Thứ 6, 15/11/2024, 13:22[GMT+7]

Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp ở Kiến Xương

Thứ 5, 19/09/2013 | 08:47:09
1,454 lượt xem
Một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy nông nghiệp phát triển chính là cơ giới hóa các khâu sản xuất. Đây cũng là nội dung cơ bản khi tổ chức thực hiện Nghị quyết số 26, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) và là một trong những yêu cầu của thời kỳ xây dựng nông thôn mới (NTM). Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp không chỉ nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất mà còn góp phần quan trọng giải phóng sức lao động.

Sử dụng cơ giới hóa trong khâu thu hoạch ở xã Vũ An (Kiến Xương). Ảnh tư liệu: Thành Tâm

Trong những năm vừa qua, khi bắt tay xây dựng NTM, nhất là sau năm 2012 khi Kiến Xương cơ bản hoàn thành việc quy hoạch giao thông, thủy lợi nội đồng và dồn điền đổi thửa (DĐĐT) đất nông nghiệp, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện được đẩy mạnh ở hầu hết các xã, thị trấn. Đến nay, toàn huyện có 1.427 máy cơ giới các loại được đưa vào sản xuất theo hình thức cho thuê khoán và hợp đồng lao động với các chủ máy.

Trong đó có 949 máy cơ giới các loại theo định mức được hỗ trợ theo Quyết định số 1482 của UBND tỉnh, gồm 285 máy gặt, 225 máy làm đất, 380 máy cấy và 59 máy san đất lên luống. Đặc biệt, sau 2 năm (2011, 2012) khi các xã, thị trấn hoàn thành quy hoạch giao thông thủy lợi nội đồng và DĐĐT đất nông nghiệp, phong trào đưa máy cơ giới vào sản xuất trên phạm vi toàn huyện phát triển khá nhanh. Chỉ tính riêng trong 2 năm này, toàn huyện có 166 máy cơ giới được hỗ trợ và đã đưa vào phục vụ sản xuất.

Trong đó, có 123 máy gặt đập liên hoàn, 42 máy làm đất và 1 máy san đất lên luống. Nhiều địa phương có số lượng lớn máy cơ giới được hỗ trợ như: Thị trấn Thanh Nê 13 máy, xã Quang Trung 12 máy, xã Vũ Hòa 10 máy, xã Bình Định 12 máy, xã Vũ Ninh 9 máy... Thực tiễn từ những xã đưa được nhiều máy cơ giới vào sản xuất, sản xuất nông nghiệp luôn bảo đảm đúng lịch thời vụ, năng suất lúa cao như Bình Định, Vũ Hòa, Quang Lịch, Thị trấn Thanh Nê.

Ngoài lượng máy đã được hỗ trợ từ vụ xuân năm 2013, hiện tại ở Kiến Xương còn có 49 hộ gia đình đã đầu tư vốn đưa 49 máy cơ giới vào sản xuất từ vụ mùa năm 2013 đã được UBND các xã, thị trấn, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện nghiệm thu đề nghị hỗ trợ. Trong đó, có 32 máy gặt đập liên hoàn, 14 máy làm đất và 3 máy cấy. Theo định mức hỗ trợ máy cơ giới, huyện Kiến Xương còn 736 máy cơ giới các loại chờ hỗ trợ. Trong đó, có 132 máy gặt đập liên hoàn, 169 máy làm đất, 58 máy san đất lên luống... Với định mức này, các xã, thị trấn ở Kiến Xương có nhiều cơ hội, điều kiện để đầu tư máy cơ giới vào sản xuất nông nghiệp, phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng NTM.

Sự đầu tư của Nhà nước là điều kiện để các địa phương thực hiện được chương trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên hộ gia đình, cá nhân lại là chủ sở hữu. Do đó, quá trình giải ngân nguồn vốn gặp không ít khó khăn. Trên cơ sở đó đòi hỏi tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của hộ gia đình, cá nhân đồng thời cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa từ phía các ngành chức năng.

                             Quang Nghiêm

                               (Kiến Xương)

  • Từ khóa