Chủ nhật, 17/11/2024, 04:51[GMT+7]

Quỹ TDND Nam Hải "Kênh dẫn" vốn đắc lực phục vụ phát triển KT-XH địa phương.

Thứ 3, 14/09/2010 | 09:23:30
1,218 lượt xem
Nam Hải (Tiền Hải) là xã sản xuất phát triển đa dạng. Hai bên trục đường trung tâm xã khá sầm uất như một thị tứ. Xã có trên 100 hộ làm ngành nghề và kinh doanh dịch vụ. Chương trình chuyển đổi cây trồng vật nuôi đã tạo ra tập đoàn cây trồng phong phú như lạc xuân, đậu tương, ngô, khoai tây, cói, các loại rau màu... phá thế độc canh cây lúa.

Thời gian qua, quỹ Nam Hải không ngừng cải tiến phương pháp làm việc để phục vụ khách hàng vay vốn nhanh, kịp thời. Trong ảnh:Thị trấn tiền hải ngày một khang trang đổi mới, một phần nhờ có nguồn vốn của quỹ tín dụng. Ảnh: Thành Tâm

Nam Hải (Tiền Hải) là xã sản xuất phát triển đa dạng. Hai bên trục đường trung tâm xã khá sầm uất như một thị tứ. Xã có trên 100  hộ làm ngành nghề và kinh doanh dịch vụ. Chương trình chuyển đổi cây trồng vật nuôi  đã tạo ra tập đoàn cây trồng phong phú như lạc xuân, đậu tương, ngô, khoai tây, cói, các loại rau màu... phá thế độc canh cây lúa.

 

Ngoài chăn nuôi lợn và gia cầm các loại, xã còn phát triển đàn trâu bò gần 400 con. Cùng với nghề nuôi thả cá nước ngọt là đánh bắt, chế biến hải sản. Chính vì thế, nguồn vốn cần cho đầu tư phát triển ở địa phương khá lớn hàng chục tỷ đồng, trong đó kênh vốn huy động tại chỗ để cho vay những hộ thành viên của quỹ TDND đạt 14,5 tỷ đồng.

 

Để chủ động vốn hoạt động, quỹ TDND thường xuyên tuyên truyền rộng rãi trên hệ thống loa truyền thanh và trực tiếp tại các hội nghị của xã. Quỹ còn coi trọng việc xây dựng uy tín bằng nhiều biện pháp như xây dựng nội quy, quy định, đổi mới lề lối, tác phong làm việc của nhân viên, đảm bảo khả năng chi trả, tham gia quỹ an toàn hệ thống và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, đảm bảo an toàn bí mật cho người gửi tiền.

 

Đến 31/3/2010, số dư huy động tiết kiệm của quỹ đạt gần 7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, quỹ còn chú trọng tăng thêm vốn tự có bằng cách kết nạp thêm thành viên, tăng vốn điều lệ từ 22 triệu đồng (năm 1994) lên 450 triệu đồng, vốn tự có từ 34 triệu lên 641 triệu đồng. Vì thế món cho vay cao nhất đã tăng từ 5 triệu lên 70 triệu đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho thành viên có nhu cầu sử dụng vốn. Hiện quỹ có 1282 thành viên, trong đó 989 hộ đang dư nợ. 20% số khế ước vay từ 50-70 triệu đồng.

 

Nguồn vốn cho vay sản xuất nông nghiệp trên 11 tỷ đồng, cho vay kinh doanh, ngành nghề trên 2,3 tỷ đồng, còn lại là cho vay sinh hoạt đời sống.

Cùng cán bộ của quỹ, chúng tôi có điều kiện đi thăm một số mô hình sử dụng vốn vay. Gia đình anh chị Vinh-Đào, thôn Nội Lang Bắc có nghề làm miến gạo, chế biến 2,5 tạ gạo/ngày. Tận dụng phụ phẩm nuôi 10-16 con lợn/lứa, mỗi năm 5 lứa. 12 năm trước đây anh chị chuyên đi mua miến về bán. Được quỹ cho vay 1 triệu đồng, anh chị đã đầu tư mua 1 máy miến 2,2 triệu đồng.

 

Từ đó kinh tế phát triển nuôi 2 con ăn học, căn nhà mái bằng khang trang thay thế 3 gian nhà rạ. Có vốn đầu tư mua máy miến công suất lớn hơn. Chị cho biết: Cả thôn có gần chục nhà làm nghề. Kinh tế được cải thiện rõ rệt. Hầu hết các hộ này đều đi lên bằng nguồn vốn tự có và vay mượn của tín dụng.

