Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa: Cùng doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế (tiếp theo và hết) Kỳ 3: Nhiều dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu
Phát triển hạ tầng logistics
Xác định logistics có vai trò rất quan trọng trong việc lưu thông hàng hóa và tác động đến các chuỗi cung ứng hàng hóa của doanh nghiệp nên những năm qua, tỉnh tập trung quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng logistics. Sở Giao thông Vận tải đã rà soát, tham mưu, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải lập điều chỉnh các quy hoạch ngành quốc gia về kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, tổng thể phát triển hệ thống cảng biển, mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và cập nhật quy hoạch cảng biển Ba Lạt. Sở cũng tham mưu triển khai đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình giao thông huyết mạch có tính kết nối liên vùng như tuyến đường bộ ven biển, đường tỉnh ĐT.454, đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình, đoạn từ cầu ngang S1 đến đường Chu Văn An kéo dài, chuẩn bị đầu tư tuyến đường từ thành phố Thái Bình đi cồn Vành, hoàn thành dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 37 đoạn qua địa phận tỉnh Thái Bình và cầu sông Hóa...
Khi xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh quy hoạch 6 trung tâm logistics tại thành phố Thái Bình và các huyện: Thái Thụy, Tiền Hải, Hưng Hà, Kiến Xương, Quỳnh Phụ.
Ông Trần Huy Quân, Giám đốc Sở Công Thương cho rằng: Đầu tư vào hạ tầng logistics sẽ giúp nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng dịch vụ logistics và nâng cao giá trị gia tăng. Phát triển hạ tầng logistics sẽ giúp giảm chi phí, rút ngắn thời gian vận chuyển và tạo cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, thuận lợi trong quá trình đưa hàng hóa ra thị trường thế giới, từ đó sẽ làm tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của tỉnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đồng bộ các dịch vụ hỗ trợ
Đối với hoạt động của doanh nghiệp, dòng vốn được ví như máu, sức khỏe của doanh nghiệp. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thái Bình đã ký quy chế phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.
Nhờ đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cập nhật, nắm bắt được đầy đủ về cơ chế, chính sách, quy định mới về tiền tệ và ngân hàng để thực hiện sản xuất, kinh doanh, thanh toán xuất nhập khẩu hiệu quả. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tập trung vốn tín dụng cho phát triển sản xuất, kinh doanh nhất là các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có xuất khẩu. Tính đến hết năm 2023, tổng dư nợ cho vay ước đạt 94.118 tỷ đồng, tăng 9,2% so với năm 2022, trong đó dư nợ vay xuất khẩu đạt trên 9.000 tỷ đồng cho khoảng 500 doanh nghiệp.
Nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tích cực triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.
Ông Tăng Quốc Sử, Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Thực hiện đề án nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình và hội nhập quốc tế đến năm 2025, trong năm 2022, các trường nghề trên địa bàn tỉnh đã đào tạo được 35.300 lao động, trong đó 3.930 người có trình độ cao đẳng, 6.890 người có trình độ trung cấp, 24.480 người trình độ sơ cấp; năm 2023, đào tạo được 36.700 lao động với 4.150 người có trình độ cao đẳng, 7.050 người trình độ trung cấp, còn lại là trình độ sơ cấp.
Các sở, ngành chức năng, nhất là Sở Khoa học và Công nghệ thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thông tin, chuyển giao, đổi mới và phát triển công nghệ phục vụ việc nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm; hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục chứng nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Ông Phạm Văn Quang, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Ngoài xây dựng sàn giao dịch công nghệ và thiết bị hỗ trợ doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu 412 loại sản phẩm thuộc sản phẩm OCOP, sản phẩm khoa học và công nghệ, sản phẩm chủ lực của tỉnh, Sở còn cập nhật cơ sở dữ liệu 260 sản phẩm trên sàn thương mại điện tử.
