Làm giàu từ nghề chế biến hải sản
Thời trẻ, Tạ Duy Anh luôn suy nghĩ chỉ có con đường học vấn mới giúp mình thành công trong cuộc sống nên học xong cấp 3 anh quyết định thi vào Trường Trung cấp xây dựng. Nhập học được mấy tháng, gia đình gặp khó khăn nên anh phải bỏ giữa chừng. Về quê lấy vợ, lập nghiệp với 2 bàn tay trắng, cuộc sống của hai vợ chồng gặp rất nhiều khó khăn. Phải làm gì để thoát nghèo là câu hỏi luôn trăn trở trong anh.
Thời gian từ năm 2000 đến 2003, vùng biển Thái Thụy có hàng trăm tàu đánh bắt hải sản, nhu cầu muối bảo quản cá rất lớn trong khi xã Thụy Hải có nghề làm muối truyền thống nên anh quyết định mượn đất, đầu tư xây nhà kho mua muối dự trữ bán cho ngư dân đi biển. Rong ruổi khắp các ruộng muối, bến cá, mỗi ngày cung cấp từ 30 đến 40 tấn, dần dần cuộc sống của hai vợ chồng đỡ vất vả hơn. Sau khi có Nhà máy Bột cá ở Thụy Hải, ngư dân bán cá cho nhà máy nên nhu cầu mua muối giảm đi, Tạ Duy Anh quyết định dốc toàn bộ vốn liếng xây dựng xưởng, bể, liên kết chế biến sứa xuất khẩu.
Ðang làm ăn thuận lợi thì đến năm 2007, đối tác dừng nhập khẩu, để lại mấy nghìn thùng sứa không biết bán cho ai. Trước nguy cơ trắng tay, hai vợ chồng đành phải đem sứa đi nhiều nơi tìm mối bán hàng, rất may thu hồi lại được vốn. Nhưng cũng chính từ lần thất bại này tạo cho anh cơ hội tìm kiếm thêm nhiều đối tác, bạn hàng mới. Anh quyết định đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm các xưởng chế biến sứa ở cả trong và ngoài nước tìm ra bí quyết chế biến, cách trộn hương liệu biến con sứa mềm nhũn trở thành món đặc sản biển có độ giòn, hương vị đặc biệt. Bản thân anh trực tiếp lựa chọn nguyên liệu, hướng dẫn công nhân tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Không chỉ tìm mối xuất khẩu sứa ra nước ngoài, anh còn tích cực tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước để giảm bớt rủi ro, sản lượng tiêu thụ ngày một tăng. Sứa chế biến ra đến đâu, khách hàng tìm đến đặt hàng hết đến đó, trung bình mỗi năm hai vợ chồng bán ra thị trường từ 150 đến 200 tấn sứa.
Mùa sứa thường tập trung từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, qua mùa sứa anh thu gom cá về chế biến, phơi khô xuất bán cho nhiều cửa hàng, đại lý ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước với số lượng hàng trăm tấn mỗi năm. Quá trình làm nghề, Tạ Duy Anh luôn nỗ lực học hỏi, nghiên cứu chế biến ra những sản phẩm mới, cho hiệu quả kinh tế cao. Sau những lần đi thu mua nguyên liệu, tìm kiếm thị trường, anh thấy nhu cầu tiêu thụ ruột don của người dân rất lớn trong khi ở vùng biển Thái Thụy nguồn nguyên liệu dồi dào mà chủ yếu tiêu thụ nhỏ lẻ trong dân với giá thấp.
Năm 2012, anh đầu tư 700 triệu đồng đặt làm nồi hơi về hấp don lấy ruột đóng gói phục vụ xuất khẩu. Nhiều lần cải tiến máy móc, rút kinh nghiệm các công đoạn sản xuất, đến nay trung bình mỗi ngày cơ sở tách ruột được 25 tấn don. Anh cho biết: “Riêng năm 2012, thu nhập từ chế biến don đạt 1,2 tỷ đồng, trừ chi phí mua máy móc còn lãi 500 triệu đồng. Từ ngày chế biến con don không chỉ tôi hưởng lợi mà thu nhập của ngư dân cũng tăng lên. Nếu như trước đây don đánh bắt về chủ yếu tiêu thụ nhỏ lẻ trong dân, làm thức ăn cho cá với giá trung bình khoảng 1.000 đồng/kg nhưng từ năm 2012 đến nay thuyền don về đến đâu cơ sở thu mua hết đến đó với giá 2.000 đồng/kg nên ngư dân rất phấn khởi”.
Là người luôn năng động, nhiệt huyết với nghề, hiện nay Tạ Duy Anh liên kết với 60 tàu thuyền ứng vốn, ngư lưới cụ để bà con yên tâm sản xuất bán sản phẩm cho anh. Ngoài ra, anh còn đi khắp các vùng biển mua thêm nguyên liệu về chế biến nên dù tôm, cá, sứa thu hoạch theo mùa nhưng xưởng sản xuất quanh năm đều bận rộn, tạo việc làm cho 40 đến 50 lao động với mức thu nhập từ 3,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng.
Bà Nguyễn Thị Bút - công nhân làm việc tại cơ sở chia sẻ: “Công việc rất ổn định, cứ 5 ngày trả lương công nhân 1 lần nên không chỉ tôi mà những người khác đều yên tâm lao động. Vào thời gian cao điểm, nguyên liệu dồi dào, thu nhập của tôi đạt 5 triệu đồng/tháng nên cuộc sống đỡ vất vả đi rất nhiều”. 43 tuổi đời, 10 năm tuổi nghề, đến nay Tạ Duy Anh có cơ ngơi chế biến hải sản mà nhiều người dân vùng biển mơ ước, doanh thu mỗi năm đạt từ 10 đến 12 tỷ đồng. Với những gì đã làm và thành công trong phát triển kinh tế gia đình, vợ chồng anh thực sự là tấm gương sáng để nhiều người học tập và noi theo.
Bài, ảnh: Nguyễn Hình
Tin cùng chuyên mục
- Chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng tổ chức hội chợ nông nghiệp quốc tế đồng bằng Bắc bộ năm 2024 12.11.2024 | 17:31 PM
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc thăm Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng 02.12.2023 | 19:09 PM
- UBND tỉnh: Nghe báo cáo triển khai dự án đường dây 500kV qua địa phận tỉnh Thái Bình 16.11.2023 | 17:24 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Hơn 260 doanh nghiệp huyện Hưng Hà tham gia khảo sát Bộ chỉ số DDCI 15.08.2023 | 16:03 PM
Xem tin theo ngày
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai
- UBND tỉnh làm việc với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường