Thứ 6, 15/11/2024, 16:55[GMT+7]

Nam Hải Coi trọng phương châm “4 tại chỗ” trong mùa bão lụt năm 2013

Thứ 5, 15/08/2013 | 13:31:09
1,291 lượt xem
Nam Hải (Tiền Hải) là xã tiếp giáp với tuyến đê sông Hồng, sông Lân và tuyến đê biển số 5. Vì vậy mọi diễn biến bất thường của thời tiết đều ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống, luôn tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đến tài sản, tính mạng của nhân dân. Với đặc điểm tình hình đó, Nam Hải luôn chuẩn bị tốt mọi mặt để ứng phó với bão lụt, trong đó đặc biệt coi trọng phương châm “4 tại chỗ”.

Kiên cố hóa đê tại khu vực xã Nam Hải (Tiền Hải).

Năm 2012, Nam Hải chịu hậu quả cơn bão số 8 làm tốc mái 1.250 công trình nhà cửa; sập đổ 7.500 m tường dậu nhà dân; 126,2 ha lúa mùa chưa kịp thu hoạch giảm năng suất tới 40%; ngập lụt gây thất thoát tôm, cá của gần 30 ha ao hồ; làm chết 3.075 con gia cầm... Tổng thiệt hại lên tới 15 tỷ đồng - số tiền không nhỏ đối với một xã thuần nông như Nam Hải. Ngoài sự bất khả kháng trước siêu bão (giật trên cấp 15), Nam Hải cũng nhìn ra những mặt còn hạn chế do nguyên nhân chủ quan.

Mặc dù được xã liên tục tuyên truyền, thông báo trên các phương tiện thông tin nhưng một bộ phận nhân dân  vẫn lơ là, chủ quan. Họ cho rằng đã cuối tháng 10 thì không có khả năng bão đổ bộ, nên không huy động tối đa lực lượng, phương tiện thu hoạch lúa; việc chằng, chống nhà cửa sơ sài. Một số thành viên của các tiểu ban phòng chống lụt bão (PCLB) cũng chủ quan, thiếu sự kiểm tra, đôn đốc nên khi  cường độ bão số 8 lớn thì lúng túng bị động.

Khi xây dựng phương án PCLB năm nay, Nam Hải đã tổ chức kiểm tra đánh giá thực trạng đê, kè, cống. Mặc dù đã được Nhà nước đầu tư nâng cấp và cứng hoá hệ thống đê, song trên tuyến đê biển số 5 vẫn có một số đoạn thấp hơn so với cao trình thiết kế; một số mái đê đã sạt lở dù chưa có mưa bão xảy ra. Tuyến đê bối của HTX DVNN An Hạ chỉ có thể chịu được bão với gió cấp 8, cấp 9... nếu cấp gió lớn hơn sẽ rất nguy hiểm. Đó là bão lũ, còn mưa lớn từ 200 mm trở lên trong một khoảng thời gian ngắn cũng sẽ gây ngập úng không nhỏ diện tích lúa mùa và đe dọa gần 30 ha nuôi trồng thủy sản của xã.

Để chủ động ứng phóng với thiên tai, Nam Hải rất coi trọng công tác tuyên truyền để mọi người, mọi nhà có nhận thức đầy đủ, sâu sắc tầm quan trọng của PCLB. Từ bài học chủ quan, mất cảnh giác trước cơn bão số 8/2012, Nam Hải xác định năm nay phải có sự chuẩn bị tốt hơn, chấp hành nghiêm túc sự điều hành, chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCLB. Với phương châm “4 tại chỗ”, trước hết là “chỉ huy tại chỗ”, Nam Hải đã thành lập 2 ban chỉ huy tiền phương và chỉ huy hậu phương.

Mỗi thành viên được phân công đảm nhiệm nhiệm vụ hết sức cụ thể. Đồng chí xã đội trưởng phụ trách lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên và đội cừ sách; cán bộ địa chính - nông nghiệp đảm nhiệm công tác phối hợp với các tổ canh đê, thường xuyên kiểm tra an toàn đê biển số 5 và một số đoạn xung yếu. Đồng chí Bí thư  Đoàn Thanh niên xã lo điều động lực lượng đoàn viên, thanh niên để bổ sung cho đội ứng cứu khi cần thiết... Về “vật tư tại chỗ”, Nam Hải chỉ đạo các thôn thông báo và tập kết tại nhà  thôn trưởng, mỗi hộ 3 bao tải (tổng toàn xã khoảng 8.300 bao), cùng với 2.000 bao do UBND xã mua dự phòng. UBND xã còn hợp đồng mua 150 cây tre, nếu cần huy động được ngay.

Ngoài ra, Nam Hải còn dự phòng đủ cơ số thuốc phục vụ cho nhân dân khi bão, lụt xảy ra. Đối với phương tiện tại chỗ, Ban Chỉ huy PCLB xã chuẩn bị phương án điều động một số xe ô tô tải chở vật tư, 1 xe chở người khi bị nạn; các phương tiện khác như xẻng, cuốc, máy phát điện, xe thồ... cũng được phân công cho các thôn chuẩn bị, tập kết tại địa điểm thuận lợi. Trong huy động lực lượng tại chỗ: Đoàn Thanh niên xã chọn và biên chế 150 - 200 đoàn viên vào lực lượng xung kích; Ban Quân sự xã biên chế 70 dân quân tự vệ vào đội cừ sách.

Các thôn cũng được giao chọn 30 lao động khỏe, thường xuyên có mặt tại địa phương, sẵn sàng chờ lệnh điều động khi cần. Các lực lượng thông tin liên lạc, cứu thương, tuần tra, kiểm tra các công trình thủy lợi và đê điều cũng được Nam Hải bố trí cụ thể, chi tiết. Việc phòng chống úng được Nam Hải xây dựng cùng với phương án sản xuất vụ mùa và vụ đông và giao cho 2 HTX DVNN đảm nhận tổ chức khơi thông dòng chảy thường xuyên. Ban quản trị các HTX phối hợp với thôn trưởng củng cố vững chắc bờ vùng, đường vùng và phân công lao động thường trực điều tiết nước hợp lý, phòng chống úng cục bộ khi mưa lớn xảy ra.

Bài, ảnh: Phan Anh

  • Từ khóa