Ông Trần Quốc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Thái Bình cho biết: Hoạt động thông quan hàng hóa ngày càng trở nên đơn giản, thuận lợi giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí nhờ công tác chuyển đổi số. Chi cục đã thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện phương thức quản lý điện tử, quản lý tự động các hoạt động nghiệp vụ hải quan trên môi trường số, hiện đại hóa thủ tục hải quan hướng tới hải quan phi giấy tờ.
Hiện nay, Chi cục đang xây dựng và triển khai hệ thống công nghệ thông tin ở tất cả các khâu nghiệp vụ hải quan, giảm tỷ lệ kiểm tra hồ sơ, kiểm tra hàng hóa, rút ngắn thời gian thông quan, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Đây cũng là nỗ lực của đơn vị góp phần tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh, tạo dựng niềm tin, thu hút nhiều tập đoàn, công ty lớn hàng đầu thế giới và trong nước đến đầu tư, kinh doanh tại Thái Bình. Hiện nay, Việt Nam là thành viên của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới - FTA như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa với thị trường rộng lớn. Tuy nhiên, để doanh nghiệp tận dụng được những cơ chế ưu đãi và đáp ứng các tiêu chí bộ quy tắc ứng xử của từng FTA, Sở Công Thương đã phối hợp với các cục, vụ chức năng của Bộ Công Thương tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, phổ biến các hiệp định, tập huấn về quy tắc xuất xứ hàng hóa, hướng dẫn các biện pháp phòng vệ thương mại. Đặc biệt, Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực Thái Bình đã hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chứng minh xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan theo các FTA thông qua việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cho doanh nghiệp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Đến nay, đơn vị đã thực hiện điện tử hóa 14/19 mẫu C/O, trong 2 năm 2022 - 2023 đã cấp gần 30.000 C/O cho các doanh nghiệp trên địa bàn với kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 35 - 38% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.
“Quả ngọt” sau 2 năm thực hiện đề án
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy sản xuất và phát triển thị trường, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh có sự thay đổi với nhiều tín hiệu đáng mừng. Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 và sự biến động kinh tế thế giới nhưng năm 2022, toàn tỉnh có 293 doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu hàng hóa với tổng kim ngạch đạt 2.454 triệu USD, tăng 14,8% so với năm 2021. Năm 2023, số doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu hàng hóa tăng lên 328 đơn vị với tổng kim ngạch đạt 2.645 triệu USD, tăng 7,8% so với năm 2022.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như may mặc, khăn bông, xơ sợi, thực phẩm nông sản, thủ công mỹ nghệ đã vươn ra và chinh phục được nhiều thị trường lớn, khó tính như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, các nước EU, các nước ASEAN... Có thể nói, các doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa của tỉnh đủ năng lực, điều kiện để thâm nhập, xuất khẩu vào bất kỳ thị trường nào trên thế giới. Đây là bước tiến quan trọng không chỉ mang lại hiệu quả sản xuất, kinh doanh mà còn giúp các doanh nghiệp tự tin hội nhập kinh tế quốc tế thành công và đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong thời gian tới.
Hạ tầng logistics của tỉnh không ngừng được đầu tư bảo đảm hiện đại, kết nối, đồng bộ giúp doanh nghiệp thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu.
Khắc Duẩn
Tin cùng chuyên mục
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc thăm Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng 02.12.2023 | 19:09 PM
- UBND tỉnh: Nghe báo cáo triển khai dự án đường dây 500kV qua địa phận tỉnh Thái Bình 16.11.2023 | 17:24 PM
- Tập trung thực hiện hiệu quả chương trình đèn điện “Thắp sáng đường quê” và tích tụ, tập trung đất đai 08.11.2023 | 20:14 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Hơn 260 doanh nghiệp huyện Hưng Hà tham gia khảo sát Bộ chỉ số DDCI 15.08.2023 | 16:03 PM
Xem tin theo ngày
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết và các dự án luật
- Tiếp tục quan tâm, hướng dẫn thành lập chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất và kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Họp Tiểu ban Tổng kết công tác kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Giá trị, tầm vóc và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga bất diệt
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc khu dân cư thôn An Cư
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật