Thứ 7, 23/11/2024, 10:16[GMT+7]

Khát vọng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo

Thứ 3, 30/04/2024 | 17:07:24
14,993 lượt xem
Khởi nghiệp là con đường để phụ nữ vươn lên, phát huy khả năng, trí tuệ và khẳng định bản thân. Đây cũng là phương thức thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong xã hội.

Gian hàng trưng bày các sản phẩm do phụ nữ sản xuất tại ngày phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp năm 2023.

Thoát nghèo, phát huy tài nguyên bản địa

Mạnh dạn, tự tin thực hiện khát vọng khởi nghiệp, nhiều phụ nữ đã lựa chọn dựa vào nguồn tài nguyên có sẵn tại địa phương để tạo ra những sản phẩm có giá trị, nâng cao thu nhập cho gia đình, tạo việc làm cho nhiều lao động.

Gia đình chị Nguyễn Thị Chuyện, thôn Vũ Thôn đã từng là một trong những hộ nghèo của xã Cộng Hòa (Hưng Hà). Bằng nghị lực, đức tính cần cù, chịu khó, gia đình chị đã nỗ lực phát triển kinh tế, từng bước vươn lên. Sau nhiều năm thuê 9 mẫu đất ven bãi sông chuyển đổi trồng nhiều loại cây trồng khác nhau, đến nay mô hình trồng chuối đã mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình chị Chuyện. 

Chị Chuyện cho biết: Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã tín chấp cho gia đình tôi vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Các ngành đã tạo điều kiện thì gia đình cũng phải sử dụng đồng vốn hiệu quả, đúng mục đích. Phải tính toán, trồng cây gì, nuôi con gì thấy có hiệu quả mới làm, không được lãng phí tiền của ngân hàng giao cho. Khi chưa có kinh nghiệm thì tôi phải học hỏi từ các mô hình khác và từ các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, trên sách báo. Chuối đến kỳ thu hoạch được thương lái đến tận bãi thu mua. Tùy buồng chuối to hay nhỏ, mẫu mã đẹp hay không và tùy từng năm mà giá bán chuối tiêu khác nhau, nhưng hiệu quả kinh tế vẫn gấp nhiều lần so với cấy lúa.

Bà Cao Thị Tuất, Chủ tịch Hội LHPN xã Cộng Hòa cho biết: Nguồn vốn vay ưu đãi có tính chất “vốn mồi” của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giúp những gia đình đang loay hoay như chị Chuyên vươn lên thoát nghèo bền vững. Nguồn vốn cũng giúp họ tự tin để mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi, tạo ra những điểm sáng về phát triển kinh tế ở nông thôn, giúp nhiều người học hỏi. Tuy nhiên, để làm được điều này thì chính bản thân mỗi phụ nữ và gia đình phải thực sự quyết tâm, kiên trì.

Chị Hà Thị Quyên, thôn Hồng Phong, xã Đông Thọ (thành phố Thái Bình) có thu nhập khá tại công ty may. Con còn nhỏ, chồng lại làm việc ở nước ngoài nên chị Quyên băn khoăn, trăn trở tìm cho mình một công việc phù hợp, vừa chăm lo cho gia đình vừa vươn lên làm giàu chính đáng. Chị Quyên cho biết: Suy đi tính lại thì mở cơ sở may tại nhà sẽ phát huy được kiến thức và kinh nghiệm của mình là hiệu quả nhất, lại có thể giúp đỡ được nhiều chị em có hoàn cảnh giống mình. Nghĩ là làm, đầu năm 2022, chị mở xưởng may gia công, nhận hàng về làm may tại nhà. Quy mô ban đầu của xưởng có 15 công nhân. Thiếu vốn, thiếu kỹ năng quản lý, công nhân lại chưa có kinh nghiệm trong việc sử dụng máy may... đã có lúc chị Quyên hoang mang. Song, với niềm đam mê và không ngại khó, chị đã dành nhiều thời gian nghiên cứu thêm các kiến thức về quản lý, tìm kiếm thị trường, đồng thời tranh thủ đi học hỏi kinh nghiệm của các xưởng may khác. Đến nay, xưởng may của chị Quyên có gần 50 công nhân, với thu nhập bình quân từ 7 - 8 triệu đồng/người/ tháng. Tháng 9/2023, Hội LHPN xã Đông Thọ đã tạo điều kiện hỗ trợ chị Quyên vay 95 triệu đồng để phát triển sản xuất. Ngay sau đó, cuối tháng 10/2023, chị đã cùng Ban Thường vụ Hội LHPN xã Đông Thọ ra mắt tổ hợp tác may. Từ đây thu hút, hỗ trợ phụ nữ có việc làm, tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống và vị thế của phụ nữ trong gia đình. 

