Thứ 6, 15/11/2024, 14:10[GMT+7]

Hội thảo Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tác động đến doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Thứ 3, 10/09/2013 | 21:16:46
1,387 lượt xem
Sáng ngày 10/9, UBND tỉnh phối hợp với Hiệp hội Dệt may Việt Nam tổ chức hội thảo Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tác động đến doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Các đồng chí Bùi Xuân Khu, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương; Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các doanh nghiệp dệt may 4 tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình tham dự hội thảo.

Những năm qua, dệt may Việt Nam có sự phát triển vượt bậc, trở thành một trong những ngành sản xuất công nghiệp mũi nhọn. Hiện cả nước có gần 4.000 doanh nghiệp thu hút 2,5 triệu lao động tham gia. Năm 2012, ngành dệt may Việt Nam đạt doanh thu gần 20 tỷ đô la Mỹ, chiếm 15% GDP của cả nước. Với Thái Bình, toàn tỉnh có 160 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng dệt may, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 90.000 lao động.

Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương là một hiệp định thương mại tự do nhiều bên, được ký kết với mục tiêu thiết lập mặt bằng thương mại tự do chung cho các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực mở rộng thị trường quốc tế thông qua việc đẩy nhanh tiến trình đàm phán tham gia các hiệp định thương mại tự do với các đối tác, trong đó có Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương.

Trong các cuộc đàm phán về Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương, dệt may luôn là một nội dung quan trọng bởi quy mô và sự ảnh hưởng của ngành này đến tất cả các nội dung đàm phán về thương mại và cắt giảm thuế quan; quy tắc xuất xứ và yêu cầu về tỷ trọng sản xuất trong nước, vấn đề đầu tư, dịch vụ bán lẻ, phân phối, vấn đề sở hữu trí tuệ và quyền của người lao động, chi tiêu công và hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước; vấn đề y tế, môi trường và vệ sinh dịch tễ cùng hàng loạt vấn đề pháp lý liên quan. Chính vì vậy khi Hiệp định này được ký kết sẽ có tác động rất lớn đến ngành dệt may của Việt Nam cả về cơ hội cũng như những thách thức.

Đây là một trong 16 buổi hội thảo do Hiệp hội Dệt may Việt Nam phối hợp tổ chức tại các tỉnh, thành trên cả nước. Các đại biểu, các chuyên gia trong lĩnh vực may mặc tham dự đã tập trung thảo luận, đi sâu phân tích các vấn đề liên quan đến TPP nhằm giúp các doanh nghiệp có cái nhìn cụ thể về TPP. Tại hội thảo, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng tiến hành lấy phiếu khảo sát các doanh nghiệp dệt may của 4 tỉnh, qua đó tổng hợp thông tin về thực trạng của ngành dệt may Việt Nam, giúp Chính phủ có thêm thông tin chi tiết khi đàm phán đồng thời hoạch định, điều chỉnh chiến lược phát triển ngành dệt may trong tương lai, qua đó mang lại những lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp.

Nguyễn Hình


  • Từ khóa