Thứ 5, 14/11/2024, 23:23[GMT+7]

Sản xuất lúa tái sinh chỉ phổ biến rộng khi đã có quy trình chuẩn và phù hợp với từng địa phương

Thứ 6, 09/08/2013 | 09:58:45
3,205 lượt xem
Sau thu hoạch lúa vụ xuân năm 2013, một số xã ở Quỳnh Phụ đã để 500 ha lúa tái sinh, như An Ấp 120 ha, Quỳnh Hội 100 ha, Quỳnh Minh 70 ha… Kết quả, năng suất các giống chất lượng đạt từ 80 - 120 kg/sào, giống lúa năng suất cao đạt từ 120 - 150 kg/sào; giá trị tăng từ 165.000 - 400.000 đồng/sào so với gieo cấy thông thường.Tuy nhiên, để phổ biến rộng rãi sản xuất lúa tái sinh cần đưa ra được quy trình kỹ thuật chuẩn và phù hợp với từng địa phương

120 ha lúa tái sinh tại xã An Ấp (Quỳnh Phụ) cho thu hoạch sau 45 ngày gặt lúa xuân. Nguồn: Sở Nông nghiệp và PTNT

Để lúa tái sinh phát triển đúng hướng, có hiệu quả cao; mặt khác không để nguồn sâu bệnh ảnh hưởng đến các vụ cũng như năng suất, sản lượng lương thực, tiến tới lúa tái sinh được phổ biến rộng ở các địa phương có kế hoạch sản xuất cây màu vụ đông ưa ấm sớm, phóng viên Báo Thái Bình đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn để làm rõ vấn đề này.

Phóng viên (PV): Xin bà cho biết về thực trạng  lúa tái sinh trên địa bàn tỉnh trong những năm qua?

Bà Nguyễn Thị Nga: Trong những năm gần đây, do nhu cầu của sản xuất cây vụ đông ưa ấm, nhất là các địa phương có tập quán trồng ớt xuất khẩu, thời vụ trồng từ trung tuần tháng 8, do đó để bảo đảm kịp thời vụ nhiều địa phương sau thu hoạch lúa xuân không cấy lúa mùa. Để tận dụng thời gian từ khi thu hoạch lúa xuân đến lúc trồng ớt, một số xã đã để lúa tái sinh tự phát, nếu sâu bệnh ít thì năng suất đạt khoảng 20 - 30 kg/sào. Tuy nhiên, do thiếu sự chỉ đạo nên lúa tái sinh phát triển theo hướng tự do, dẫn đến sâu bệnh nhiều, làm cầu nối cho sâu bệnh gây hại sớm, mật độ cao trên mạ, lúa mùa ở các khu vực lân cận. Trước thực trạng này, để tăng năng suất lúa tái sinh và cắt nguồn bệnh cho lúa mùa, Chi cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng quy trình sản xuất lúa tái sinh ở cuối vụ xuân năm 2012 và năm 2013 tại một số HTX DVNN ở Quỳnh Phụ. Do được tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên lúa tái sinh tại các vùng này đã cho năng suất tăng đột biến; nhiều hộ dân và cán bộ HTX cũng bất ngờ về điều này.

PV: Cụ thể hiệu quả của lúa tái sinh và quy trình sản xuất như thế nào, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Nga: Thực tế lúa tái sinh giống chất lượng đã cho năng suất từ 80 - 120 kg/sào, giống năng suất cao đạt 120 - 150 kg/sào, nếu hạch toán về kinh tế thì người nông dân có lãi hơn so với gieo cấy thông thường từ 165.000 -  400.000 đồng/sào; đồng thời có quỹ đất để gieo trồng cây vụ đông ưa ấm sớm (trong tháng 8) nên cho giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, về sản lượng lương thực bị giảm là điều khó tránh khỏi, nhưng mấu chốt là giá trị trên đơn vị diện tích canh tác tăng cao, người dân được hưởng lợi. Đồng thời, để lúa tái sinh đạt năng suất, giá trị cao hơn, trước hết việc phòng trừ sâu bệnh phải được giải quyết đầu tiên, công tác dự báo sâu bệnh thật chuẩn xác và phòng trừ kịp thời. Trước mắt, muốn sản xuất được lúa tái sinh phải đáp ứng các điều kiện sau: Các hộ nông dân cần được phổ biến các kiến thức cơ bản về kỹ thuật sản xuất lúa tái sinh; ruộng để lúa tái sinh nên chọn các giống lúa có sức sống khỏe, gốc cứng trong điều kiện vụ xuân không bị nhiễm bệnh đạo ôn hoặc khô vằn; việc sản xuất lúa tái sinh phải được quy hoạch thành vùng tập trung để chủ động nước tưới và phòng trừ sâu bệnh.

PV: Giá trị của lúa tái sinh đã rõ, vậy định hướng của ngành Nông nghiệp về phát triển lúa tái sinh như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Nga: Sản xuất lúa tái sinh rút ngắn được thời gian sản xuất lúa mùa, tạo được quỹ đất để sản xuất cây vụ đông ưa ấm, như ớt, ngô… sản phẩm bán ra thị trường sớm, được giá, người dân hưởng lợi cao. Tuy nhiên, trong thời gian tới ngành Nông nghiệp vẫn phải tiếp tục nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật để phát huy tối đa khả năng về năng suất của lúa tái sinh. Đồng thời, việc phát triển lúa tái sinh chỉ có thể phổ biến rộng rãi khi ngành Nông nghiệp đã đưa ra được quy trình kỹ thuật chuẩn và phù hợp với từng địa phương. Trước mắt, chỉ có thể khuyến cáo bà con nông dân ở từng địa phương nếu có nhu cầu trồng cây vụ đông ưa ấm sớm trong tháng 8 thì mới để lúa tái sinh; việc để lúa tái sinh cần có sự chỉ đạo chung của địa phương và các cơ quan chuyên môn.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà về cuộc trao đổi này.

Nguyên Bình (thực hiện)

 

  • Từ khóa