Thứ 6, 15/11/2024, 17:05[GMT+7]

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn về vốn đầu tư Cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

Thứ 3, 13/08/2013 | 14:23:59
1,098 lượt xem
Những năm qua, các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chính sách ưu tiên vốn đầu tư cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn hàng năm tăng trên 30%. Tuy nhiên, nhu cầu về vốn trong lĩnh vực này đang còn là vấn đề cần được các ngành chức năng và các tổ chức tín dụng quan tâm tháo gỡ.

Nhiều trang trại ở Thái Thụy đang rất cần ngân hàng cho vay vốn để mở rộng quy mô.

Toàn ngành hiện có 462 chi nhánh, phòng giao dịch, điểm giao dịch hoạt động tại khu vực nông thôn, chiếm 87,9% tổng số điểm hoạt động ngân hàng toàn địa bàn. Giai đoạn 2008 – 2012, các ngân hàng, TCTD đã giải ngân tổng doanh số cho vay 54.493 tỷ đồng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thái Bình. Đến hết tháng 6/2013, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 10.890 tỷ đồng, tăng 3,2 lần so với cuối năm 2008 và chiếm 42,9% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn với gần 265.000 khách hàng còn dư nợ. Tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay giai đoạn 2008 - 2012 đạt 32,1%/năm.

Trong đó, nguồn vốn tín dụng được ưu tiên tối đa phục vụ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vùng sản xuất lúa hàng hóa, cây màu xuất khẩu, phát triển kinh tế gia trại, trang trại, nuôi trồng thủy sản. Dư nợ cho vay lĩnh vực này đến hết tháng 6/2013 đạt 4.848 tỷ đồng, chiếm 44,5% dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn. 91.000 doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh đã được vay 4.374 tỷ đồng đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phát triển nghề và làng nghề, thương mại dịch vụ ở nông thôn tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Các doanh nghiệp xây dựng trong tỉnh vay 67,6 tỷ đồng xây dựng hệ thống đường giao thông, thủy lợi, điện, trường học, chợ nông thôn.

Dù đã đạt được kết quả đáng khích lệ, song việc đầu tư tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình còn gặp không ít khó khăn. Một số khách hàng đầu tư sản xuất ở nông thôn có nhu cầu vẫn chưa tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng do không đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn của ngân hàng như: thiếu năng lực tài chính, thiếu tài sản thế chấp, chưa có dự án sản xuất kinh doanh khả thi, hiệu quả. Hiện nay, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh nói chung, khu vực nông thôn nói riêng vẫn còn chậm nên doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân không đủ điều kiện thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng.

Trong khi nguồn vốn cho nông dân vay qua tín chấp của các tổ chức hội thường ở mức tối đa 30 triệu đồng/hộ nên chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất kinh doanh. Ông Vũ Đức Nghiễm, chủ một trang trại ở xã Thụy Hưng (Thái Thụy) cho biết: “Trang trại của gia đình tôi thường xuyên nuôi 1.000 gà, vịt, từ 80 đến 100 lợn, chưa kể ao nuôi cá, nhu cầu vay vốn từ 100 đến 200 triệu đồng  nhưng vì cả trang trại và đất ở của gia đình đều chưa được cấp bìa đỏ, không lấy gì để thế chấp bảo đảm vay vốn ngân hàng. Thiếu vốn cộng với thị trường tiêu thụ bấp bênh đã khiến việc sản xuất của gia đình gặp rất nhiều khó khăn”. Trong phần lớn đề án xây dựng nông thôn mới của các địa phương hiện nay mới chỉ tính đến nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn doanh nghiệp và nhân dân mà chưa tính đến kế hoạch huy động nguồn vốn tín dụng.

Hiện nay, vốn vay đầu tư cho nền kinh tế nói chung, phát triển nông nghiệp, nông thôn nói riêng chiếm quá nửa là vốn vay ngắn hạn nên khách hàng chưa yên tâm đầu tư sản xuất. Ông Vũ Huy Đông, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt sợi Damsan chia sẻ: “Hiện nay, lãi suất ngân hàng đã giảm, cơ chế cho vay khá thông thoáng nên nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất về các xã, thị trấn tạo việc làm cho lao động nông nhàn ở nông thôn.

Tuy nhiên, thời gian xây dựng nhà xưởng, tổ chức sản xuất đến lúc có doanh thu phải mất từ 1,5 đến 2 năm nhưng thời hạn vay vốn ngắn khiến chủ doanh nghiệp vẫn e ngại không dám đầu tư”. Hiện nay, hầu hết các HTX dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa tiếp cận được vốn vay của ngân hàng do không có tài sản hoặc giá trị tài sản quá thấp, không thể thế chấp bảo đảm tiền vay nên thiếu vốn để tổ chức các khâu dịch vụ hỗ trợ nông dân trong sản xuất. Thời gian qua, do tác động của suy giảm kinh tế, thiên tai, dịch bệnh, thị trường tiêu thụ nhiều loại nông sản bấp bênh đã gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp dẫn đến giá trị, hiệu quả sản xuất tăng chậm. Chính những yếu tố trên gây khó khăn cho ngân hàng trong việc mở rộng đầu tư, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Bà Phan Thị Tuyết Trinh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh cho biết: Để tháo gỡ những khó khăn trên, Chi nhánh NHNN tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng, TCTD trên địa bàn tiếp tục mở rộng mạng lưới, thực hiện đồng bộ, đa dạng hóa các giải pháp huy động vốn để tăng cường cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2015, tổng dư nợ đạt 15.200 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2014 - 2015 là 15,5%/năm. Tiếp tục thực hiện lộ trình giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam, chấp hành nghiêm túc trần lãi suất cho vay đồng thời điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ, miễn giảm lãi vay đối với những khách hàng vay vốn đủ điều kiện. Thực hiện tốt cơ chế hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng của Chính phủ, của tỉnh đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, cùng với những giải pháp của ngành, Chi nhánh NHNN cũng đề nghị tỉnh đẩy mạnh việc tuyên truyền, triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường chỉ đạo các cấp, các ngành xác định rõ vai trò của vốn tín dụng đầu tư xây dựng nông thôn mới tạo thuận lợi để các ngân hàng, TCTD chủ động bố trí nguồn vốn thực hiện. Tiếp tục thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là hỗ trợ lãi suất đối với các tổ chức cá nhân vay vốn đầu tư xây dựng các công trình nước sạch phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình ở nông thôn. Có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ nông dân về giống, khoa học kỹ thuật, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ các HTX dịch vụ nông nghiệp thực hiện tốt hơn các khâu dịch vụ… nhằm tạo ra nhu cầu về đầu tư vốn của các TCTD. Chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, hộ gia đình tạo điều kiện thuận lợi cho cả ngân hàng và khách hàng khi thực hiện các thủ tục thế chấp, bảo đảm tiền vay.

Bài, ảnh: Mạnh Cường

  • Từ khóa