng 20% số trang trại có thu nhập từ 2 tỷ đồng/năm trở lên.

Tôm được xác định là sản phẩm chủ lực quốc gia với hình thức nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngày càng mở rộng.

Khai thác hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ

Cùng với việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của trung ương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù cho sản xuất nông nghiệp và chuyển hóa hiệu quả các chính sách vào thực tiễn sản xuất nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hoàn thiện hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất.

Tỉnh đẩy mạnh khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp bằng các hình thức góp vốn chia theo lợi nhuận, cổ phần... để tạo thành vùng hàng hóa tập trung đủ lớn phục vụ cho các chuỗi liên kết. Xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị nông sản trên cơ sở đa dạng hóa các hình thức liên kết, hợp tác giữa kinh tế hộ với doanh nghiệp để tiếp nhận các công nghệ mới, đồng bộ ở các khâu, quy trình của chuỗi, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp: Tuyển chọn các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, có khả năng kháng bệnh tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu; cơ giới hóa, tự động hóa các quy trình canh tác tiên tiến trong sản xuất để tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được giám sát chặt chẽ bằng hệ thống quản lý thông minh.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thái Bình là tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành cơ chế, chính sách riêng hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp; đã hình thành và phát triển nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung với cùng loại sản phẩm diện tích lên tới hàng trăm héc-ta. Năm 2023, diện tích tích tụ để sản xuất trồng trọt đạt 7.403,7ha, tăng 1.800ha so với năm 2022. Đã cấp 28 mã số vùng trồng cho 236,1ha, chủ yếu là lúa. Toàn tỉnh đã xây dựng, tự công bố 53 thương hiệu gạo. Tích tụ, tập trung đất đai, ứng dụng triệt để cơ giới hóa đã từng bước tháo gỡ “điểm nghẽn” nhỏ lẻ, manh mún trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả, giá trị, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản Thái Bình.

Một năm nỗ lực vượt qua khó khăn, sản xuất nông nghiệp để lại dấu ấn, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 29.787 tỷ đồng, tăng 2,2% so với năm 2022. Đây là kết quả của sự nỗ lực không ngừng, tinh thần vượt khó của ngành chức năng, các địa phương, nông dân. Trong mùa xuân mới, tin tưởng ngành nông nghiệp tiếp tục vươn lên, đạt được nhiều kết quả hơn nữa.

Ước sản lượng chăn nuôi tại các trang trại chiếm 63% sản lượng sản xuất chăn nuôi toàn tỉnh.

Lưu Ngần