Thứ 6, 15/11/2024, 16:47[GMT+7]

Thị trấn An Bài Phát triển kinh tế cần gắn với bảo vệ môi trường

Thứ 2, 19/08/2013 | 10:40:36
1,530 lượt xem
Thị trấn An Bài (Quỳnh Phụ) nổi tiếng với nghề sản xuất vôi. Những năm gần đây, nghề này đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động và đóng góp 80% vào giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của Thị trấn. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích kinh tế, tình trạng ô nhiễm môi trường cũng ngày càng gia tăng.

Công nhân lao động trong môi trường độc hại tại các lò vôi ven sông Hóa (Thị trấn An Bài).

Chúng tôi đến lò vôi của gia đình anh Nguyễn Văn Duy, tổ 12 giữa lúc các nhân công đang bận rộn với công việc xếp than và đá vào lò chuẩn bị cho mẻ nung mới. Anh Duy chia sẻ: Trước đây các lò vôi của An Bài chủ yếu phục vụ xây dựng nhưng gần 10 năm nay khi thị trường xây dựng không chuộng mặt hàng vôi thì các chủ lò chuyển sang sản xuất vôi công nghiệp, phục vụ luyện kim. Thị trường chủ yếu là Đài Loan, Ấn Độ, Băng - la - đét… Trung bình mỗi tháng, 3 lò vôi của gia đình anh xuất bán trên 600 tấn vôi; tạo việc làm cho trên 40 lao động, với thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Duy Tuấn, Chủ tịch UBND Thị trấn An Bài cho biết: Hiện khu vực cầu Nghìn ven sông Hóa có trên 30 hộ, với 97 lò vôi đang hoạt động. Nghề này đã xuất hiện cách đây vài chục năm nhưng đa số các hộ làm nhỏ lẻ và chỉ thực sự phát triển mạnh khoảng 8 năm trở lại đây. Nhờ có nghề sản xuất vôi, đời sống của nhiều hộ gia đình không ngừng tăng cao, bộ mặt nông thôn thay đổi từng ngày. Nhà cao tầng ngày càng nhiều, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa, hầu hết các gia đình đều sắm tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, nuôi con ăn học thành đạt. Nghề này đang tạo việc làm cho trên 1.500 lao động trong và ngoài Thị trấn, chủ yếu là lao động nữ.

Trung bình mỗi lò nung vôi cần khoảng 20 lao động, từ phân loại vôi, xúc xỉ lò, đổ đá vào máng tời cho tới nghiền vôi bột, cào đá trên miệng lò...  Cô Nguyễn Thị Hoan (50 tuổi) tâm sự: Do các nhà máy, xí nghiệp trong khu công nghiệp không tuyển những người cao tuổi nên nghề nhặt vôi là phù hợp với cô trong những lúc nông nhàn. Làm ở môi trường này tuy có ảnh hưởng đến sức khỏe vì thường xuyên tiếp xúc với bụi vôi nhưng với những người có tuổi như cô Hoan thì nhặt vôi vẫn là nghề phù hợp mang lại nguồn thu nhập chính, với mức  từ 2,7 - 3 triệu đồng/người/tháng.

Việc phát triển kinh tế từ nghề truyền thống đã đem lại cho Thị trấn An Bài những kết quả đáng mừng: số hộ nghèo ngày càng giảm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm trên 51%, nông nghiệp chỉ chiếm 5%, còn lại là thương mại, dịch vụ. Tuy nhiên, nghề sản xuất vôi của An Bài vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, lao động thủ công là chính và gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm bụi. Thời gian qua UBND Thị trấn An Bài đã tích cực chỉ đạo nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường như: Thành lập tổ tự quản gồm 4 người hàng ngày thu dọn vệ sinh khu vực quốc lộ 10 và đường làng trong khu dân cư tổ 12, đầu tư kinh phí mua xe phun nước dọc các tuyến đường chính từ tháng 11/2011 (tất cả nguồn kinh phí trên do các chủ hộ sản xuất vôi đóng góp, mỗi lò 160.000 đồng/tháng) tuy nhiên tình trạng ô nhiễm môi trường cũng không cải thiện được là bao.

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Tổ trưởng Tổ dân phố 12 thì việc phát triển các lò vôi tự phát không theo quy hoạch, nhiều hộ gia đình đã dùng đất thổ cư hoặc thuê đất ven sông Hóa để mở lò đã làm tình trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng. Mỗi ngày trên 1.000 tấn vôi, trên 1.500 khối đá, 600 tấn than chất trên các xe tải, xe container làm con đường vào khu dân cư tổ 12 luôn oằn mình gánh chịu. Chị Nguyễn Thị Lượng, nhà sát các lò vôi nói: Vào mùa khô gió thổi mạnh, nhà lúc nào cũng then cài, cửa đóng để chống bụi từ các lò vôi và tiếng ồn phát ra từ các nhà máy trong khu công nghiệp. Tường nhà dính đầy bụi trắng của vôi. Ngày nào cũng phải quét 2 - 3 lần mà vẫn không hết bụi.

Bài toán đặt ra đối với Thị trấn An Bài trong phát triển kinh tế là cần phải chú trọng công tác bảo vệ môi trường. Những thách thức mà An Bài đang phải đối mặt nếu không được giải quyết tốt sẽ ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe người dân. Vì vậy rất mong các cơ quan có liên quan cũng như huyện Quỳnh Phụ chỉ đạo quyết liệt, sớm có biện pháp hữu hiệu xử lý ô nhiễm môi trường ở Thị trấn An Bài.

Bài, ảnh: Minh Nguyệt

  • Từ khóa