Chị Nguyễn Thị Thanh Xuân, Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Thọ cho biết: Trên địa bàn xã hiện có 2 tổ hợp tác may của phụ nữ. Các mô hình này hiện tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động nữ. Việc thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả các mô hình kinh tế tập thể này giúp hội viên phụ nữ nâng đỡ nhau về tay nghề, hỗ trợ việc làm, kết nối và tiêu thụ sản phẩm. 

Xưởng may của chị Hà Thị Quyên, xã Đông Thọ (thành phố Thái Bình) giải quyết việc làm cho gần 50 lao động.

Hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp 

Cùng phụ nữ hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp, các cấp hội phụ nữ luôn đồng hành, hỗ trợ, khuyến khích phụ nữ thuộc mọi thành phần, lứa tuổi, ngành nghề vươn lên, tự tin tham gia phong trào khởi nghiệp, làm giàu. 

Bà Nguyễn Thị Minh Hiền, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” đã tạo động lực mới, khơi nguồn sáng tạo thúc đẩy phụ nữ vươn lên khởi nghiệp thành công. Các cấp hội đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong cách nghĩ, cách làm, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hội viên phụ nữ tiếp cận thị trường, sản xuất hàng hóa, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương. Trong đó, quan tâm hỗ trợ nâng cao năng lực kinh doanh, khởi nghiệp cho phụ nữ có ý tưởng kinh doanh. Đến nay, các cấp hội hỗ trợ hàng nghìn phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trên các lĩnh vực khác; hỗ trợ thành lập 13 hợp tác xã, 59 tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ; đề xuất 105 ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp. Bên cạnh đó, hỗ trợ tư vấn, tiếp cận tín dụng, tín chấp gần 3.000 tỷ đồng cho hơn 50.000 gia đình hội viên, phụ nữ vay vốn; tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động nữ. Ở các địa phương xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương phụ nữ điển hình trong phát triển kinh tế. Đồng thời, ngày phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp được Hội LHPN tỉnh tổ chức hàng năm vào dịp kỷ niệm thành lập Hội LHPN Việt Nam đã tạo sân chơi để chị em được thể hiện tinh thần khởi nghiệp, giao lưu, học hỏi, ươm mầm ý tưởng khởi nghiệp. Từ các hoạt động này, nhiều ý tưởng đã được hiện thực hóa, trở thành mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, được nhân rộng tại địa phương. Đây là minh chứng rõ ràng nhất thể hiện tài năng, trí tuệ, năng lực của phụ nữ trong thời đại mới.

Chia sẻ việc triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” tại địa phương, bà Đinh Thị The, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hưng Hà cho biết: Việc tổ chức các hoạt động liên kết, phát triển mạng lưới và xúc tiến thương mại là rất cần thiết. Do vậy, các cấp hội đã phối hợp đào tạo, nâng cao năng lực quản lý điều hành cho ban quản lý các hợp tác xã và tổ hợp tác; tư vấn, đào tạo nghề cho các thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác và cho phụ nữ chưa có việc làm. Hội cũng tuyên truyền chị em tham gia ngày phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, trưng bày và giới thiệu sản phẩm hàng năm, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại. Hội còn tích cực hỗ trợ các dự án khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư, mở rộng sản xuất. Từ đó giúp phụ nữ giới thiệu các loại hình kinh doanh, dịch vụ của tổ liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã ra thị trường, góp phần quan trọng giải quyết đầu ra và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản, hàng hóa.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Minh Hiền: Mỗi người một ý tưởng, một cách khởi nghiệp khác nhau song các chị em phụ nữ đều hướng đến mục đích làm giàu cho bản thân, góp sức xây dựng kinh tế - xã hội địa phương và khẳng định vị thế trong xã hội. Đóng góp của phụ nữ thông qua các hoạt động khởi nghiệp còn tích cực giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Gian hàng trưng bày các sản phẩm do phụ nữ sản xuất tại ngày phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp năm 2023.

Phương Chi