Thứ 7, 23/11/2024, 14:46[GMT+7]

Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Đưa Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững Kỳ 2: Sớm hiện thực hóa quy hoạch tỉnh, tạo không gian phát triển mới

Thứ 3, 27/02/2024 | 10:00:37
22,272 lượt xem
Để tạo không gian phát triển mới, ngay sau khi Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thái Bình đã bắt tay ngay vào xây dựng kế hoạch thực hiện, từ đó sớm hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh.

Thi công cầu vượt sông Hồng thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình. Ảnh: Nguyễn Thơi

Tạo đột phá từ Quy hoạch tỉnh

Để tạo đột phá từ Quy hoạch tỉnh, Thái Bình đã xây dựng phương hướng phát triển các ngành quan trọng, phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội, phương án quy hoạch hệ thống đô thị và tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn. Theo đó, tỉnh sẽ định hướng phát triển ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao; tham gia sâu, toàn diện vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu; phát huy các tiềm năng, thế mạnh để đưa Thái Bình trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp, năng lượng của vùng đồng bằng sông Hồng.

Nông nghiệp vẫn được tỉnh xác định là trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời hướng tới xây dựng Thái Bình trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng đầu của vùng đồng bằng sông Hồng.

Ngoài ra, Thái Bình còn phấn đấu xây dựng tỉnh trở thành địa bàn trung chuyển và trung tâm phân phối hàng hóa của khu vực phía Nam đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ.

Không chỉ tạo đột phá từ đẩy mạnh phát triển các ngành quan trọng, Thái Bình còn quan tâm xây dựng phương án phát triển các khu chức năng, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện; phương án bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu...

Trong phương án phát triển các khu chức năng, cùng với việc xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh, Thái Bình tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là phát triển mạng lưới giao thông.

Theo phương án phát triển của Quy hoạch tỉnh, trên địa bàn tỉnh trong tương lai sẽ hình thành 3 tuyến cao tốc gồm: cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08), đường vành đai 5 - Hà Nội (CT.39) và tuyến CT.16 phục vụ kết nối Khu kinh tế Thái Bình với thành phố Thái Bình và vùng kinh tế phía Tây Bắc thủ đô; hơn 100km đường sắt đi qua tỉnh thuộc tuyến Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh (bao gồm cả đoạn Nam Hải Phòng - Hạ Long dài khoảng 37km) thực hiện theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra, sau năm 2030 tỉnh sẽ nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung 1 sân bay chuyên dụng ven biển vào quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc phục vụ du lịch, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an ninh, quốc phòng khu vực biên giới biển.

Theo Quy hoạch tỉnh, Thái Bình xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Trong ảnh: Một góc khu công nghiệp Liên Hà Thái (Thái Thụy).

Khởi động ngay các nhiệm vụ trọng tâm

Trên cơ sở Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh đã chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hệ thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu, hồ sơ quy hoạch bảo đảm phù hợp và thống nhất với Quyết định số 1735/QĐ-TTg; tập trung chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Bình theo Kế hoạch số 34/KH-UBND, ngày 7/2/2024 của UBND tỉnh; đồng thời, chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng chí Vũ Kim Cứ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với đơn vị tư vấn lập Quy hoạch tỉnh và các sở, ngành, huyện, thành phố rà soát, điều chỉnh, bổ sung, lập mới các quy hoạch liên quan và cụ thể hóa các nội dung Quy hoạch tỉnh vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; đồng thời, triển khai các giải pháp quản lý về quy hoạch, kế hoạch và đầu tư phát triển bảo đảm sự đồng bộ, nhịp nhàng. Trong phương án phát triển vùng liên huyện, trên cơ sở địa lý tự nhiên, đặc điểm dân cư và văn hóa xã hội, điều kiện, trình độ phát triển và dự báo khả năng phát triển, tỉnh Thái Bình phân thành 3 vùng, trong đó huyện Quỳnh Phụ được định hướng là trung tâm vùng kinh tế ngoại biên (gồm huyện Quỳnh Phụ và huyện Hưng Hà). Đây được xác định là hành lang kinh tế phía Bắc của tỉnh, kết nối với thành phố Hải Phòng, tỉnh Hưng Yên và phát triển lan tỏa về phía Nam, kết nối với thành phố Thái Bình qua huyện Đông Hưng, huyện Vũ Thư. 

Ông Nguyễn Tiến Quyền, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ cho biết: Quy hoạch tỉnh mở ra nhiều không gian và hành lang mới cho sự phát triển của huyện Quỳnh Phụ. Chính vì thế, sau khi Quy hoạch tỉnh được phê duyệt, huyện Quỳnh Phụ đã phối hợp các sở, ngành tập trung triển khai các bước điều chỉnh quy hoạch vùng huyện, quy hoạch các xã, thị trấn, quy hoạch sử dụng đất bảo đảm phù hợp với Quy hoạch tỉnh. Ngoài ra, huyện Quỳnh Phụ cũng chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao, tạo tăng trưởng đột phá để chuyển dịch cơ cấu kinh tế (công nghiệp cơ khí, công nghiệp chuyên nông nghiệp...) gắn với khu công nghiệp cầu Nghìn, khu công nghiệp Thaco - Thái Bình, khu công nghiệp dược - sinh học; phát triển dịch vụ gắn với hoạt động logistics, vận tải; phát triển du lịch văn hóa, tâm linh gắn với không gian lịch sử đền A Sào; đồng thời, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản thực phẩm theo phương án phát triển vùng huyện của Quy hoạch tỉnh.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của anh Trần Xuân Tâm, xã Tân Lễ (Hưng Hà). Ảnh: Hà Tuyết

Công tác tuyên truyền cũng được tỉnh chú trọng thực hiện. Cùng với việc đăng tải Quy hoạch tỉnh trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và website của Sở Kế hoạch và Đầu tư theo đúng quy định, tỉnh còn chỉ đạo tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm cung cấp kịp thời những thông tin về Quy hoạch tỉnh; giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế, các dự án ưu tiên của tỉnh để các nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân dân tìm hiểu, nắm bắt tư duy, tầm nhìn, không gian phát triển mới của tỉnh; thông qua đó thúc đẩy thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh; đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao để thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh.

Với hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp mà Quy hoạch tỉnh đã đề ra, cộng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện sau khi Quy hoạch tỉnh được phê duyệt, tin tưởng rằng trong tương lai không xa Thái Bình sẽ trở thành một cực tăng trưởng mới trong khu vực đồng bằng sông Hồng, có nền kinh tế phát triển, là nơi đáng sống trên chặng đường hội nhập và phát triển.

Minh Hương