Thứ 6, 15/11/2024, 16:46[GMT+7]

Tiền Hải Hiệu quả sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 02

Thứ 4, 14/08/2013 | 09:36:47
957 lượt xem
Đầu tháng 7 vừa qua, Tiền Hải tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Những kết quả thực tế diễn ra ở cơ sở đã chứng minh hiệu quả ban đầu đạt được đang góp phần quan trọng thúc đẩy sự nghiệp kinh tế - xã hội của huyện phát triển.

Đưa cơ giới hóa vào sản xuất đã góp phần giải quyết việc chậm lịch thời vụ từ nhiều năm nay ở Tiền Hải.

Về thăm xã Vân Trường, ông Nguyễn Quang Khánh, Chủ nhiệm HTX DVNN cho biết: Sau khi hoàn thành dồn điền đổi thửa và một phần cơ sở vật chất giao thông, thủy lợi nội đồng, Vân Trường đã quy hoạch mỗi thôn một vùng chuyên canh lúa và một vùng cây vụ đông. Vụ xuân vừa qua, xã gieo cấy 403 ha, năng suất bình quân đạt hơn 73 tạ/ha. Kết quả dồn điền đổi thửa còn giúp xã hoàn thành gieo cấy lúa mùa trong khung thời vụ tốt nhất (ngày 17/7), tạo tiền đề hoàn thành kế hoạch gieo trồng từ 250 - 260 ha cây vụ đông. Tại xã Vũ Lăng, sau dồn điền đổi thửa, các thôn Lê Lợi, Hưng Đạo, Trưng Vương đã bố trí gieo cấy đúng giống, đúng trà lúa vào vùng đã quy hoạch.

Vụ mùa 2013, Vũ Lăng nhân đôi diện tích lúa xuất khẩu so với vụ xuân và gieo cấy thực nghiệm thêm một giống lúa xuất khẩu mới là Ha - na, được Công ty TNHH An Bình (Hà Nội) ký hợp đồng bao tiêu 100% sản phẩm. Cả 2 giống lúa xuất khẩu đều là giống ngắn ngày, sau thu hoạch sẽ tạo quỹ đất trồng cây vụ đông ưa ấm như dưa, bí xanh, ớt xuất khẩu...  Đối với Nam Hà, từ kết quả bước đầu XDNTM, xã đã xây dựng thêm một làng nghề mới, đưa 3/4 làng của xã được tỉnh công nhận làng nghề. Tại đây còn thu hút được một số doanh nghiệp nhỏ vào đầu tư sản xuất – kinh doanh, thu hút hàng ngàn lao động “ly nông, không ly hương”.

Đến tháng 7 năm nay, Tiền Hải có 34/34 xã đã xây dựng và được phê duyệt quy hoạch chung, 100% các xã hoàn thành quy hoạch giao thông thủy lợi, 8/34 xã hoàn thành quy hoạch chi tiết khu trung tâm. Trong tiến trình XDNTM, Tiền Hải đang có nhiều mặt nổi trội, như dồn điền đổi thửa đã hoàn thành từ cuối năm 2012, với bình quân hơn 1,4 thửa/hộ; các xã Đông Minh, Nam Thịnh, Nam Cường đạt từ 1,06 - 1,09 thửa/hộ. Thắng lợi dồn điền đổi thửa đã tạo điều kiện xây dựng được các vùng sản xuất hàng hóa và chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi tích cực hơn, thêm nhiều cánh đồng mẫu thâm canh một giống lúa như Đông Quý 115 ha, Nam Thắng 123 ha... Phục vụ sản xuất và đời sống theo mô hình nông thôn mới, Tiền Hải đã huy động các nguồn lực đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để đào đắp, xây dựng hệ thống thuỷ lợi, giao thông nội đồng, đường giao thông thôn theo tiêu chí nông thôn mới.

Nhiều xã có tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng nhanh như Nam Thắng chỉ trong 6 tháng đã xây dựng được 22 tuyến đường bê tông dài hơn 8,6 km, Tây Giang đầu tư 6,2 tỷ đồng xây được hệ thống giao thông nội đồng phục vụ kịp thời cho sản xuất... Phong trào đưa cơ giới vào sản xuất phát triển đột phá, 2 năm qua huyện đã có thêm 161 máy làm đất đa năng và gặt đập liên hợp. Nhờ vậy, năm 2013 cả 2 vụ xuân, vụ mùa Tiền Hải giải được bài toán khó: khắc phục tình trạng cấy trễ lịch. Cùng với trồng trọt, các lĩnh vực khác như chăn nuôi, nuôi trồng thủy, hải sản có bước phát triển cả lượng và chất. Đến nay, toàn huyện có hơn 2.000 trang trại, gia trại, trong đó 400 trang trại xây dựng đồng bộ, hiện đại, quy mô chăn nuôi từ 1.500 - 2.500 đầu lợn và nhiều trang trại chăn nuôi gia cầm lớn... bảo đảm sản xuất thực phẩm sạch, an toàn.

 Kết quả đào tạo nghề, dạy nghề cho nông dân ở Tiền Hải cũng là nét nổi bật, huyện vẫn duy trì 2 trung tâm dạy nghề, mỗi năm đào tạo và bồi dưỡng cho khoảng 300 lao động. 25 trung tâm học tập cộng đồng các xã vẫn hoạt động đều, góp phần đưa các tiến bộ KHKT mới đến với hàng chục ngàn lao động nông thôn, nông nghiệp. Cùng với đó, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển, trên địa bàn huyện hiện có 1 khu công nghiệp và 2 cụm công nghiệp, 27 làng nghề, góp phần chuyển dịch 27.000 lao động nông nghiệp sang sản xuất CN – TTCN. Bài học thành công bước đầu được Tiền Hải rút ra, đó là cùng với việc quán triệt, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước đến cán bộ, nhân dân một cách bài bản, thấu đáo thì công tác chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần quyết liệt và luôn chủ động, thường xuyên.

Một kinh nghiệm quan trọng nữa là chú trọng công tác khai thác, quản lý và sử dụng nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực trong dân; sau 2 năm đưa Nghị quyết số 02 vào cuộc sống, Tiền Hải đã khai thác và đưa vào đầu tư 2.072 tỷ đồng phục vụ XDNTM theo chương trình và các đề án được phê duyệt, trong đó 63%  do nhân dân tự nguyện đóng góp và nguồn xã hội hóa khác. Kinh nghiệm thứ ba là các địa phương cần biết khai thác cơ sở hạ tầng có được để phục vụ kịp thời cho sản xuất và đời sống, từ đó quay trở lại đầu tư cho các bước tiếp theo.

Sau hai năm XDNTM, Tiền Hải đã có 2 xã đạt 15/19 tiêu chí (Đông Lâm và Tây Giang), 5 xã đạt 14 tiêu chí, 17 xã đạt 11 đến 13 tiêu chí, 10 xã đạt 7 đến 10 tiêu chí. Hạn chế lớn nhất ở Tiền Hải là tiến độ không đồng đều; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo ở một số xã chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; một số địa phương thiếu năng động, nhiệt huyết trong khai thác tiềm năng, nguồn lực tại chỗ, trông chờ vào sự hỗ trợ của tỉnh và Trung ương. Tiền Hải đã đưa ra mục tiêu và giải pháp để thực hiện giai đoạn tới, trong đó chú trọng phát triển kinh tế bền vững, đồng đều trong cả ba lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế biển và CN - TTCN. Phấn đấu hết năm 2013 có 4 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí. Đến năm 2015, có 8 xã đạt 19/19 tiêu chí, các xã còn lại đạt 14 – 15 tiêu chí trở lên.

Bài, ảnh: Phan Lợi

  • Từ khóa