 

Để mua nguyên liệu sản xuất, chị vẫn phải vay của quỹ 20 triệu đồng nhưng những năm gần đây, chị cũng có nguồn tiền dành dụm để gửi vào quỹ. Cơ sở chế biến hải sản của gia đình anh Nguyễn Văn Đoán (thôn Nội Lang Namon>) khá nổi tiếng với nghề gia truyền các cụ bên ngoại để lại. Anh chị cho biết: Gia đình duy trì nghề làm mắm suốt 19 năm nay nhưng trước đây vốn hạn hẹp không có điều kiện làm nhiều.

 

 Mấy năm nay, vay tín dụng thuận lợi, cộng với vốn tự có, chị đầu tư 500-600 triệu đồng mua tép moi từ Hải Thịnh và 7-8 tấn muối từ Quất Lâm (Nam Định) về chế biến. Do đặc biệt coi trọng vệ sinh thực phẩm và bí quyết trong quy trình chế biến nên sản phẩm làm ra bán rất chạy. Gia đình chị năm nào cũng được  quỹ ghi nhận là thành viên sử dụng vốn có hiệu quả, trả gốc và lãi vay nghiêm túc.

 

Nguồn vốn của quỹ được thành viên mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu, chủ động chuyển đổi cây trồng có hiệu quả cao, phát triển chăn nuôi, làm đầm vùng chuyển đổi theo mô hình gia trại như anh Trần Văn Minh, Vũ Văn Cần hoặc nuôi vài con bò tận dụng lao động phụ trong gia đình. Những hộ kinh doanh vật liệu xây dựng, mở bến bãi như anh Đỗ Minh Khang, kinh doanh vật tư xây dựng như doanh nghiệp Mai Sang, cơ sở sản xuất đồ thờ cúng mỹ nghệ Liên Sơn thu hút hàng chục người tàn tật đều được quỹ tạo điều kiện cho vay mức cao nhất.

 

Không  dừng lại ở việc đầu tư cho những người khá giả làm ăn, quỹ còn cho vay những hộ khó khăn ốm đau đi viện. Thành viên Trần Văn Loát nuôi 3 con ăn học đại học, cao đẳng được quỹ cho vay khi cần tiền gửi cho con. Có người chỉ vay quỹ 200, 500 ngàn đồng, quỹ cũng không quản ngại làm thủ tục giúp họ giải quyết khó khăn trước mắt.

 

 Do làm tốt chặt chẽ quy trình cho vay thẩm định trước, trong và sau khi cho vay, khi nhận tiền có cả vợ và chồng ký vào đơn vay nên nợ quá hạn của quỹ rất thấp, hiện chiếm 0,063% tổng dư nợ. Trong suốt 16 năm thành lập, nhiều năm quỹ không có nợ quá hạn, năm cao nhất cũng chỉ dưới 1%.

 

Điều đó khẳng định chất lượng tín dụng ổn định, an toàn, hiệu quả cao. Các thành viên của quỹ có ý thức trong thực hiện hợp đồng vay vốn. Kinh nghiệm của quỹ là hàng tháng sao kê nợ đến hạn, giao nhiệm vụ cho cán bộ phụ trách địa bàn đôn đốc thu. Cuối tháng kiểm điểm kết quả thực hiện. Quỹ được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, đội ngũ 9 trưởng thôn là tổ trưởng tổ thành viên.

 

Để tạo thuận lợi cho giao dịch, quỹ đầu tư xây dựng trụ sở 2 tầng khang trang, mua sắm máy tính, máy in, máy phát điện, két bạc... Tổng tài sản cố định đạt gần 450 triệu đồng. Một trong những khó khăn lớn nhất của quỹ Nam Hải đó là nguồn vốn huy động tại chỗ không đủ đáp ứng nhu cầu thành viên nên quỹ phải đi vay của quỹ TDND Trung ương khoảng 50% vốn hoạt động, mặt khác việc sử dụng vốn còn mang tính thời vụ theo chu kỳ hàng năm nên lợi nhuận trừ chi phí trong kinh doanh chưa cao.

 

Hiện quỹ đang đề nghị Ngân hàng nhà nước tỉnh cho phép mở rộng địa bàn hoạt động sang xã Hồng Tiến (Kiến Xương). Đây là giải pháp để quỹ tiếp tục phát triển với quy mô lớn hơn, hiệu quả hơn.

Bảo Linh.

  • Từ khóa