Hồng An Phát triển kinh tế trên vùng đất bãi ven sông
Hồng An là xã thuần nông của huyện Hưng Hà, có diện tích bãi bồi rộng hơn 120 ha, hàng năm được bồi đắp lượng phù sa lớn của sông Hồng nên rất màu mỡ. Trước kia, người dân chủ yếu trồng các loại cây màu như ngô, lạc, đậu tương nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Từ năm 2008, một số gia đình ở thôn Bắc Sơn tiên phong chuyển đổi diện tích sang trồng thử nghiệm chuối tiêu hồng. Nhận thấy đây là loại cây dễ trồng, phù hợp với thổ nhưỡng vùng bãi bồi ven sông, sau 5 năm không ngừng mở rộng diện tích, đến nay màu xanh của cây chuối đã phủ 2/3 diện tích đất bãi.
Đi trên cánh đồng của thôn Bắc Sơn, chỗ nào chúng tôi cũng thấy những vườn chuối bạt ngàn, xanh tốt. Có những vườn đang trong kỳ thu hoạch, nơi đang chuẩn bị ra hoa, dự tính sẽ cho thu hoạch vào cuối năm bán trong dịp Tết Nguyên đán. Hiện nay, khoảng 70% diện tích bãi bồi của thôn Bắc Sơn đã được người dân chuyển sang trồng chuối tiêu hồng. Nếu trước kia, mỗi sào đất trồng ngô, khoai, lạc, đậu tương chỉ đem lại cho người nông dân khoản lãi khoảng 1 triệu đồng thì cây chuối tiêu hồng cho thu lãi từ 4 đến 5 triệu đồng/sào/năm.
Ông Trần Ngọc Thịnh, Chủ tịch UBND xã Hồng An cho biết: “Trước kia, người dân trong xã trồng nhiều loại cây hoa màu khác nhau trên vùng đất bãi nhưng năng suất và hiệu quả kinh tế thấp. Nay trồng chuối tiêu hồng cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng hoa màu. Các thôn có diện tích trồng chuối lớn như Bắc Sơn, Việt Thắng, Quyết Tiến. Trung bình mỗi mẫu chuối cho thu lãi 40 - 50 triệu đồng/năm. Nhờ trồng chuối mà đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống chỉ còn 4,6%. Rất nhiều gia đình trong xã khá giả lên cũng nhờ cây chuối”.
Anh Trần Đức Triển, thôn Bắc Sơn, một trong những người tiên phong đưa cây chuối tiêu hồng về vùng đất bãi nhớ lại: Trước kia, gia đình anh cũng như bao gia đình khác ở Bắc Sơn chỉ trồng màu nên thu nhập thấp, cuộc sống bấp bênh. Năm 2008, qua tivi, sách, báo anh được xem và thấy bà con nông dân ở Khoái Châu (Hưng Yên) trồng chuối tiêu hồng cho thu nhập cao và ổn định, anh quyết tâm sang tận xã Mễ Sở (Khoái Châu) “mục sở thị” cách trồng và chăm sóc chuối của người dân nơi đây và mạnh dạn mua 400 mầm chuối đưa về trồng thử nghiệm. Cuối năm 2008, gia đình anh thu hoạch được hơn 200 buồng, với giá lúc bấy giờ khoảng 190.000 đồng/buồng thu về hơn 40 triệu đồng.
Ngoài ra, anh còn thu trên 10 triệu đồng tiền bán chuối giống cho bà con trong thôn. Hiện nay, gia đình anh Triển có 6 mẫu trồng chuối tiêu hồng. Với giá bán 120.000 - 150.000 đồng/buồng (riêng chuối Tết từ 300.000 - 400.000 đồng/buồng), sau khi trừ chi phí, anh thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Chia sẻ về kinh nghiệm trồng chuối, anh Triển cho hay: Ưu điểm của giống chuối tiêu hồng là rất dễ trồng, cây sinh trưởng, phát triển mạnh, ít sâu bệnh, nhanh cho thu hoạch và lãi cao hơn chuối thường. Muốn chuối có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, bán được giá cao phải thường xuyên giữ ẩm, tỉa bỏ bớt cây con chỉ giữ lại mỗi gốc 1 cây khỏe mạnh để thay thế cây mẹ. Trồng 3 năm liên tiếp thì phá bỏ, trồng đậu tương hoặc lạc trong 1 năm nhằm mục đích cải tạo đất, tránh bệnh thối gốc, thối rễ.
Ở xã Hồng An hiện nay, có rất nhiều hộ gia đình giàu lên nhờ trồng loại chuối này, nhiều gia đình đã xây được nhà cửa khang trang, nuôi con cái ăn học đầy đủ. Đến thăm vườn chuối tiêu hồng nhà anh Trần Đức Thiệp khi anh đang cắt tỉa chuối, gạt nhanh giọt mồ hôi lăn dài trên trán, anh tâm sự: “Qua sách báo và tham quan một số vườn chuối tiêu hồng của các hộ dân trong xã, thấy được hiệu quả kinh tế cao nên từ hơn 3 năm nay gia đình tôi chuyển sang trồng chuối tiêu hồng trên 3 mẫu đất bãi, mỗi năm gia đình tôi thu nhập trên 150 triệu đồng. Cũng từ đó tới nay cuộc sống của gia đình tôi ổn định hơn”.
Việc tìm ra cây trồng mới phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và cho hiệu quả kinh tế cao luôn được các địa phương đặt lên hàng đầu. Đến nay, có thể khẳng định chuối tiêu hồng không chỉ giải quyết bài toán kinh tế cho Hồng An mà còn giúp người nông dân tận dụng được nguồn phân hữu cơ từ thân và lá chuối để bón cho cây trồng.
Bài, ảnh: Phạm Hưng
Tin cùng chuyên mục
- Chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng tổ chức hội chợ nông nghiệp quốc tế đồng bằng Bắc bộ năm 2024 12.11.2024 | 17:31 PM
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc thăm Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng 02.12.2023 | 19:09 PM
- UBND tỉnh: Nghe báo cáo triển khai dự án đường dây 500kV qua địa phận tỉnh Thái Bình 16.11.2023 | 17:24 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Hơn 260 doanh nghiệp huyện Hưng Hà tham gia khảo sát Bộ chỉ số DDCI 15.08.2023 | 16:03 PM
Xem tin theo ngày
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai
- UBND tỉnh làm việc với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường