Thứ 7, 21/09/2024, 08:13[GMT+7]

Thái Thụy: Sản phẩm OCOP góp phần phát triển kinh tế nông thôn

Thứ 7, 17/08/2024 | 07:45:11
12,014 lượt xem
Thời gian qua, huyện Thái Thụy tích cực triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đến các địa phương, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn. Hiện huyện có 40 sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu được công nhận sản phẩm OCOP. Mỗi sản phẩm OCOP đã góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.

Công ty TNHH Tiến Thiết (xã Thụy Sơn) từ sản phẩm giỏ bèo Tiến Thiết được công nhận OCOP năm 2022 đã phát triển thêm hàng chục sản phẩm làm từ bèo tây, tạo việc làm gần 400 lao động địa phương.

Nhận thấy việc tham gia chương trình OCOP sẽ giúp ích cho doanh nghiệp trong mở rộng thị trường, Công ty TNHH Tiến Thiết (xã Thụy Sơn) đã chủ động tham gia. Từ sự hướng dẫn của các ngành chuyên môn và nỗ lực không ngừng, năm 2022 sản phẩm giỏ bèo Tiến Thiết của Công ty TNHH Tiến Thiết được công nhận OCOP 3 sao. 

Anh Đinh Xuân Tới, đại diện Công ty cho biết: Tham gia chương trình OCOP, sản phẩm giỏ bèo Tiến Thiết khẳng định được thương hiệu, tạo cơ hội cho Công ty mở rộng quy mô sản xuất. Hiện các sản phẩm không chỉ phục vụ khách hàng trong nước mà còn xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... Ngoài sản phẩm giỏ bèo, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm làm từ cói, mây tre đan truyền thống như hộp đựng giấy, khay hoa quả, khay đựng chén, giỏ đựng quà, sọt đựng quần áo... Công ty đã phát triển hơn 10 cơ sở vệ tinh, sản xuất 10.000 - 20.000 sản phẩm/ tháng, tạo việc làm gần 400 lao động địa phương với mức thu nhập 2 - 4 triệu đồng/người/tháng.

Gắn bó với Công ty TNHH Tiến Thiết từ những ngày đầu thành lập, bà Đinh Thị Miến, tổ trưởng tổ đan bèo tây của xóm 3 cho biết: Nghề đan bèo tây không khó, “năng nhặt chặt bị” tranh thủ mọi thời gian rỗi, tôi cũng kiếm được gần 100.000 đồng/ngày. Tổ đan bèo tây của chúng tôi có 20 thành viên, nhờ nghề phụ này chúng tôi có thu nhập ổn định hàng tháng. Hy vọng nghề này sẽ phát triển hơn nữa.

Không chỉ Công ty TNHH Tiến Thiết mà hầu hết các chủ thể khi tham gia chương trình OCOP đã khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để sản xuất sản phẩm đặc trưng, góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. 

Điển hình như ông Nguyễn Đình Tuyên, xã Thụy Xuân đã tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có từ nghề khai thác thủy sản địa phương để tạo ra sản phẩm OCOP cá cơm Hồng Ngọc mang hương vị, bản sắc quê hương vùng biển. 

Ông Tuyên tâm sự: Tôi nhận thấy nguồn cá cơm tại địa phương dồi dào nên mạnh dạn mở cơ sở sản xuất, xây dựng thương hiệu “Cá cơm Hồng Ngọc” và được địa phương hỗ trợ đăng ký tham gia sản phẩm OCOP. Rất vui mừng sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao, được khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến. Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, năm 2023, tôi đã bỏ lò sấy cá thủ công bằng than, đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua 3 máy sấy cá bằng điện. Hiện cơ sở xuất bán 3 - 5 tấn cá khô/tháng, tạo việc làm cho 20 lao động địa phương với thu nhập 7 - 8 triệu đồng/ tháng. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục phát triển thêm sản phẩm OCOP từ nguyên liệu cá đù và cá mai.

Theo ông Lê Xuân Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Thụy Xuân, chương trình OCOP đã tạo động lực để địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, quan trọng nhất là góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm cho người dân và quảng bá được sản phẩm của địa phương, thúc đẩy phát triển mạnh dịch vụ hậu cần nghề cá. Hiện các tàu đánh bắt cá cơm của địa phương đều được ông Tuyên thu mua nên không phải lo đầu ra và giá thành sản phẩm. Với chủ trương xây dựng sản phẩm OCOP mang đặc trưng vùng quê ven biển, chúng tôi tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động đến các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh ở địa phương cùng tham gia và tạo điều kiện thuận lợi để các chủ thể phát triển các sản phẩm OCOP từ biển.

Ông Nguyễn Hữu Hà, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thái Thụy cho biết: Thực hiện chương trình OCOP, huyện đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, tuyên truyền và khuyến khích các tổ chức kinh tế trên địa bàn các xã, thị trấn tham gia; tổ chức các lớp tập huấn và nâng cao năng lực trong triển khai chuyên đề; xây dựng sản phẩm đặc trưng bảo đảm các tiêu chí, cũng như lợi thế về nguồn gốc, thế mạnh của địa phương và có tính bền vững. Điều đáng ghi nhận, khi được lựa chọn tham gia chương trình OCOP, các HTX, hộ dân đều khai thác hiệu quả thế mạnh của địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường; thay đổi tập quán sản xuất, phát huy tinh thần sáng tạo của nhân dân và ngành nghề truyền thống, mở rộng sản xuất cho khu vực nông thôn. Năm 2024, huyện phấn đấu có thêm 5 sản phẩm đạt 3 sao trở lên, bao gồm: khoai tây lốc xoáy, chả cá viên chiên, xúc xích (xã Dương Phúc); trà sen (xã Thụy Văn); lạc đỏ (xã Hòa An). Khắc phục khó khăn, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân xây dựng sản phẩm OCOP; hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh hoàn thiện hồ sơ sản phẩm OCOP; chú trọng tạo điều kiện cho các chủ thể về hoạt động quảng bá, tiếp thị sản phẩm, góp phần thực hiện hiệu quả tiêu chí “tổ chức sản xuất” trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Nguyễn Thắm