Thứ 7, 23/11/2024, 14:17[GMT+7]

Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 Quy hoạch sử dụng đất thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển

Thứ 2, 04/03/2024 | 09:20:35
21,170 lượt xem
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một trong những công cụ quan trọng của các cấp chính quyền trong quản lý và khai thác đất đai có hiệu quả. Việc phân bố đầy đủ, hợp lý quỹ đất đã đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, địa phương theo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Quy hoạch tỉnh, diện tích đất khu công nghiệp đến năm 2030 có 5.859ha, tăng 4.950ha so với năm 2020.

Tạo thuận lợi cho người dân

Ông Nguyễn Văn Nho, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Những năm qua, công tác quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (KHSDĐ) trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào thực chất, góp phần tích cực vào việc sử dụng hợp lý và hiệu quả quỹ đất. Việc lập KHSDĐ tuân thủ các nguyên tắc, căn cứ, trình tự, nội dung mà pháp luật về đất đai quy định. Việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất bám sát và tuân thủ KHSDĐ; hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng vi phạm quy hoạch, KHSDĐ trong giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất ở các địa phương. Thông qua quy hoạch, KHSDĐ phát huy tính dân chủ, công khai, giảm được nhiều tiêu cực trong công tác quản lý đất đai. Việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất đã khai thác tốt tiềm năng đất đai phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện, trình UBND tỉnh phê duyệt KHSDĐ năm 2023 của 8/8 huyện, thành phố; hướng dẫn UBND huyện, thành phố tổ chức lập, trình thẩm định kế hoạch sử dụng đất năm 2024. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND huyện, thành phố rà soát chỉ tiêu sử dụng đất trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo ông Nguyễn Văn Phát, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ: Công tác quy hoạch, KHSDĐ được tổ chức triển khai nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy định và đạt nhiều kết quả tích cực. Cơ cấu sử dụng đất được chuyển đổi phù hợp với quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất trong nông nghiệp, nông thôn phù hợp với nền kinh tế hàng hóa. Quy hoạch, KHSDĐ đã trở thành cơ sở pháp lý cho việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Việc đầu tư và khai thác các chương trình, dự án hàng năm tuân theo quy hoạch, KHSDĐ đã được duyệt. Chỉ các công trình dự án phù hợp với quy hoạch thì được triển khai thủ tục đầu tư tiếp theo. Công tác công bố quy hoạch được UBND huyện thực hiện công khai rộng rãi, chi tiết đến các điểm khu dân cư, qua đó giúp người dân nắm được thông tin về quy hoạch, KHSDĐ.

Còn theo ý kiến của ông Nguyễn Văn Đình, phường Quang Trung, thành phố Thái Bình, việc lập quy hoạch, KHSDĐ trên địa bàn thành phố đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận đầy đủ các thông tin về đất đai.

Nhiều diện tích đất nông nghiệp được tích tụ thành vùng chuyên canh tập trung quy mô lớn.
Trong ảnh: Mô hình tích tụ đất nông nghiệp tại xã Song Lãng (Vũ Thư).

Phân bổ hợp lý nguồn tài nguyên đất

Là một trong những tỉnh trọng điểm sản xuất lương thực của cả nước nên trong Quy hoạch tỉnh, Thái Bình xác định phát triển nông nghiệp tập trung canh tác bằng công nghệ mới, giống mới, sinh trưởng mới... trên cơ sở phân phối lại đất đai cho người lao động, đặc biệt là lao động bị mất phương tiện sản xuất, nhằm ổn định lực lượng lao động, nâng cao trình độ cho lực lượng lao động nông nghiệp và nâng cao sản lượng tiềm năng cho ngành nông nghiệp. 

Các khu vực sản xuất nông nghiệp về cơ bản được giữ nguyên ở địa bàn các huyện, trừ những khu vực được đô thị hóa và công nghiệp hóa. Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi ruộng đất ở những vùng ruộng đất manh mún, phân tán bằng biện pháp dồn điền đổi thửa, hình thành các vùng chuyên canh tập trung quy mô lớn hơn, cánh đồng mẫu lớn, có năng suất cây trồng cao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới phù hợp với yêu cầu sản xuất hàng hóa, phù hợp cho chuyển giao khoa học công nghệ, đầu tư cơ sở hạ tầng. Phát triển sản xuất gắn với tăng cường hệ thống chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ. Để đạt được mục tiêu này, quỹ đất cần thiết để phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 khoảng 78.000ha; đến năm 2050 là 54.000ha. Trong đó: đất trồng lúa đến năm 2030 là 64.000ha; đến năm 2050 là 50.000ha. Diện tích đất trồng lúa chủ yếu tập trung tại các huyện Kiến Xương, Đông Hưng, Hưng Hà, Thái Thụy, Quỳnh Phụ, Vũ Thư.

Hưởng ứng chủ trương “trải thảm đỏ” trong kêu gọi thu hút đầu tư của tỉnh, những năm qua, nhiều doanh nghiệp đã đến Thái Bình tìm hiểu, triển khai các dự án đầu tư, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Năm 2023, Thái Bình bứt phá trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với gần 3 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, xếp trong tốp 5 toàn quốc về thu hút vốn FDI. Để đón làn sóng đầu tư, tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm tăng cường, nâng cao năng lực quản lý đất đai. 

Theo Quy hoạch tỉnh, diện tích đất khu công nghiệp đến năm 2030 có 5.859ha, tăng 3.294ha so với chỉ tiêu Chính phủ phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg, ngày 9/3/2022 (2.565ha), chiếm 8,18% tổng diện tích tự nhiên, tăng 4.950ha so với năm 2020. Diện tích đề xuất tăng thêm để bố trí cho 12 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1486/QĐ-TTg, ngày 28/10/2019. Đất cụm công nghiệp, đến năm 2030 có 4.198ha, xây dựng 67 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, bảo đảm quỹ đất thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như tạo thêm việc làm cho người dân địa phương.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Nho, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất đã đóng góp nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước thông qua đấu giá, thu tiền khi giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Diện tích đất chưa sử dụng từng bước được khai thác, đưa vào sử dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất cho phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ môi trường. Vì vậy, các sở, ngành, đơn vị, địa phương cần tiếp tục quan tâm tổ chức thực hiện quy hoạch theo từng cấp đã được duyệt. Trong đó, chú trọng huy động nguồn lực triển khai; xác định ranh giới, công khai diện tích, điều tiết phân bổ nguồn lực; khai hoang mở rộng; chủ động thu hồi đất theo quy hoạch; giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch.

Thi công tuyến đường trục phía Nam Khu kinh tế Thái Bình đoạn qua huyện Kiến Xương.

Minh Nguyệt